Đa dạng hóa các giải pháp hỗ trợ, giúp người nghèo nâng cao thu nhập

Người nghèo được nhận gạo và trứng để vượt qua dịch COVID-19. Ảnh: Phạm Kha – TTXVN
Người nghèo được nhận gạo và trứng để vượt qua dịch COVID-19. Ảnh: Phạm Kha – TTXVN

Giảm nghèo là một chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước, một trong những mục tiêu hàng đầu trong quá trình chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh An Giang. Tỉnh đã có nhiều giải pháp phù hợp với tình hình thực tế, đa dạng hóa các giải pháp hỗ trợ, giúp người nghèo nâng cao thu nhập và phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 2% cuối năm 2020.

Đa dạng hóa các giải pháp hỗ trợ, giúp người nghèo nâng cao thu nhập ảnh 1Người nghèo được nhận gạo và trứng để vượt qua dịch COVID-19. Ảnh: Phạm Kha - TTXVN

Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh An Giang, Hiện toàn tỉnh có gần 14.200 hộ nghèo, chiếm 2,63% và hộ cận nghèo gần 29.500 hộ, chiếm 5,45%. Số hộ nghèo người dân tộc thiểu số toàn tỉnh có gần 3.320 hộ, chiếm 12,21 % tổng số hộ dân tộc thiểu số. Tỉnh đã triển khai thực hiện các chương trình, chính sách về giảm nghèo với nhiều chính sách như: tín dụng ưu đãi; hỗ trợ y tế; hỗ trợ giáo dục; hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo; đào tạo nghề và giải quyết việc làm… đạt kết quả tích cực. Theo đó, 6 tháng đầu năm 2020, An Giang đã giải ngân cho 16.100 hộ vay, với số tiền trên 502 tỷ đồng; trong đó, có gần 1.300 hộ nghèo, với số tiền hơn 33,1 tỷ đồng; gần 4.200 hộ cận nghèo, với số tiền gần 129 tỷ đồng và gần 2.200 hộ mới thoát nghèo, với số tiền gần 78 tỷ đồng... An Giang hỗ trợ và cấp gần 518.000 thẻ bảo hiểm y tế cho người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, người dân tộc vùng khó khăn, người dân thuộc vùng đặc biệt khó khăn, đối tượng bảo trợ xã hội, người thuộc hộ gia đình nông, lâm, ngư nghiệp có mức sống trung bình… với kinh phí hỗ trợ hơn 156 tỷ đồng. Bên cạnh đó, tỉnh còn thực hiện miễn giảm học phí và các chi phí khác cho học sinh, sinh viên thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ chính sách người có công, dân tộc thiểu số...

Hiện An Giang đang triển khai hiệu quả nhiều chính sách thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững như: Đầu tư cơ sở hạ tầng cho các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, các ấp đặc biệt khó khăn; hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, các ấp đặc biệt khó khăn; nâng cao năng lực cho cộng đồng và cán bộ cơ sở các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, ấp đặc biệt khó khăn… Song song đó, tỉnh hỗ trợ hộ nghèo phát triển sản xuất, vay vốn tín dụng ưu đãi... góp phần tạo việc làm, tạo thu nhập ổn định, giúp nhiều hộ vươn lên thoát nghèo.

Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội An Giang Bùi Công Bằng cho biết: Việc triển khai các chính sách giảm nghèo, đặc biệt là giảm nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh gặp nhiều thuận lợi, do nhận thức trong nhân dân, người nghèo và đồng bào dân tộc thiểu số có chuyển biến tích cực, có ý chí thoát nghèo, vươn lên làm giàu.

"Tuy đạt được thành công bước đầu nhưng giải pháp giảm nghèo bền vững tại An Giang vẫn chưa đồng bộ. Một số địa phương chưa tổ chức đối thoại, khảo sát nhu cầu của hộ nghèo, từ đó khi xây dựng kế hoạch giảm nghèo chưa sát thực tế, chưa đáp ứng nguyện vọng của hộ nghèo, chưa quan tâm đúng mức việc đầu tư cho hộ cận nghèo, dẫn đến tỷ lệ hộ cận nghèo còn cao. Một số hộ nghèo ý thức chưa cao, còn thụ động, trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước và cộng đồng, chưa tìm ra hoặc không nắm bắt cơ hội để vươn lên thoát nghèo dù đã được hỗ trợ, tư vấn để học nghề, giải quyết việc làm và vốn tín dụng ưu đãi", ông Bằng thông tin.

Cuối năm 2020, An Giang phấn đấu tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm dưới 2%. Để đạt mục tiêu này, theo Sở Lao động -Thương binh và Xã hội An Giang, thời gian tới, tỉnh tập trung cả hệ thống chính trị, các ngành, các cấp để triển khai đồng bộ các giải pháp, kế hoạch, giảm nghèo cụ thể cho riêng từng xã, từng huyện. An Giang đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động mọi người tham gia chương trình giảm nghèo gắn với đảm bảo an sinh xã hội. Các chính sách giảm nghèo được triển khai phổ biến rộng rãi bằng nhiều hình thức đến mọi tầng lớp nhân dân, để tất cả người nghèo, hộ nghèo trên địa bàn tỉnh được tiếp cận đầy đủ các chế độ chính sách mà Nhà nước hỗ trợ.

Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh An Giang Châu Văn Ly cho biết, tỉnh sẽ tập trung nguồn lực cho các mục tiêu giảm nghèo như: hỗ trợ cho hộ nghèo vay vốn sản xuất kinh doanh, hỗ trợ học nghề và giải quyết việc làm... tạo mọi điều kiện cho họ vươn lên thoát nghèo bền vững. Các địa phương tăng cường đối thoại với người nghèo để tìm hiểu tâm tư nguyện vọng của họ, từ đó có kế hoạch giúp họ làm ăn nâng cao thu nhập và ổn định cuộc sống.

"Hiện các dự án, chương trình giảm nghèo hỗ trợ trên địa bàn tỉnh còn manh mún, kéo dài chính là nguyên nhân dẫn đến thất thoát, kém hiệu quả. Vì vậy, An Giang sẽ tính toán đảm bảo ngân sách hỗ trợ là yếu tố quan trọng dẫn đến thành công của chương trình, dự án ưu tiên giảm nghèo, tránh tình trạng dàn trải, chia đều như hiện nay. Mức hỗ trợ cần được được tính toán kỹ lưỡng, theo hướng linh hoạt, đảm bảo đủ để thực hiện mục tiêu đề ra", Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh thông tin.

Thời gian tới, An Giang huy động mọi tầng lớp nhân dân dân tham gia chính sách giảm nghèo; trong đó, người nghèo có trách nhiệm chủ động tham gia thực hiện kế hoạch giảm nghèo. Hàng năm, cấp tỉnh thực hiện giám sát, đối thoại ở các huyện, một số xã điển hình và hộ nghèo. Hoạt động đối thoại tạo điều kiện cho địa phương triển khai các chủ trương, chính sách của Nhà nước đối với người nghèo có hiệu quả thiết thực hơn…

Thanh Sang

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm