Đà Nẵng tổ chức đám cưới tập thể cho các công nhân nghèo

Đà Nẵng tổ chức đám cưới tập thể cho các công nhân nghèo
Các cặp cô dâu – chú rể trao nhẫn cưới. Ảnh: Quốc Dũng - TTXVN
Các cặp cô dâu – chú rể trao nhẫn cưới. Ảnh: Quốc Dũng - TTXVN
Các cặp đôi tham gia lễ cưới tập thể được Liên đoàn Lao động thành phố Đà Nẵng hỗ trợ toàn bộ kinh phí tổ chức lễ cưới; được tặng nhẫn cưới, áo cưới, 5 bàn tiệc và nhiều phần quà giá trị của Ban tổ chức và các đơn vị tài trợ. Trên những chiếc xích lô, cô dâu, chú rể mặc áo dài truyền thống đi qua các địa điểm du lịch chính của thành phố Đà Nẵng như Cầu Rồng, Bảo tàng Chăm, Quảng trường 29/3… đã thu hút rất nhiều du khách quốc tế chụp ảnh. Lễ thành hôn tập thể được tổ chức chu đáo tại khách sạn Công đoàn Thanh Bình. Đăng ký kết hôn đã 10 năm và có với nhau 2 cô con gái nhỏ,  nhưng vì khó khăn về kinh tế, biến cố sức khỏe mà mãi đến hôm nay vợ chồng chị Hồ Thị Lê, anh Trần Lê Trung mới chính thức làm lễ cưới, làm cô dâu chú rể.  “Lễ cưới tập thể đoàn viên” do Liên đoàn Lao động thành phố Đà Nẵng tổ chức cho những công nhân viên chức lao động khó khăn khiến anh chị nghẹn ngào xúc động. Chị Hồ Thị Lê là công nhân Công ty Yuri ABC Đà Nẵng cho biết: Vợ chồng anh chị rất may mắn và hạnh phúc khi được là một trong 6 cặp đôi được Liên đoàn Lao động thành phố Đà Nẵng tổ chức lễ cưới tập thể năm 2019. Càng vinh dự và tự hào khi trong đám cưới của ba mẹ còn có có sự tham dự của 2 con, đông đủ họ hàng và được Ban tổ chức hết sức hỗ trợ.
Các cặp đôi rước dâu bằng xe xích lô, trong tà áo dài truyền thống. Ảnh: Quốc Dũng - TTXVN
Các cặp đôi rước dâu bằng xe xích lô, trong tà áo dài truyền thống.
Ảnh: Quốc Dũng - TTXVN
Một cặp vợ chồng khác đăng ký làm đám cưới tập thể năm nay là cô dâu Hốih Thị Tới và chú rể A Ting Xưa (đồng bào dân tộc Cơ Tu, huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam). Trong bàn tiệc của mình, cô dâu, chú rể và họ hàng cùng nâng ly trong những chiếc áo thổ cẩm truyền thống của dân tộc. Chú rể A Ting Xưa tâm sự: Lúc đầu vợ chồng anh cũng khá lo lắng vì không rõ đám cưới tập thể thì như thế nào, nhưng đến hôm nay thì mọi việc rất suôn sẻ và thuận lợi. Chiều thứ Bảy 26/10, anh còn đi làm việc như bình thường vì mọi việc chuẩn cho đám cưới đã được các cấp công đoàn quan tâm, lo chu đáo... Tuy là hoạt động có ý nghĩa thiết thực hỗ trợ cho các cặp đôi là người lao động còn khó khăn nhưng đến nay lễ cưới tập thể tại Đà Nẵng vẫn chưa thu hút nhiều cặp đôi tham gia. Sau 4 năm phát động tổ chức, đến nay mới có 23 cặp đôi tự nguyện đăng ký để “bà mai công đoàn” đứng ra tổ chức lễ cưới.
Đoàn rước dâu của đám cưới tập thể đi qua Cầu Rồng. Ảnh: Quốc Dũng - TTXVN
 Đoàn rước dâu của đám cưới tập thể đi qua Cầu Rồng.
Ảnh: Quốc Dũng - TTXVN
Theo ông Trần Vũ Duy Mẫn, Phó Chủ tịch thường trực Liên đoàn Lao động thành phố Đà Nẵng: Với chức năng nhiệm vụ chính là chăm lo, bảo vệ quyền lợi ích của đoàn viên, hàng năm Liên đoàn đều tổ chức rất nhiều hoạt động, trong đó có lễ cưới tập thể. Trong những năm tới, Liên đoàn Lao động thành phố Đà Nẵng tiếp tục vận động các nhà tài trợ, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến thông tin đến từng công đoàn cơ sở trong các khu công nghiệp nhằm thu hút thêm nhiều cặp đôi đoàn viên lao động nghèo tham gia chương trình phúc lợi ý nghĩa này.
Quốc Dũng

Có thể bạn quan tâm