Cựu chiến binh tỉnh Sơn La thi đua làm kinh tế giỏi

Cựu chiến binh Nguyễn Huy Bẩy (bên trái), Giám đốc Công ty TNHH Sơn Hưng Trung, thành phố Sơn La, kiểm tra sản phẩm. Công ty đã tạo việc làm thường xuyên cho trên 120 cán bộ, công nhân viên, lao động với thu nhập 6 đến 8 triệu đồng/người/tháng. Ảnh: Quang
Cựu chiến binh Nguyễn Huy Bẩy (bên trái), Giám đốc Công ty TNHH Sơn Hưng Trung, thành phố Sơn La, kiểm tra sản phẩm. Công ty đã tạo việc làm thường xuyên cho trên 120 cán bộ, công nhân viên, lao động với thu nhập 6 đến 8 triệu đồng/người/tháng. Ảnh: Quang

Sau những năm tháng trong quân ngũ, trở về cuộc sống đời thường, nhiều hội viên Hội Cựu chiến binh tỉnh Sơn La luôn phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, vững vàng, tiên phong trên mặt trận kinh tế, làm giàu cho gia đình và tạo việc làm cho đồng đội, con em gia đình chính sách, người có công với cách mạng.

Cựu chiến binh tỉnh Sơn La thi đua làm kinh tế giỏi ảnh 1Cựu chiến binh Nguyễn Huy Bẩy (bên trái), Giám đốc Công ty TNHH Sơn Hưng Trung, thành phố Sơn La, kiểm tra sản phẩm. Công ty đã tạo việc làm thường xuyên cho trên 120 cán bộ, công nhân viên, lao động với thu nhập 6 đến 8 triệu đồng/người/tháng. Ảnh: Quang Quyết - TTXVN

Ông Trịnh Công Thức ở bản Tường Ban, xã Mường Cơi, huyện Phù Yên là một cựu chiến binh tiêu biểu trong phát triển kinh tế tại địa phương. Thông qua những chuyến tham quan, học hỏi kinh nghiệm phát triển kinh tế tại các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, ông nhận thấy mô hình nuôi hươu sao lấy nhung đem lại hiệu quả kinh tế cao. Vì vậy, ông quyết định tìm tòi, học hỏi và đầu tư mua hươu giống về nuôi.

Gia đình ông bắt đầu mua 3 con hươu giống về nuôi từ năm 2006, hiện nay đàn hươu phát triển được 20 con. Hươu ăn ít, mỗi con ăn khoảng 7 kg cỏ/ngày, dễ chăm sóc, ít bị bệnh. Để đảm bảo nguồn thức ăn cho hươu, gia đình ông trồng vài nghìn mét vuông cỏ. Hiện nay, nhung hươu không đủ bán ra thị trường nên nuôi hươu mang lại hiệu quả kinh tế rất cao. Ông Trịnh Công Thức cũng đầu tư hơn 100 triệu đồng để xây dựng chuồng nuôi nhốt và quây rào khu vực chăn nuôi rộng trên 1.000 m2. Cùng với đó, gia đình ông phát triển, duy trì nuôi 30 con lợn, mỗi năm xuất bản 2 lứa. Từ việc nuôi hươu, nuôi lợn, sau khi trừ chi phí thu lãi khoảng trên 250 triệu đồng/năm, đời sống của gia đình ông ngày càng được nâng cao. Không chỉ làm kinh tế giỏi, là hội viên Hội Cựu chiến binh, ông Thức còn luôn nhiệt tình trong mọi hoạt động của Hội, sẵn sàng giúp đỡ về kỹ thuật, trao đổi kinh nghiệm, chăn nuôi cho những hội viên và người có nhu cầu.

Còn cựu chiến binh Phạm Duy Hoàn - Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Xây dựng Thương mại Kim Sơn, phường Chiềng Cơi, thành phố Sơn La hoạt động trong lĩnh vực xây dựng công trình đường sắt và đường bộ. Từ năm 2002 đến nay, ông điều hành Công ty phát triển hiệu quả, duy trì tạo việc làm thường xuyên cho trên 100 lao động với thu nhập 5-10 triệu đồng/tháng, trong đó có 8 con em hội viên Hội Cựu chiến binh.

