Đặc sắc trong hôn lễ của người Tày

Đặc sắc trong hôn lễ của người Tày
Thanh niên dân tộc Tày lày cỏ trong đám cưới. Ảnh: Việt Hoàn
Thanh niên dân tộc Tày lày cỏ trong đám cưới. Ảnh: Việt Hoàn
Người Tày coi trọng việc hướng con cái tìm hiểu bạn đời của mình để tạo dựng gia đình mới, phát triển dòng tộc. Họ rất quan tâm tới tổ tông, gia đình, dòng họ và đặc biệt là các tiêu chí chọn bạn đời. Trong tâm tưởng của các chàng trai, người con gái trước hết là hiền lành, nết na, lễ độ, đức hạnh, biết ứng xử, giao tiếp, có sức khỏe, đảm đang, cần cù, chịu khó trong lao động. Còn trong mắt các thiếu nữ, họ muốn lấy được chàng trai khỏe mạnh, khôi ngô, tuấn tú, hiểu biết hơn mình, có đạo đức tốt, sinh ra từ một gia đình nền nếp, gia giáo, dòng tộc bề thế.

Để tiến tới hôn nhân, gia đình hai bên nam, nữ trải qua một quá trình chuẩn bị chu đáo theo các thủ tục, nấc bước lễ nghi mà phong tục tập quán lâu đời quy định. Khi đôi nam thanh, nữ tú đã bén duyên nhau, nhà trai chủ động sang nhà gái đặt vấn đề dạm hỏi, hay còn gọi là “pây au mỉnh” (xin lục mệnh). Lễ dạm hỏi gồm: 2 kg thịt lợn ngon, 2 kg đường phên, 1 chai rượu và chọn ngày lành sang nhà gái. Con số 2 là biểu tượng cho đôi trai, gái có tình cảm ngọt ngào, đằm thắm, gắn kết như đường mía. Phía nhà trai cử chú hoặc bác, cùng vài người thân trong gia đình, dòng tộc mang lễ đến nhà gái dâng hương bàn thờ tổ tiên. Trong buổi lễ, nhà trai đặt vấn đề, nói lên nguyện vọng của người con trai với bố mẹ, người thân nhà gái và xin nhà gái trao bản lục mệnh của con gái mình cho nhà trai. Đó là tín vật quan trọng để nhà trai mang về so lục mệnh đôi bên.

Tiếp đến là lễ “páo mỉnh” (báo mệnh), còn gọi là “páo hom” (báo thơm) hay “mỉnh hom” (mệnh thơm). Nhà trai cử một người đứng tuổi có uy tín và một cô gái tuổi thanh xuân trong gia đình hay dòng họ mang theo đồ lễ: xôi, gà luộc, thịt lợn sang nhà gái. Trong lễ, nhà trai hoan hỷ thông báo cho nhà gái biết là số mệnh hai con hợp nhau, từ nay xem như hai con đã được đính hôn. Nhà gái dâng lễ trình báo tổ tiên trước bàn thờ và mời ông, bà trưởng lão đến thông báo tin vui. Hai bên gia đình thống nhất cho đôi bạn trẻ tiếp tục tìm hiểu nhau. Trường hợp không phù hợp nhau về số mệnh, nhà trai cũng mang đồ lễ đến trân trọng trình báo và tỏ lòng nuối tiếc khi sự thể không thành, mong cho cô gái sẽ tìm được người bạn đời hợp duyên số, xây dựng cuộc sống tốt đẹp. Hai gia đình và hai người con vẫn là bạn tốt của nhau, thậm chí đôi thanh niên nam nữ còn kết nghĩa anh em. 

