Cứu hộ 13 cá thể cheo cheo trước khi thả về rừng

Ngày 18/4, Ban Quản lý Vườn Quốc gia Bù Gia Mập (Bình Phước) cho biết, đơn vị vừa tiếp nhận 13 cá thể cheo cheo do người dân bàn giao để cứu hộ trước khi thả về môi trường tự nhiên.

Cuu ho 13 ca the cheo cheo truoc khi tha ve rung hinh anh 1 13 cá thể cheo cheo được Trung tâm Cứu hộ, Bảo tồn và Phát triển sinh vật – Vườn Quốc gia Bù Gia Mập tiếp nhận cứu hộ trước khi thả về môi trường tự nhiên. Ảnh: TTXVN phát

Theo đó, mới đây Trung tâm Cứu hộ, Bảo tồn và Phát triển sinh vật, Vườn Quốc gia Bù Gia Mập đã tiếp nhận 13 cá thể cheo cheo do gia đình ông Triệu Văn Yên (ngụ xã Tân Hòa, huyện Đồng Phú, Bình Phước) bàn giao.

Số cheo cheo trên được gia đình ông Yên nuôi nhốt nhiều năm nay. Sau khi được chính quyền địa phương và lực lượng kiểm lâm tuyên truyền, vận động, gia đình ông Yên đã nhận thức được việc bảo vệ động vật hoang dã và tự nguyện bàn giao số động vật trên cho cơ quan chức năng.

13 cá thể cheo cheo sau đó được Trung tâm Cứu hộ, Bảo tồn và Phát triển sinh vật, Vườn Quốc gia Bù Gia Mập tiếp nhận thả nuôi vào môi trường bán hoang dã, đồng thời chăm sóc, chữa bệnh trước khi thả số động vật trên về môi trường tự nhiên.

Cheo cheo (tên khoa học là Tragulus javanicus) thuộc họ cheo cheo Tragulidae. Cheo cheo là loài thú móng guốc nhỏ nhất trong họ cheo cheo Tragulidae, thân dài khoảng 0,4 - 0,5m; trọng lượng trung bình 1.300 – 2.300g, dạng ngoài gần giống hoẵng.

Ông Phùng Mỹ Trung, chuyên gia sinh vật rừng Việt Nam cho biết, cheo cheo là loài thú móng guốc cổ nhất, chỉ còn tồn tại ở rừng nhiệt đới Đông Nam châu Á. Hiện nay loài cheo cheo tại các tỉnh phía Bắc nước ta gần như tuyệt chủng. Trong khi ở các tỉnh phía Nam, diện tích cư trú của loài cheo cheo đang giảm mạnh, hiện ước còn khoảng 2.000 km2, chủ yếu ở Tây Nguyên. Số lượng cá thể ước tính còn dưới 10.000 con, mỗi năm có thể giảm sút 3 - 4%.

Cheo cheo được sách đỏ Việt Nam năm 2000 xếp bậc V. Loài này thuộc nhóm IIB theo quy định tại Nghị định số 06/2019/NĐ-CP ngày 22 tháng 1 năm 2019 của Chính phủ về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và thực thi Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp.

Theo quy định của pháp luật, việc săn bắt, giết, vận chuyển, nuôi, nhốt, buôn bán trái phép động vật thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ hoặc vận chuyển, buôn bán trái phép bộ phận cơ thể hoặc sản phẩm của loài động vật đó sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc xử lý hình sự tùy theo mức độ vi phạm.

Sỹ Tuyên

Tin liên quan

Cứu hộ động vật hoang dã quý hiếm ở Vườn Quốc gia Bù Gia Mập

Vườn Quốc gia Bù Gia Mập cách trung tâm tỉnh lỵ Bình Phước hơn 120 km về phía Đông Bắc, nơi được mệnh danh là “lá phổi xanh vùng đất đỏ Đông Nam Bộ”. Tuy vậy, rất ít ai biết nơi đây lại có Trung tâm Cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật thực hiện công việc giải cứu động vật quý hiếm như: Voọc chà vá chân đen, vượn đen má vàng, lu li nhỏ, trăn mốc, khỉ đuôi lợn, khỉ mặt đỏ… trở về với thiên nhiên.


Cứu hộ động vật hoang dã qua đường dây nóng

Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên Nguyễn Thị Phương Dung cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2019, Trung tâm đã ghi nhận 137 cá thể động vật hoang dã được cứu hộ thành công trên cả nước. Hầu hết các vụ việc đều từ nguồn tin của người dân qua đường dây nóng 1800-1522.



Đề xuất