Đặc sắc nghi lễ cưới hỏi của người Mông xanh

Đặc sắc nghi lễ cưới hỏi của người Mông xanh

Là dân tộc ít người ở Việt Nam, người Mông xanh cư trú chủ yếu ở 2 thôn Nậm Tu Thượng và Nậm Tu Hạ của xã Nậm Xé (huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai). Người Mông xanh hiện vẫn còn lưu giữ được phong tục tập quán, giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình, đặc biệt là nghi lễ cưới hỏi đặc sắc.

Thổi sáo vầu xin mở cửa, treo ô

 Theo phong tục truyền thống của người Mông xanh, nghi lễ cưới hỏi cũng giống như một số dân tộc khác trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam như: lễ ăn hỏi, lễ cưới và lễ lại mặt. Để tổ chức lễ ăn hỏi, người Mông xanh thường chọn ngày Hợi, ngày Tuất hoặc ngày Thìn. Đoàn đi ăn hỏi chỉ có 3 người, thường đi vào buổi chiều tối, đi đầu là ông mối, tay cầm sáo vầu, tiếp đến là chú rể và sau cùng là phù rể. Ông mối được chọn phải là người giỏi giao tiếp, có tài hát đối đáp và đặc biệt phải biết thổi sáo vầu - để thổi bài sáo xin mở cửa vào nhà, xin treo ô…

Đặc sắc nghi lễ cưới hỏi của người Mông xanh ảnh 1Trước ngày cưới ông mối phải dẫn đầu đoàn nhà trai tay cầm sáo vầu đến nhà gái làm lễ ăn hỏi.

Khi đến trước cửa chính của nhà cô gái, ông mối lấy sáo ra thổi ba hồi sáo báo hiệu để nhà gái ra mở cửa cho đoàn vào nhà. Bố cô gái ra mở cửa mời đoàn nhà trai vào, đoàn nhà trai được gia đình nhà gái mời ngồi ở bên bếp lửa chính của gia đình. Sau khi nghe ông mối trình bày xong lý do, bố cô gái sẽ hỏi ý kiến con gái mình. Nếu con gái nhất trí làm vợ người ta thì nhà gái sẽ dọn cơm, mỗi người phải ăn một bát cơm thật đầy thể hiện tấm chân tình. Nếu cô gái không đồng ý, mẹ cô gái sẽ rót 3 bát rượu và lạy trả nhà trai 3 lạy. Khi cô gái đồng ý, đoàn ăn hỏi sẽ ngủ lại một đêm, sáng hôm sau được nhà gái đưa đi phát nương hoặc đắp bờ ruộng.

Chú rể mặt bôi phẩm màu, cô dâu trùm khăn đen dài

Sau khi nhà trai chuẩn bị xong đồ sính lễ gồm: thịt, gạo, rượu, 2 đồng bạc trắng hoa xòe, thì tổ chức sang nhà gái từ chiều hôm trước. Đoàn đón dâu gồm: vợ chồng ông mối, chú rể, phù rể, chị hoặc em gái của chú rể, phù dâu, một cặp vợ chồng làm người đón thông gia, một người gùi đồ lễ.

Đặc sắc nghi lễ cưới hỏi của người Mông xanh ảnh 2Cô dâu trùm vải đen kín đầu được chị gái chú rể dắt tay về nhà chồng.

Khi đến nhà gái, ông mối xin phép vào nhà chào bố cô dâu và anh em bên nhà gái. Ông cậu bên nhà gái đại diện đón tiếp đoàn và trực tiếp nhận, kiểm tra lễ vật. Vào nhà, ông mối lấy thuốc lào mời anh em bên nhà gái, sau đó rót rượu vào 2 bát to để trình bày lý do xin cưới. Đêm đó, đoàn đón dâu ngủ lại nhà gái, đến 12 rưỡi trưa hôm sau, ông mối làm thủ tục xin đón dâu về. Đoàn đón và đưa dâu đều mặc trang phục truyền thống dân tộc, đặc biệt cô dâu đầu đội khăn đen dài phủ che kín mặt, khi đi về nhà chồng không được phép quay mặt nhìn về nhà bố mẹ vì sợ sau này cuộc sống không hạnh phúc. Trên đường về nhà, đoàn đón dâu dừng lại ăn cơm rồi mới đi tiếp.

Đặc sắc nghi lễ cưới hỏi của người Mông xanh ảnh 3Tục mời thuốc lào của nhà trai trong lễ ăn hỏi.

Đoàn về đến nhà trai, cô dâu được đưa thẳng vào buồng. Đại diện nhà trai đem thuốc lào, nước chè mời đoàn nhà gái, rồi cùng tổ chức tiệc cưới. Đêm đó, hai họ hát đối, giao duyên… Nhà gái ngủ lại một đêm. Sáng sớm hôm sau, nhà trai tặng đùi lợn cho nhà gái mang về. Cùng ngày hôm đó, nhà trai sẽ tổ chức ăn thủ lợn, còn nhà gái mời anh em thân thiết trong dòng họ cùng đến ăn đùi lợn.