Cựu chiến binh tỉnh Sơn La thi đua làm kinh tế giỏi ảnh 2Lao động làm việc tại Công ty TNHH Sơn Hưng Trung, thành phố Sơn La, do Cựu chiến binh Nguyễn Huy Bẩy làm Giám đốc. Ảnh: Quang Quyết - TTXVN

Cùng với làm giàu cho gia đình, những mô hình kinh tế của hội viên Hội Cựu chiến binh đã góp phần giải quyết việc làm cho nhiều lao động địa phương, với mức thu nhập ổn định. Anh Nguyễn Khánh Hoài, lao động tại Công ty trách nhiệm hữu hạn Xây dựng Thương mại Kim Sơn cho hay, làm việc tại đây, anh được động viên nhiều về mặt tinh thần, nhất là có thu nhập đều đặn để đảm bảo cuộc sống gia đình. Với đặc thù làm nghề cơ khí, trung bình thu nhập khoảng 90 triệu đồng/năm, các công nhân rất yên tâm và mong muốn gắn bó lâu dài với Công ty. 

Phong trào “Cựu chiến binh thi đua phát triển kinh tế, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” được Hội Cựu chiến binh tỉnh Sơn La triển khai sâu rộng tới các cấp Hội, đã bám sát yêu cầu nhiệm vụ chính trị, những mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh và của từng địa phương. Qua phong trào đã động viên, khơi dậy và phát huy truyền thống yêu nước, sự cần cù, năng động, sáng tạo, ý chí tự lực, tự cường trong cán bộ, hội viên; phát huy được giá trị tốt đẹp, khuyến khích cựu chiến binh sản xuất có hiệu quả, được cấp ủy, chính quyền các cấp ghi nhận, góp phần thực hiện các mục tiêu xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội của các địa phương.

Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh Sơn La Cầm Xuân Ế thông tin, từ năm 2017-2022, Hội Cựu chiến binh các cấp nhận ủy thác từ Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội hơn 1.142 tỷ đồng và không để xảy ra nợ quá hạn. Cán bộ, hội viên đã xây dựng quỹ Hội được trên 16 tỷ đồng. Toàn tỉnh hiện có 77 doanh nghiệp vừa và nhỏ, 44 hợp tác xã, 20 tổ hợp tác, 97 trang trại, trên 2.000 gia trại, 1.906 hộ kinh doanh dịch vụ do hội viên cựu chiến binh làm chủ duy trì sản xuất, kinh doanh hiệu quả. Tỷ lệ hộ nghèo trong hội viên cựu chiến binh năm 2017 là 13,95%, đến nay giảm xuống còn 7,93%. Có 1.398 lượt hội viên cựu chiến binh được các cấp công nhận đạt danh hiệu sản xuất kinh doanh giỏi.

Cựu chiến binh tỉnh Sơn La thi đua làm kinh tế giỏi ảnh 3Công ty TNHH Sơn Hưng Trung (thành phố Sơn La) do Cựu chiến binh Nguyễn Huy Bẩy làm Giám đốc tạo việc làm thường xuyên cho trên 120 cán bộ, công nhân viên, lao động với thu nhập 6 đến 8 triệu đồng/người/tháng. Ảnh: Quang Quyết - TTXVN

Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện phong trào “Cựu chiến binh thi đua phát triển kinh tế, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”, nhiệm kỳ 2022 - 2027, Hội Cựu chiến binh tỉnh Sơn La tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ hội viên về vốn, giống, khoa học kỹ thuật để phát triển kinh tế, làm giàu cho bản thân và gia đình. Hội phấn đấu mỗi năm giảm 8,5% trở lên số hộ hội viên nghèo, phát triển được 20 hợp tác xã do hội viên cựu chiến binh làm chủ trở lên, trong đó có hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao... Các cấp Hội tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động; vận động cán bộ, hội viên đoàn kết giúp nhau phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.

Quang Quyết

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm