Cựu chiến binh Lò Ngọc Ánh giúp dân bản thoát nghèo

Cựu chiến binh Lò Ngọc Ánh giúp dân bản thoát nghèo
Năm 1985, sau khi xuất ngũ trở về địa phương, ông Lò Ngọc Ánh tham gia công tác tại xã Mường Luân với các vị trí Xã đội trưởng, Phó Bí thư, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã. Ông tích cực phát triển kinh tế gia đình bằng việc khai hoang ruộng nước và chăn nuôi gia súc. Đến năm 1999, từ nguồn vốn 40 triệu đồng vay Ngân hàng Chính sách xã hội, ông Ánh đã mua được 22 con trâu, bò giống và 8 con dê giống để phát triển chăn nuôi gia súc, mở đầu cho ước mơ phát triển kinh tế xóa đói giảm nghèo.
Cựu chiến binh Lò Ngọc Ánh chăm sóc vườn cam. Ảnh: Xuân Tư – TTXVN
Cựu chiến binh Lò Ngọc Ánh chăm sóc vườn cam. Ảnh: Xuân Tư – TTXVN
Không dừng lại ở đó, khi bắt đầu mô hình chăn nuôi gia súc, nhận thấy nhiều gia đình trên địa bàn xã còn rất khó khăn, đói nghèo, ông đã chia đàn gia súc của mình giao cho các hộ nghèo nhận nuôi. Khi đó, các hộ nghèo có thể tận dụng sức kéo của trâu, bò để làm nông nghiệp. Khi gia súc sinh sản, cứ hai con, hộ nhận nuôi sẽ được hưởng một con để phát triển đàn gia súc cho riêng mình. Khi các hộ nhận nuôi trâu, bò, dê để thoát nghèo và đã có đàn gia súc của riêng mình, ông lại chuyển những con gia súc đó cho hộ nghèo khác. Từ đó, nhiều hộ nghèo, hội viên cựu chiến binh có hoàn cảnh khó khăn trong xã tìm đến ông để xin nhận nuôi gia súc. Có thời điểm, đàn gia súc của ông giao cho các hộ nghèo chăn nuôi lên đến hơn 100 con trâu, bò và hơn 400 con dê. Hộ nhận nuôi nhiều nhất có thời điểm lên đến 24 con trâu, bò. Cựu chiến binh Lò Ngọc Ánh chia sẻ: Bản thân gia đình tôi cũng xuất phát là hộ nghèo, mình làm ăn kinh tế thoát được cái nghèo cũng phải nghĩ cách nào đó giúp bà con trong bản, trong xã thoát được nghèo. Có thoát nghèo, xã mới phát triển được, mới xây dựng được nông thôn mới để thay đổi bộ mặt của xã.
Cựu chiến binh Lò Ngọc Ánh cắt tỉa vườn cây thanh long. Ảnh: Xuân Tư – TTXVN
Cựu chiến binh Lò Ngọc Ánh cắt tỉa vườn cây thanh long.
Ảnh: Xuân Tư – TTXVN
Nhờ việc nhận nuôi gia súc của ông Lò Ngọc Ánh, nhiều hộ nghèo, gia đình cựu chiến binh có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn xã Mường Luân đã thoát được nghèo, như: gia đình ông Lò Văn Khánh ở bản Pá Vạt 2; gia đình ông Lò Văn Phúng ở bản Tạng Áng; gia đình cựu chiến binh Lò Văn Thiết ở bản Mường Luân 2... Là hộ thoát nghèo vươn lên phát triển kinh tế từ việc nhận nuôi gia súc, ông Lò Văn Khánh (bản Pá Vạt 2, xã Mường Luân) cho biết: Gia đình ông lúc đầu cũng là hộ nghèo, nguồn thu nhập chủ yếu dựa vào việc làm ruộng nhưng không đáng kể. Khi biết ông Ánh cho hộ nghèo nhận nuôi gia súc, ông đã đến xin nhận nuôi 4 con trâu, bò; vừa tận dụng sức cày kéo, vừa có thêm thu nhập khi trâu, bò sinh đẻ. Từ 4 con trâu, bò năm 2005, gia đình tôi đã nhân đàn lên 18 con và chỉ sau 4 năm đã thoát khỏi hộ nghèo. Đến năm 2012, gia đình trả lại trâu, bò cho ông Ánh để ông có thể giao cho các hộ nghèo khác chăn dắt, giúp các hộ thoát nghèo như gia đình tôi. Thời điểm hiện tại, gia đình cựu chiến binh Lò Ngọc Ánh có hơn 50 con trâu, bò được giao cho 6 hộ nghèo trên địa bàn xã chăn nuôi. Bình quân mỗi năm đàn trâu, bò đẻ từ 13 - 14 con, mang lại nguồn thu nhập từ 100 – 200 triệu đồng/năm.