Đặc sắc nghi lễ cưới hỏi của người Mông xanh ảnh 4Theo phong tục dân tộc Mông xanh khi đến đón dâu, mặt chú rể được bôi phẩm màu.

Sau khi cưới 3 ngày, cô dâu chú rể sẽ về bên nhà gái để gặp gỡ, lại mặt và nhận đồ, tặng phẩm do nhà gái tặng mang về. Từ đó, vợ chồng chăm chỉ lao động, tăng gia sản xuất, xây dựng gia đình no ấm, hạnh phúc.

Theo Langvietonline.vn

Langvietonline.vn
Dân tộc Mông Dân tộc Mông

Tên tự gọi: Mông, Na Miẻo.

Tên gọi khác: Mẹo, Mèo, Miếu Hạ, Mán Trắng.

Nhóm địa phương: Mông Trắng, Mông Hoa, Mông Ðỏ, Mông Ðen, Mông Xanh, Na Miẻo.

Dân số: 1.068.189 người (Theo số liệu Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009).

Ngôn ngữ: Tiếng nói thuộc ngôn ngữ hệ Mông - Dao.

Hoạt động sản xuất: Nguồn sống chính là làm nương định canh hoặc nương du canh trồng ngô, lúa, lúa mạch. Nông dân có truyền thống trồng xen canh trên nương cùng với cây trồng chính là các cây ý dĩ, khoai, rau, lạc, vừng, đậu...

Chiếc cày của người Mông rất nổi tiếng về độ bền cũng như tính hiệu quả. Trồng lanh, thuốc phiện (trước đây), các cây ăn quả như táo, lê, đào, mận, dệt vải lanh là những hoạt động sản xuất đặc sắc của người Mông.

Người Mông chăn nuôi chủ yếu trâu, bò, lợn, gà, ngựa. Ngựa thồ là phương tiện vận chuyển rất có hiệu quả trên vùng cao núi đá. Con ngựa rất gần gũi và thân thiết với từng gia đình Mông.

Họ phát triển đa dạng các nghề thủ công như đan lát, rèn, làm yên cương ngựa, đồ gỗ, nhất là các đồ đựng, làm giấy bản, đồ trang sức bằng bạc phục vụ nhu cầu và thị hiếu của người dân. Các thợ thủ công Mông phần lớn là thợ bán chuyên nghiệp làm ra những sản phẩm nổi tiếng như lưỡi cày, nòng súng, các đồ đựng bằng gỗ ghép. Chợ ở vùng Mông thoả mãn vừa nhu cầu trao đổi hàng hoá vừa nhu cầu giao lưu tình cảm, sinh hoạt.

Ăn: Người Mông thường ăn ngày hai bữa, ngày mùa ăn ba bữa. Bữa ăn với các thực phẩm truyền thống có mèn mén (bột ngô đồ) hay cơm, rau xào mỡ và canh. Bột ngô được xúc ăn bằng thìa gỗ. Phụ nữ khéo léo làm các loại bánh bằng bột ngô, gạo vào những ngày tết, ngày lễ.

Người Mông quen uống rượu ngô, rượu gạo, hút thuốc bằng điếu cày. Ðưa mời khách chiếc điếu do tự tay mình nạp thuốc là biểu hiện tình cảm quý trọng. Trước kia, tục hút thuốc phiện tương đối phổ biến với họ.

Mặc: Trang phục của người Mông rất sặc sỡ, đa dạng giữa các nhóm.

Phụ nữ Mông Trắng trồng lanh, dệt vải lanh, váy màu trắng, áo xẻ ngực, thêu hoa văn ở cánh tay, yếm sau. Cạo tóc, để chỏm, đội khăn rộng vành.

Phụ nữ Mông Hoa mặc váy màu chàm có thêu hoặc in hoa văn bằng sáp ong, áo xẻ nách, trên vai và ngực đắp vải màu và thêu. Ðể tóc dài, vấn tóc cùng tóc giả.

Phụ nữ Mông Ðen mặc váy bằng vải chàm, in hoa văn bằng sáp ong, áo xẻ ngực.

Phụ nữ Mông Xanh mặc váy ống. Phụ nữ Mông Xanh đã có chồng cuốn tóc lên đỉnh đầu, cài bằng lược móng ngựa, đội khăn ra ngoài tạo thành hình như hai cái sừng.Trang trí trên y phục chủ yếu bằng đắp ghép vải màu, hoa văn thêu chủ yếu hình con ốc, hình vuông, hình quả trám, hình chữ thập.

Tuổi thơ hồn nhiên của trẻ em dân tộc Mông ở xã Vân Hồ, huyện Mộc Châu (Sơn La). Ảnh Lưu Trọng Đạt.jpg
Tuổi thơ hồn nhiên của trẻ em dân tộc Mông ở xã Vân Hồ, huyện Mộc Châu (Sơn La). Ảnh Lưu Trọng Đạt

: Người Mông quần tụ trong từng bản vài chục nóc nhà. Nhà trệt, ba gian hai chái, có từ hai đến ba cửa. Gian giữa đặt bàn thờ.

