Cửu Long “khát” nước - Bài 2

Cửu Long “khát” nước - Bài 2
Dù đã chi hàng chục triệu để mua nước cứu cây nhưng trước sự khốc liệt của thiên tai, vụ mùa không thu hoạch được, cây trồng chết khô, tiền của tích lũy cứ “bốc hơi” dần khiến nông dân miền Tây càng thêm điêu đứng.
Chị Đặng Thị Nhiều ở ấp 12, xã Long Trung, huyện Cai Lậy cùng cán bộ Hội nông dân tỉnh Tiềng Giang đi kiểm tra thực tế diện tích vườn sầu riêng hơn 10 năm tuổi của gia đình không thể phục hồi được vì đã bị nhiễm mặn từ nhiều ngày trước đó. Ảnh; Vũ Sinh - TTXVN
Chị Đặng Thị Nhiều ở ấp 12, xã Long Trung, huyện Cai Lậy cùng cán bộ Hội nông dân tỉnh Tiềng Giang đi kiểm tra thực tế diện tích vườn sầu riêng hơn 10 năm tuổi của gia đình không thể phục hồi được vì đã bị nhiễm mặn từ nhiều ngày trước đó. Ảnh; Vũ Sinh - TTXVN
 
Bỏ tiền triệu mua nước tưới cây
Từ khi mặn xâm nhập đến nay, các vườn cây ở Chợ Lách, Châu Thành, Mỏ Cày Bắc... thuộc tỉnh Bến Tre không được tưới nước hoặc tưới cầm chừng. Vì thiếu nước hoặc bị tưới nước đã nhiễm mặn nên nhiều vườn cây ăn quả đã  rụng lá, rụng trái; cây giống bị chết bởi đây những loại cây cần lượng nước tưới lớn và rất nhạy cảm với nước mặn.
 
Anh Phạm Thanh Sơn, ở xã Tiên Long có 4.000 m2 vườn sầu riêng đã 11 năm tuổi, cây đang cho quả non được khoảng một tháng nhưng do không đủ nước ngọt tưới nên lá bị vàng, rụng lá. Anh Sơn phải mua nước ngọt từ các sà lan với giá 55.000 đồng/m3 về trữ dưới mương để tưới phun sương cho lá, tưới nhỏ giọt cho gốc giữ ẩm và phải tưới ban đêm để nước không bị bốc hơi. Riêng tiền mua nước, mỗi tháng anh Sơn phải bỏ ra hơn 8 triệu đồng.
 
Trong khi đó, vườn sầu riêng gần 1 ha của ông Nguyễn Văn Hơn ở cùng xã đã 2 tháng không được tưới nước. Ông Hơn cho hay, nguồn nước ở sông Hàm Luông độ mặn dao động 10‰ nên không thể tưới cho cây. Nếu mua nước ngọt từ các sà lan thì mỗi tháng hết khoảng 70 triệu đồng – một số tiền quá lớn, trong khi chưa biết khi nào mới hết mặn. Tuy nhiên điều mà nông dân lo lắng nhất hiện nay là mặn còn kéo dài, khả năng cây sẽ suy yếu dần và chết vì thiếu nước.
 
Nằm xa biển hơn 100 km, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang là địa phương trong lịch sử chưa khi nào bị mặn. Thế nhưng nay cả người dân và nhà vườn đều nhốn nháo vì nước mặn ở các con sông lên trên 2‰. Một số con sông được người dân xã Cẩm Sơn, huyện Cai Lậy đắp ngăn mặn để trữ ngọt sử dụng tưới sầu riêng nay đã cạn.

Ở xã Mỹ Thành Nam - "vựa mít" của huyện Cai Lậy, nông dân đang vất vả tìm cách có nước ngọt để tưới. Nhà bà Nguyễn Thị Nguyệt (xã Mỹ Thành Nam, huyện Cai Lậy) có trên 5.000 m2 đất ruộng mới lên vườn trồng mít Thái, sầu riêng chưa đầy 1 năm. Từ khoảng 1 tháng nay nước sông bị nhiễm mặn. Dù gia đình đã bít cống trữ nước trong mương vườn nhưng vẫn bị rò rỉ mặn, khiến độ mặn đã trên 1‰, không thể tưới cho cây.
 
