Đa dạng kênh đầu tư cho cơ sở hạ tầng

Đa dạng kênh đầu tư cho cơ sở hạ tầng
Cân đối vốn ngân sách còn hạn chế 

Hàng năm, nguồn vốn để phát triển hạ tầng giao thông vận tải tại TP Hồ Chí Minh được sử dụng chủ yếu từ vốn ngân sách thành phố, vốn ODA và vốn kêu gọi đầu tư. Đơn cử, giai đoạn 2011 - 2015, với tổng số 38.608 tỷ đồng đầu tư, vốn ngân sách và ODA là 26.662 tỷ đồng, chiếm 69%; vốn kêu gọi đầu tư là 11.946 tỷ đồng, chiếm 31%. 
 
Đa dạng kênh đầu tư cho cơ sở hạ tầng ảnh 1
Nhiều công trình nhà ở cao tầng được hình thành ở TP Hồ Chí Minh sau 30 năm đổi mới. Ảnh: An Hiếu - TTXVN

Từ đó, có thể thấy nguồn vốn kêu gọi đầu tư có tỷ trọng ngày càng gia tăng, nhưng vẫn còn hạn chế. Nhiều chuyên gia nhận định: Với khả năng thu xếp vốn ngân sách còn hạn chế như hiện nay, vấn đề huy động các nguồn lực sẽ là một mấu chốt rất quan trọng để đẩy nhanh khả năng đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng của TP Hồ Chí Minh. 

TS Trần Du Lịch, chuyên gia kinh tế cho rằng, những năm qua, các cấp chính quyền cùng các đơn vị trên địa bàn thành phố có nhiều nỗ lực trong việc thực hiện các công trình hạ tầng, nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển của thành phố và nhu cầu chính đáng của nhân dân. Tuy nhiên, hiện tốc độ phát triển cơ sở hạ tầng của TP Hồ Chí Minh chưa đồng bộ với tốc độ phát triển kinh tế đã làm ảnh hưởng đến sự tăng trưởng kinh tế - xã hội trong thời gian qua. 

TP Hồ Chí Minh là một trung tâm kinh tế - tài chính của đất nước, có tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 10 năm qua trên 11%. Hàng năm, thành phố đóng góp trên 22% GDP và trên 30% tổng thu ngân sách của cả nước; là trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, đầu mối giao lưu và hội nhập quốc tế. Do đó, hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội của thành phố không chỉ phục vụ cho nhân dân thành phố mà còn đảm nhiệm vai trò phục vụ một bộ phận nhân dân các tỉnh thành lân cận. 

Nhằm giải quyết bất cập trong cân đối nguồn vốn đầu tư, đáp ứng yêu cầu phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ các mục tiêu tăng trưởng kinh tế, cần thực hiện xã hội hóa, huy động vốn đầu tư. Bên cạnh đó, TP Hồ Chí Minh nên xin cơ chế chính sách trong sử dụng nguồn lực bất động sản để phát triển cơ sở hạ tầng đô thị. Đồng thời, khai thác nguồn lực vốn từ các đơn vị thoái hóa vốn nhà nước, cổ phần hóa để làm vốn mồi huy động các nguồn vốn khác trong xã hội. 

Cần chính sách hút vốn ODA 

Kể từ khi Nghị định 15/2015/NĐ-CP có hiệu lực thi hành vào ngày 10/4/2015, tính đến quý II năm 2016, TP Hồ Chí Minh đã thực hiện kêu gọi đầu tư tổng cộng 19 dự án đầu tư theo mô hình hợp tác công tư (PPP) với các hình thức BOT, BT, BTO, BOO... Đồng thời, tổng vốn đầu tư đạt khoảng 34.846 tỷ đồng (tương đương 1,56 tỷ USD). Mặt khác, hầu hết các dự án BOT, BT, BTO, BOO... đã và đang triển khai ở TP Hồ Chí Minh đều do những nhà đầu tư trong nước thực hiện. 

ThS Nguyễn Hồng Văn, Trưởng phòng PPP, Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hồ Chí Minh, nhấn mạnh, cần có giải pháp quảng bá, xây dựng hình ảnh cho thị trường PPP của Việt Nam đến các nhà đầu tư nước ngoài để đa dạng kênh thu hút đầu tư từ khu vực tư nhân, kinh nghiệm và năng lực quốc tế. Ngoài ra, để khuyến khích các nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia mô hình PPP, chính quyền TP Hồ Chí Minh cần có những chính sách ưu đãi thiết thực về tiền thuê đất, công tác quy hoạch... 

Hiện thu hút nguồn vốn ODA để phát triển cơ sở hạ tầng là một trong những giải pháp hiệu quả, nhưng theo TS Nguyễn Thị Mỹ Linh, Phó trưởng khoa Tài chính Ngân hàng, Đại học Công nghiệp TP Hồ Chí Minh, ghi nhận thực tế cho thấy các nhà đầu tư nước ngoài rất quan ngại vấn đề giải phóng mặt bằng cũng như hành lang pháp lý cua Việt Nam đối với các dự án phát triển cơ sở hạ tầng. Đây là rào cản gây trở ngại trong thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài đối với các dự án phát triển cơ sở hạ tầng tại Việt Nam nói chung và TP Hồ Chí Minh. 

Từ kinh nghiệm của các nước đã thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài trong phát triển cơ sở hạ tầng, các chuyên gia cho rằng, Việt Nam nói chung và TP Hồ Chí Minh nói riêng, cần có cơ chế chính sách chia sẻ rủi ro với các nhà đầu tư. Song song đó, các sở, ngành phải tăng cường giải pháp tăng tỷ lệ giải ngân nguồn vốn ODA; đẩy mạnh công tác giám sát, hậu kiểm... Đặc biệt, nhà nước và chính quyền địa phương nên đảm nhận khâu giải phóng mặt bằng và giao đất sạch cho nhà đầu tư. 

Theo TS Lê Thu Hương, đại diện Văn phòng Cơ quan Phát triển Pháp (AFD), trong giai đoạn 2016 - 2020, chiến lược của AFD tại Việt Nam là hỗ trợ phát triển xanh. Điển hình, AFD sẽ hướng đến các dự án hỗ trợ phát triển đô thị thân thiện với môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu, các lĩnh vực sản xuất có tác động môi trường và xã hội tích cực. Trong đó, khả năng cấp vốn của AFD là phù hợp với nhu cầu đầu tư hạ tầng tại TP Hồ Chí Minh.

Có thể bạn quan tâm