Để trồng cây ăn quả mang hiệu quả kinh tế cao, ông Ánh thường xuyên đến các vùng trồng cây ăn quả lớn như Hòa Bình, Sơn La, thậm chí sang cả Lào để mua cây giống. Ảnh: Xuân Tư – TTXVN
Để trồng cây ăn quả mang hiệu quả kinh tế cao, ông Ánh thường xuyên đến các vùng trồng cây ăn quả lớn như Hòa Bình, Sơn La, thậm chí sang cả Lào để mua cây giống. Ảnh: Xuân Tư – TTXVN
Ngoài việc giao đàn gia súc cho các hộ nghèo nhận nuôi, gia đình ông đang nuôi thêm đàn lợn 15 con, mỗi năm mang lại nguồn thu nhập khoảng 50 triệu đồng. Ông trồng thêm 1 ha rừng và gần 2 ha cây ăn quả gồm: cam, vải thiều, thanh long, chuối… mang lại nguồn thu nhập ổn định cho gia đình. Để các loại cây ăn quả mang lại hiệu quả kinh tế cao, ông tích cực đi đến các vùng trồng cây ăn quả lớn như Hòa Bình, Sơn La, thậm chí sang cả Lào để mua cây giống. Hiện tại, ông là hộ đầu tiên ở bản phát triển kinh doanh buôn bán các mặt hàng tạp hóa và thu mua nông sản cho người dân. Ước tính tổng thu nhập bình quân của gia đình ông sau khi trừ chi phí còn khoảng 250 - 300 triệu đồng/năm. Cựu chiến binh Lò Ngọc Ánh còn tích cực tham gia phong trào xây dựng nông thôn mới của xã. Xã Mường Luân được chọn làm điểm xây dựng nông thôn mới của huyện. Ông đã tích cực tuyên truyền, vận động hội viên cựu chiến binh và bà con hiến kế, hiến công, hiến đất để làm đường, trường, trạm. Gia đình ông đã hiến gần 3.000 m2 đất để xây dựng trường học và nhà văn hóa. Ngoài ra, ông còn đầu tư máy móc, thành lập hợp tác xã, cùng nhân dân thôn bản thực hiện các công trình xây dựng nông thôn mới trong xã. Hàng năm, gia đình ông tạo việc làm thường xuyên cho 12 – 15 người là con em cựu chiến binh trong xã. Nói về cựu chiến binh Lò Ngọc Ánh, ông Trần Hải Đăng, Bí thư Đảng ủy xã Mường Luân cho biết: Là một cựu chiến binh và là cán bộ xã về hưu, ông Lò Ngọc Ánh đã tích cực đóng góp cho địa phương trong công tác phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Từ việc giao đàn gia súc cho các hộ nghèo trong xã nhận nuôi, cựu chiến binh Lò Ngọc Ánh đã giúp nhiều hộ dân thoát khỏi đói nghèo. Đặc biệt, trong phong trào xây dựng nông thôn mới, ông đã rất tích cực hiến đất cho xã và tham gia trực tiếp vào xây dựng các công trình trên địa bàn xã, tạo việc làm cho bà con.
Xuân Tư

Có thể bạn quan tâm