Cách Cai Lậy một con sông, nhiều nhà vườn ở các huyện có diện tích cây ăn trái nhiều nhất của tỉnh Bến Tre như Châu Thành, Chợ Lách đã cạn nguồn nước ngọt tích trữ trong lu, ống hồ, mương vườn.

Người dân các huyện và các nhà máy nước đã  phải mua nước ngọt với giá từ 170.000 đồng – 200.000 đồng/m3 để phục vụ sản xuất và sinh hoạt”, Tiến sĩ Bùi Thanh Liêm, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chợ Lách, Bến Tre cho biết.
 
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bến Tre Bùi Văn Lâm ước tính, nếu tình hình hạn mặn tiếp tục kéo dài và thiếu nguồn nước ngọt từ thượng nguồn đổ về sẽ có khoảng 20.000 ha cây ăn trái (chôm chôm, sầu riêng, bưởi da xanh, nhãn, măng cụt,…); 72.320 ha dừa; 1.490 ha rau màu; hơn 1.000ha cây giống, hoa kiểng trên địa bàn huyện Chợ Lách…bị ảnh hưởng. Thống kê của ngành nông nghiệp Bến Tre cho thấy trên 5.000 ha lúa vụ Đông Xuân bị thiệt hại, có khả năng mất trắng.
 
Độ mặn tăng cao cũng đã ảnh hưởng trực tiếp đến nhiều diện tích nuôi trồng thủy sản của Bến Tre; trong đó đã ghi nhận thiệt hại trên con nghêu, tôm càng xanh và cá tra. Khoảng 1.100 tấn nghêu của các hợp tác xã thuộc ba huyện biển (Ba Tri, Thạnh Phú và Bình Đại) bị chết, ước giá trị thiệt hại khoảng 23 tỷ đồng; gần 1.000 ha tôm càng xanh, cá tra bị chết, bỏ ăn, chậm lớn.
Hạn, mặn gây thiệt hại cho nhiều diện tích lúa mùa của huyện Thới Bình (Cà Mau). Ảnh: Thế Anh
Hạn, mặn gây thiệt hại cho nhiều diện tích lúa mùa của huyện Thới Bình (Cà Mau). Ảnh: Thế Anh
Mặn ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực
Tại Cà Mau, theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, đến thời điểm này trên địa bàn tỉnh có hơn 19.320 ha lúa bị thiệt hại; trong đó thiệt hại trên 70% là hơn 12.530 ha do hạn hán và xâm nhập mặn.

Ông Nguyễn Văn Lượm (ngụ huyện Cái Nước, Cà Mau) cho biết, do nắng nóng nên độ mặn trên các con sông tăng cao khiến tôm nuôi của gia đình chậm lớn, dễ mắc một số bệnh như cong thân, bệnh về gan. Theo lời ông Lượm, trước đó khoảng 5 tháng thả nuôi thì tôm có thể đạt trọng lượng trên dưới 40 con/kg, cua thì khoảng 300 gram/con. Tuy nhiên, thời gian gần đây do nắng hạn nên cùng khoảng thời gian nuôi như trên nhưng tôm nuôi ở mức 60 - 70 con/kg…
 
Bên cạnh những thiệt hại về sản xuất, Cà Mau còn có hơn 40 km đường giao thông nông thôn bị sụt lún. Đặc biệt, vào những ngày trung tuần tháng 2/2020, tuyến đê biển Tây có vai trò ngăn mặn bảo vệ hệ sinh thái ngọt cho hai huyện U Minh và Trần Văn Thời của Cà Mau bất ngờ bị sụt lún mặt đường với chiều dài khoảng 210 m, độ sâu từ 1,8 – 2m.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử cho biết, do không có nước ngọt bổ sung từ thượng nguồn sông Mê Kông, sản xuất chủ yếu lệ thuộc vào nguồn nước mưa nên mỗi khi bước vào mùa khô, tình trạng thiếu nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt lại diễn ra, kéo theo nhiều hệ luỵ khác là sụp lún, sạt lở đất trên diện rộng, ảnh hưởng rất lớn đến đời sống, sản xuất, giao thương... của người dân.
 
Tình trạng nước cấp bị nhiễm mặn đã gây ảnh hưởng đến các doanh nghiệp hoạt động sản xuất công nghiệp. Theo ông Trần Hùng - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần cấp thoát nước Bến Tre, một số nhà máy có yêu cầu sử dụng nước cao như sản xuất bia, thực phẩm, nồi hơi, nhuộm vải đã chủ động tự trang bị hệ thống lọc RO. Tuy nhiên hệ thống này có tỷ lệ lọc chỉ được 30% với độ mặn nước đầu vào không quá 3‰.
 
Ông Trần Văn Đức, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần đầu tư dừa Bến Tre (Beinco), xã Thanh Tân, huyện Mỏ Cày Bắc cho biết, doanh nghiệp sử dụng khoảng 300 m3 nước để sản xuất mỗi ngày. Từ tháng 12/2019 đến nay, doanh nghiệp không đủ nước ngọt để sử dụng vì nước máy thường xuyên ghi nhận độ mặn cao từ 3‰ - 4‰. Công ty đã đầu tư hệ thống lọc nước RO nhưng hệ thống này rất tốn kém, chi phí lọc 1m3 nước mặn thành nước ngọt tốn 40.000 – 60.000 đồng. Trước việc giá nguyên liệu dừa tăng cao cộng thêm chi phí xử lý nguồn nước để sản xuất nên công ty chỉ hoạt động khoảng 10% công suất.
 
Để đáp ứng nhu cầu cao của một số nhà máy, Công ty cổ phần cấp thoát nước Bến Tre đã chủ động mua nước từ các nhà máy cấp nước của các tỉnh lân cận (Tiền Giang, Vĩnh Long) và vận chuyển (bằng xe ô tô, sà lan) cung cấp trực tiếp cho các đơn vị; chi phí phát sinh do doanh nghiệp chi trả, tính đến nay khoảng 2 tỷ đồng.

Theo Công ty mặc dù đã đưa ra nhiều giải pháp để giảm độ mặn của nước sau xử lý xuống mức thấp nhất nhưng do nước mặn xâm nhập trên toàn bộ địa bàn tỉnh Bến Tre nên nước máy có nơi bị nhiễm mặn cao. Công ty sẽ xây dựng phương án khấu trừ tiền nước trong thời gian khách hàng bị ảnh hưởng bởi nước mặn vượt tiêu chuẩn quy định.
 
Trao đổi với phóng viên TTXVN, Phó Giáo sư - Tiến sĩ Trần Bá Hoằng, Viện trưởng Viện Khoa học thủy lợi miền Nam cho biết, xâm nhập mặn sâu nhất trên các cửa sông Cửu Long có thể đã đạt đỉnh điểm vào tháng 2 và đầu tháng 3; vùng ven biển Tây (sông Cái Lớn - Cái Bé) có thể đạt đỉnh trong tháng 4 và kéo dài sang tháng 5 nếu không có mưa.

Tại khu vực cửa sông Cửu Long, trong tháng 4, có khả năng ảnh hưởng nguồn nước điều tiết gia tăng từ thượng nguồn nên từ sau ngày 15/4 mặn xâm nhập giảm nhanh, các hệ thống thủy lợi có khả năng lấy được nước ngọt để rửa mặn, tiêu thoát môi trường để chuẩn bị vụ kế tiếp. Tuy vậy, cần đề phòng một số trường hợp bất thường do dòng chảy thượng lưu về đồng bằng vẫn thấp./. (Còn nữa)
 Phóng viên TTXVN tại Đồng bằng sông Cửu Long
 Bài cuối: Thay đổi để thích nghi
Báo ảnh Dân tộc và Miền núi/TTXVN

Có thể bạn quan tâm