75 năm Quân đội Nhân dân Việt Nam:

Cựu chiến binh Phan Văn Phụ phát huy bản lĩnh người lính Cụ Hồ trên vùng đất khó

Cựu chiến binh Phan Văn Phụ phát huy bản lĩnh người lính Cụ Hồ trên vùng đất khó
Ông Phan Văn Phụ cùng khách tham qua vườn thanh long Ảnh: Thanh Bình - TTXVN
Ông Phan Văn Phụ cùng khách tham qua vườn thanh long
Ảnh: Thanh Bình - TTXVN

Đến tận nơi mới thấy cơ ngơi đồ sộ của ông Phan Văn Phụ. Qua trò chuyện, ông Hai Phụ xuất thân trong một gia đình nông dân nghèo, với hai bàn tay trắng. Năm 18 tuổi, ông tình nguyện lên đường nhập ngũ và phục vụ trong Tiểu đội 1, Trung đoàn 738, thuộc Tỉnh đội Long An. Vốn là người siêng năng, thông minh, hoạt bát, ông Hai Phụ tiếp thu những thao tác, chiến thuật, chiến lược trong quân ngũ nhanh hơn các bạn đồng trang lứa. Ông được đồng đội thương, lãnh đạo mến và ông mong muốn ở lại phục vụ lâu dài trong quân đội.

Tuy nhiên, ước vọng không thành hiện thực vì ở quê còn mẹ già không ai chăm sóc. Sau 3 năm phục vụ trong quân đội, ông Hai Phụ phải xuất ngũ về trở về địa phương và lập gia đình. Tài sản của gia đình ông bấy giờ chỉ có gần 1.000 m2 đất vườn, ruộng đất bạc màu, thu nhập hàng năm không đủ trang trải cho cuộc sống. Hàng ngày, ngoài việc làm ruộng và chăn nuôi lợn, gà, hai vợ chồng ông xoay xở đủ nghề để sinh nhai, nhưng vẫn không thoát khỏi cảnh bữa sáng lo bữa tối.

Không nản lòng, với chất người lính được tôi luyện trong quân đội cùng bản chất cần cù, chịu khó, ông Hai Phụ đã động viên vợ cố gắng vượt qua khó khăn ban đầu và quyết tâm lao động sản xuất, vươn lên làm giàu chính đáng. Năm 1986, được sự giúp đỡ, động viên của Hội Cựu chiến binh xã Thuận Mỹ, cho mượn tiền làm ăn, ông Hai Phụ đã đầu tư máy ấp vịt trị giá 5 triệu đồng, với số lượng ấp 1.000 trứng. Bên cạnh đó, ông kết hợp nuôi lợn thịt, gà, thu lãi trên 10 triệu đồng/tháng.

Ông Phan Văn Phụ đang chăm sóc trái thanh long Ảnh: Thanh Bình - TTXVN
Ông Phan Văn Phụ đang chăm sóc trái thanh long
Ảnh: Thanh Bình - TTXVN

Dần dần qua từng năm, số tiền lãi từ việc kinh doanh của ông Hai Phụ tăng lên. Năm 1998, ông mở cơ sở kinh doanh xăng, dầu với vốn đầu tư ban đầu khoảng 700 triệu đồng, thu lãi bình quân 200 triệu đồng/năm. Vốn ngày càng phát triển, 2 năm sau ông Hai Phụ mua thêm 5.000 m2 đất vườn tạp, chuyển sang trồng thanh long ruột đỏ và xây dựng nhà nuôi yến. Từ các mô hình này, cùng với việc ứng dụng khoa học kỹ thuật hiện đại, gia đình ông Hai thu lãi hơn 500 triệu đồng/năm. Nhờ vậy, vợ chồng ông có điều kiện chăm lo cho các con ăn học. Hiện các con của ông đều có công ăn, việc làm ổn định.

Không chỉ quan tâm phát triển kinh tế gia đình, ông Hai Phụ giữ vững truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ”, kiên định với mục tiêu lý tưởng của Đảng, gương mẫu trong các phong trào, tích cực tham gia các hoạt động do địa phương phát động. Hàng năm, ông đã vận động gia đình và nhân dân tự nguyện đóng góp quỹ, phí, thuế. Đặc biệt, ông Hai Phụ vận động chung tay góp ngày công, tiền cùng làm đường bê tông theo chủ trương của Nhà nước, với số tiền hơn 80 triệu đồng. Đồng thời, ông sẵn sàng giúp đỡ, chia sẻ với những hoàn cảnh khó khăn, trao đổi kinh nghiệm làm ăn với các hội viên và bà con lối xóm.

Ngoài ra, với vai trò là thành viên Câu lạc bộ doanh nhân Cựu chiến binh tỉnh Long An, ông Hai Phụ vận động các mạnh thường quân tặng 6 căn nhà đồng đội cho hội viên Hội Cựu Chiến binh trong tỉnh, với số tiền 300 triệu đồng. Ông còn vận động người thân, gia đình tham gia đóng góp hơn 18 triệu đồng xây dựng mô hình ánh sáng an ninh trật tự; tạo việc làm cho 10 lao động và con em cựu chiến binh tại địa phương.

Ông Nguyễn Tấn Tài, một cựu chiến binh cùng địa phương, hoàn cảnh khó khăn, một mình vừa phải nuôi mẹ già, vừa nuôi con đang tuổi ăn học. Thấy vậy, ông Hai Phụ tạo điều kiện cho ông Nguyễn Tấn Tài quản lý, chăm sóc vườn thanh long và trả công hơn 10 triệu đồng/tháng. “Vì nhà nghèo, vợ phải bỏ đi, một mình cáng đáng mọi việc tưởng chừng có lúc tôi bỏ cuộc. Tuy nhiên, nhờ anh Hai Phụ tận tình giúp đỡ, hỗ trợ công ăn việc làm, nên tôi phần nào đỡ vất vả hơn” ông Nguyễn Tấn Tài chia sẻ.

Ông Nguyễn Văn Phước, Bí thư kiêm Chủ tịch Ủy ban nhân xã Thuận Mỹ cho biết: Cựu chiến binh Phan Văn Phụ là tấm gương để các hội viên Hội Cựu chiến binh trong xã và người dân noi theo. Từ một người nghèo khó, ông Hai Phụ rất cần cù chịu khó, luôn học hỏi những kỹ thuật mới trong sản xuất nên kinh tế ngày càng phát triển. Xã vừa đạt danh hiệu xã nông thôn mới cũng có công rất lớn của ông Hai Phụ khi đóng góp, vận động các mạnh thường quân tham gia xây dựng đường giao thông nông thôn; ánh đèn an ninh trật tự; con đường camera an toàn…

Tích cực đóng góp vào các phong trào, hoạt động xã hội ở địa phương, ông Hai Phụ được Ủy ban nhân dân tỉnh, huyện, xã tặng nhiều bằng khen, giấy khen, danh hiệu nông dân sản xuất giỏi cấp tỉnh nhiều năm liền; được Trung ương Hội Cựu chiến binh công nhận là Hội viên sản xuất kinh doanh giỏi. Đặc biệt, ông Phan Văn Phụ là một trong hai gương cựu chiến binh của tỉnh được trao thưởng tại Đại hội thi đua yêu nước của Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam, vào cuối tháng 11/2019.

Ông Phan Văn Phụ tâm sự: “Gia đình tôi trải qua biết bao vất vả, thậm chí cả thất bại. Nhưng với quyết tâm không ngại khó vươn lên, ý thức trách nhiệm của người chủ trong gia đình, tôi đã tự tìm tòi phương thức sản xuất thích hợp, đúng hướng. Từ đó, tôi từng bước phát triển kinh tế theo hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn”.

Ông Phan Văn Phụ cho biết thêm, thành tích của ông quá nhỏ bé so với những đóng góp to lớn của các đồng chí khác. Tuy vậy, ông tự hào vì chính tinh thần, bản lĩnh, trí tuệ người lính Cụ Hồ đã thôi thúc ông vượt qua gian khó, thực hiện ước mơ của những ngày còn cầm súng và vươn tới thành quả như hôm nay.
Thanh Bình

Có thể bạn quan tâm