Nhà giàu thì tường trình, cột gỗ kê trên đá tảng hình đèn lồng hay quả bí, mái lợp ngói, sàn gác lát ván. Phổ biến nhà bưng ván hay vách nứa, mái tranh.

Lương thực được cất trữ trên sàn gác. Một số nơi có nhà kho chứa lương thực ở ngay cạnh nhà.

Chuồng gia súc được lát ván cao ráo, sạch sẽ.

Ở vùng cao núi đá, mỗi nhà có một khuôn viên riêng cách nhau bằng bức tường xếp đá cao khoảng gần 2 mét.

Phương tiện vận chuyển: Người Mông quen dùng ngựa thồ, gùi có hai quai đeo vai.

Quan hệ xã hội: Bản thường có nhiều họ, trong đó một hoặc hai họ giữ vị trí chủ đạo, có ảnh hưởng chính tới các quan hệ trong bản. Người đứng đầu bản điều chỉnh các quan hệ trong bản, trước kia, cả bằng hình thức phạt vạ lẫn dư luận xã hội. Dân mỗi bản tự nguyện cam kết và tuân thủ quy ước chung của bản về sản xuất, chăn nuôi, bảo vệ rừng và việc giúp đỡ lẫn nhau. Quan hệ trong bản càng gắn bó chặt chẽ hơn thông qua việc thờ cúng chung thổ thần của bản.

Người Mông rất coi trọng dòng họ bao gồm những người có chung tổ tiên. Các đặc trưng riêng với mỗi họ thể hiện ở những nghi lễ cúng tổ tiên, ma cửa, ma mụ... như số lượng và cách bày bát cúng, bài cúng, nơi cúng, ở các nghi lễ ma chay như cách quàn người chết trong nhà, cách để xác ngoài trời trước khi chôn, cách bố trí mộ...

Người cùng họ dù không biết nhau, dù cách xa bao đời nhưng qua cách trao đổi các đặc trưng trên có thể nhận ra họ của mình. Phong tục cấm ngặt những người cùng họ lấy nhau. Tình cảm gắn bó giữa những người trong họ sâu sắc. Trưởng họ là người có uy tín, được dòng họ tôn trọng, tin nghe.

Gia đình nhỏ, phụ hệ. Cô dâu đã qua lễ nhập môn, bước qua cửa nhà trai, coi như đã thuộc vào dòng họ của chồng. Vợ chồng rất gắn bó, luôn ở bên nhau khi đi chợ, đi nương, thăm hỏi họ hàng. Phổ biến tục cướp vợ.

Thờ cúng: Trong nhà có nhiều nơi linh thiêng dành riêng cho việc thờ cúng như nơi thờ tổ tiên, ma nhà, ma cửa, ma bếp. Những người biết nghề thuốc, biết làm thầy còn lập bàn thờ cúng những vị tổ sư nghề của mình. Nhiều lễ cúng kiêng cấm người lạ vào nhà, vào bản. Sau khi cúng ma cầu xin ai thường đeo bùa để lấy khước.

Học: Chữ Mông tuy được soạn thảo theo bộ vần chữ quốc ngữ từ những năm sáu mươi nhưng cho đến nay vẫn chưa thực sự phổ biến.

Lễ tết: Trong khi người Việt đang hối hả kết thúc tháng cuối cùng trong năm thì người Mông đã bước vào Tết năm mới truyền thống từ đầu tháng 12 âm lịch, sớm hơn tết Nguyên đán một tháng theo cách tính lịch cổ truyền của người Mông, phù hợp với nông lịch truyền thống.

Ngày Tết, dân làng thường chơi còn, đu, thổi khèn, ca hát ở những bãi rộng quanh làng. Tết lớn thứ hai là Tết 5 tháng năm (âm lịch). Ngoài hai tết chính, tuỳ từng nơi còn có các Tết vào các ngày 3 tháng 3, 13 tháng 6, 7 tháng 7 (âm lịch).

Các vận động viên dân tộc Mông thi đấu môn bắn nỏ tại Ngày hội Văn hóa, Thể thao các dân tộc huyện Than Uyên (Lai Châu). Ảnh Quý Trung.jpg
Các vận động viên dân tộc Mông thi đấu môn bắn nỏ tại Ngày hội Văn hóa, Thể thao các dân tộc huyện Than Uyên (Lai Châu). Ảnh Quý Trung

Văn nghệ: Thanh niên thích chơi khèn, vừa thổi vừa múa. Khèn, trống còn được sử dụng trong đám ma, lúc viếng, trong các lễ cúng cơm. Kèn lá, đàn môi là phương tiện để thanh niên trao đổi tâm tình.

Theo cema.gov.vn

Có thể bạn quan tâm