Sau lễ “páo mỉnh” là lễ “xầư lùa” hay “dầư lùa” (còn gọi là sêu tết), thời gian này nhà gái chuẩn bị cho lễ cưới kéo dài ba năm. Nhà gái phải khẩn trương trồng bông, dệt vải, nhuộm chàm để làm chăn, màn, trang phục, giày vải... đều do người con gái tự tay thêu thùa, khâu vá. Ba năm là quãng thời gian để cha mẹ tiếp tục dạy bảo người con gái theo các tiêu chí: công, dung, ngôn, hạnh, bếp núc, đảm đang việc nhà. Đó cũng là dịp người thiếu nữ bày tỏ hết lòng kính trọng bậc sinh thành và yêu thương gia đình mà cố gắng, chăm chỉ làm việc chuẩn bị cho ngày cưới, báo đáp công ơn cha mẹ. Mặt khác, để giữ mối liên hệ mật thiết, gắn bó đôi bên, mỗi năm ba lần, khi đến Tết Rằm tháng 7, Tết Nguyên đán, nhà trai cử người mang quà, bánh, rượu đến thăm nhà gái bày tỏ tình cảm nồng ấm, chân thành giữa đôi bên.
Ba năm trôi qua là đến lễ “pây cạ vằn” (báo ngày cưới), còn gọi là lễ ăn hỏi. Nhà trai chủ động xem ngày lành tháng tốt, chuẩn bị đồ lễ sang nhà gái để thông báo ngày cưới. Đôi bên bàn bạc thống nhất về việc chuẩn bị cho lễ cưới như: lễ vật dẫn cưới, tiền, của hồi môn, ngày giờ đón dâu... Sau nghi thức này, xem như người con trai đã có vợ, con gái đã có chồng. Thường thì người Tày chọn ngày cưới vào dịp kết thúc mùa vụ, ấm no, nông nhàn, thời tiết mát mẻ trong năm và tiết xuân ấm áp, mùa sinh sôi nảy nở. Chọn ngày cưới đều tốt cho cả đôi bên gia đình, thời gian lễ cưới thường kéo dài hai ngày. Định ngày cưới  ít nhất phải trước một tháng để kịp chuẩn bị các điều kiện cần thiết. 

Lễ “kin lẩu” (còn gọi là lễ cưới), là nghi thức quan trọng nhất. Trước khi vào lễ cưới, nhà trai mang tiền đến cho nhà gái theo thỏa thuận đôi bên trong lễ ăn hỏi. Ít nhất trước lễ cưới 10 ngày, nhà trai mang sang đôi lợn thịt (trung bình từ 70 - 80 kg). Đến ngày cưới, đôi bên gia đình cùng tổ chức “song hỷ lâm môn”, họ hàng, bạn bè gần xa đến chúc mừng. Trước 24 giờ ngày đầu tiên, nhà trai tổ chức đoàn đi đón dâu, do quan lang dẫn đầu. Chú rể và phù rể cùng đoàn đón dâu đều mặc trang phục dân tộc Tày. Khi đến nhà gái, đoàn đón dâu phải lên tiếng, đọc thơ, làm các nghi thức xin phép để được vào nhà gái đón dâu. Đoàn nhà trai tiến hành các thủ tục trình báo tổ tiên, họ hàng, gia đình nhà gái, làm nghi lễ rải chiếu ngồi, bái tổ, dâng rượu bố mẹ, họ hàng, các bậc cao niên, dâng vải “bên ướt, bên khô”... Đoàn đón dâu và đưa dâu sang nhà trai cũng làm các nghi lễ vào nhà trai, nạp tổ cho con dâu, trình báo kết quả đoàn sang nhà gái với bố mẹ, họ hàng nhà trai. Cô dâu và phù dâu trong trang phục chàm, bộ xà tích lấp lánh, dây lưng gọn gàng cùng chú rể dâng rượu bố mẹ chồng và các cụ, ông bà, chú bác; nhận anh em trong nhà, dòng họ. Khi kết thúc lễ cưới bên nhà trai, cô dâu theo đoàn nhà gái trở về gia đình mình. 

Lễ "slam nâư” (lễ lại mặt), sau khi cưới được ba ngày, nhà trai cử chị hoặc em trong gia đình, họ hàng gánh đồ lễ cùng chú rể sang thăm và trình báo bố mẹ, họ hàng nhà gái; lần nữa tỏ lòng biết ơn công lao sinh thành, dưỡng dục của các bậc phụ thân. Lần này, khi ra về, người con dâu gánh về lại nhà chồng một nửa số quà. Dần dà, cứ đón đưa như vậy, đến lúc người phụ nữ có mang thì mới thực sự về thụ lễ "Slổng khoăn" nhập hồn vào tổ tiên nhà chồng.

Trong cuộc sống hôm nay, tục cưới xin của người Tày tuy đã có nhiều thay đổi nhưng vẫn lưu giữ những nét văn hóa truyền thống đặc trưng của địa phương cần được phát huy.
Lê Chí Thanh (Theo Baocaobang.vn)

Có thể bạn quan tâm