Ẩm thực - Đặc sản Trà Vinh

Ẩm thực - Đặc sản Trà Vinh
Bánh tét Cốm Dẹp

Nguyên liệu chính để làm nên bánh là cốm dẹp, đây cũng là nếp nhưng người ta gặt sớm hơn khoảng nửa tháng, sau đó cho vào chảo để rang trên lửa nhỏ cho chín, sau đó cho vào cối giã,lấy ra nia sẩy sạch vỏ trấu, còn lại là phần cốm.
 
Cốm dẹp
Cốm dẹp

Một nguyên liệu để làm bánh nữa là dừa, người ta nạo dừa và thắng với nước cốt, sau đó cho cốm vào nhào bột thật đều và tới.

Khi bột đã tới làm nhân đậu xanh, người ta đãi vỏ, nấu sôi, đến khi đậu xanh chín mềm, rồi cho đường và vani vào.

Khi tất cả các nguyên liệu đã được chuẩn bị sẽ tiến hành gói. Người ta thường dùng lá chuối xiêm hoặc lá lùng gói và để  bánh không bị dính vào lá. Trước khi nấu thì người ta thường nhúng vào nước cốt dừa. Sau đó cho bánh vào nồi hấp cách thủy, khoảng vài tiếng là bánh chín vớt ra, mùi thơm phức vô cùng hấp dẫn.

Đòn bánh tét cốm dẹp đặc sản Trà Vinh thường không to mà nhỏ vừa vặn cầm tay khi ăn.

Bánh Tét Cốm Dẹp
Bánh Tét Cốm Dẹp

Điểm khác bánh tét cốm dẹp đặc sản Trà Vinh so với các loại bánh tét truyền thống là làm từ cốm dẹp cho nên có độ dẻo mịn khi ăn. Bên cạnh đó, người làm còn trộn nước cốt dừa, nên hương thơm rất hấp dẫn.


Điểm khác nữa đối với bánh tét truyền thống sẽ cho vào nồi nước sôi để nấu, còn bánh tét cốm dẹp cho vào hấp cách thủy. Bánh sẽ chín một cách từ từ, không lo sợ bánh bị vào nước

Hãy thưởng thức hương vị dẻo thơm và cùng cảm nhận, trải nghiệm bánh tét cốm dẹp" khi du khách có dịp về thăm quê hương Trà Vinh.

Cá Khoai nấu ngót

Cá Khoai nấu ngót
Cá Khoai nấu ngót

Cá khoai sinh sống ở biển, thường bơi từng đàn ở những vùng nước nông. Từ cuối mùa hè đến đầu mùa đông là thời gian ngư dân đánh bắt được nhiều cá khoai nhất.

Cá khoai nấu ngót rất đơn giản bởi là dân dã, hấp dẫn, nhiều người ưa thích, là món ăn đặc sản của quê hương Trà Vinh. Cá khoai rửa sạch, cắt khúc vừa ăn, ướp với hành lá lấy phần cọng trắng đập dập, cắt nhỏ, tiêu, muối, nước mắm ngon. Bắc nồi lên bếp cho nóng , cho dầu ăn vào phi với hành lá, hành trắng đập dập cho thơm, cho cà chua cắt theo chiều dọc vào xào cho cà săn lại một tí. Tắt bếp, để cho thật nguội mới đổ nước vào nấu tiếp với lửa nhỏ để cho cà chua ra nước. Nồi canh sôi lên thì cho chỗ cá đã tẩm ướp vào, hành tươi và rau răm thái nhỏ.

Canh cá khoai rất ngọt, vị thanh, vừa đưa miếng cá vào miệng, thịt cá đã tan ra như cháo, tưởng như chất bổ của cá thấm ngay vào vi huyết mạch của mình. Cá khoai chấm nước mắm rươi dầm ớt, nước canh ngót chan cơm, du khách khó lòng mà quên được!

Bún suông Trà Vinh

Bún Suôn
Bún Suôn

Bún Suông - Trà Vinh còn được gọi là bún đuông. Món ăn có xuất xứ từ Trà Vinh. Sở dĩ món ăn này có tên gọi như vậy là xuất phát từ chả tôm vừa tươi ngon và mềm mịn được tạo hình như những con đuông. Sự hấp dẫn của món này chính là nước lèo mang đậm chất Trà Vinh. Nước lèo  không trong  mà có màu nâu đậm, bởi được thêm một ít me và tương hạt vừa tạo nên vị ngọt thanh lại vừa thoang thoảng hương thơm của tương rất hấp dẫn. Món này hiện đang được ưa chuộng ở các tỉnh miền Nam, đặc biệt là Thành phố Hồ Chí Minh.

Chả hoa, chả lụa

Chả Hoa Năm Thụy
Chả Hoa Năm Thụy

Chả hoa, chả lụa Năm Thụy là đặc sản của tỉnh Trà Vinh được chế biến, tạo dáng độc đáo mang hình dáng con cá, con tôm hoặc pate, giò thủ,…Sản phẩm đạt danh hiệu hàng Việt Nam chất lượng cao do người tiêu dùng bình chọn với chất lượng ngon, hương vị độc đáo, hợp vệ sinh, mẫu mã đẹp,…Với những bí quyết làm nghề và sự sáng tạo độc đáo đã tạo ra sản phẩm “Chả hoa, chả lụa Năm Thụy” có hồn, mang hương vị đặc trưng không thể thiếu trong những dịp lễ tết, đình đám, vui vẻ cùng bạn bè…

Bún nước lèo
 

Bún Nước Lèo
Bún Nước Lèo

Bún nước lèo là món ăn đặc sản nổi tiếng của tỉnh Trà Vinh, đến nỗi giới “sành điệu” thường  bảo nhau: “Chưa  ăn bún nước lèo  xem như chưa đến Trà Vinh!”. Bún nước lèo  còn thể  hiện  sự  giao  lưu  văn  hóa,  đoàn  kết  giữa  các  cộng  đồng  dân  tộc  ở  Trà  Vinh.  Bún  nước  lèo được  chế  biến  từ  mắm Pròhốc  của  người  Khmer,  có  thêm  món thịt  heo  quay  của  người  Hoa.

Nguyên liệu  chính để nấu món này là  mắm bò hóc. Đây là  loại  mắm được làm  từ  nguyên liệu  cá  hỗn  hợp.  Mắm phải  đạt  các  tiêu  chuẩn,  có  hương  vị  và  tan  nhanh  trong  nước  sôi.  Để nước  ngọt,  người  ta  dùng  thêm  các  loại  cá  như:  cá  lóc,  cá  kèo,  cá  ngát  hay  tôm,  tép...  Ăn  bún nước lèo  cần có rau ghém, gồm: bắp chuối, rau muống bào nhỏ, bông súng xắt theo  chiều ngang, trộn  đều với một ít  rau thơm  xắt nhuyễn. Vào mùa điều (còn  gọi là  đào lộn  hột), có người  còn  thích  băm  một  vài  trái  điều  cho  vào  rau  ghém  để  có  vị  ngon  hơn.  Bún  nước  lèo  là  món  ăn  bình  dân  mà  lại  mang  đậm hương  vị,  nếu  có  dịp  về  Trà  Vinh,  mời bạn  dừng  chân  tại  một quán  ăn  nào  đó  bên  đường  và  gọi  một tô  bún  nước  lèo  để  thưởng thức,  chắc chắn bạn sẽ  cảm thấy  khác hẳn những loại  bún thường  ăn. Đó cũng chính là  ấn tượng  khó phai khi bạn tới  thăm vùng  đất  này.

Theo dulichtravinh.com.vn

Có thể bạn quan tâm