Cựu chiến binh Đèo Văn Hải chung sức xây dựng bản làng giàu đẹp

Thực hiện lời căn dặn của Bác Hồ "Thương binh tàn nhưng không phế", ông Đèo Văn Hải, sinh năm 1965, là thương binh hạng 3/4 ở bản Nang Phai, xã Mường Bú, huyện Mường La, tỉnh Sơn La, đã vượt lên thương tật, phát huy tiềm năng, lợi thế của gia đình, đào ao thả cá, trồng cây ăn quả kết hợp chăn nuôi gia súc, gia cầm cho hiệu quả kinh tế cao.

Cuu chien binh Deo Van Hai chung suc xay dung ban lang giau dep hinh anh 1Với 7.000m2 ao nuôi các loại cá truyền thống, mỗi năm gia đình ông Hải xuất bán hơn 1 tấn cá thương phẩm, mang lại thu nhập hơn 100 triệu đồng. Ảnh: Quang Quyết-TTXVN

Từ năm 1984 đến năm 1991, ông Đèo Văn Hải tham gia chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc. Năm 1986, ông không may bị mảnh đạn pháo trúng vào sống lưng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, nhưng ông và đồng đội vẫn anh dũng chiến đấu, thực hiện nhiệm vụ được giao. Đến năm 1991, ông phục viên trở về sinh sống tại quê nhà. Lúc ấy cuộc sống gia đình rất khó khăn, bản thân ông bị thương nặng, cơm ăn bữa đói, bữa no, nhưng với ý chí quyết tâm không cam chịu đói nghèo, ông cùng gia đình khai hoang đất ruộng, đất đồi để tập trung lao động sản xuất, phát triển kinh tế.

Ông Đèo Văn Hải chia sẻ: Trước đây, khu vực này là đất bỏ hoang nên ông đã đầu tư công sức để khai hoang, san lấp, cải tạo. Khi bắt tay vào làm, thiếu thốn từ phương tiện máy móc đến nguồn vốn nên ông gặp rất nhiều khó khăn. Sau đó, ông Hải đã mạnh dạn vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mường La để phát triển kinh tế. Tuy nhiên, số vốn vay không nhiều và ông Hải còn ít kinh nghiệm trong trồng trọt, chăn nuôi nên hiệu quả kinh tế mang lại không cao.

Cuu chien binh Deo Van Hai chung suc xay dung ban lang giau dep hinh anh 2Ông Hải chăm sóc vườn mít của gia đình. Ảnh: Quang Quyết-TTXVN

Ông Hải đã tích cực đi tham quan, học hỏi kinh nghiệm của các mô hình kinh tế khác và tích cực tham gia các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật để áp dụng trong trồng trọt, chăn nuôi của gia đình. Hiện nay, ông Hải đã phát triển mô hình kinh tế vườn, ao, chuồng rộng 3ha, trồng các loại cây ăn quả theo hướng hữu cơ, có giá trị kinh tế cao như nhãn ghép, vải thiều, xoài Đài Loan, xoài Úc… và được thương lái đến tận vườn thu mua để xuất bán đến các siêu thị lớn trong nước và xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Cùng với đó, hơn 7.000 m2 ao cá và gần 10 con bò sinh sản cũng mang lại nguồn thu nhập cao cho gia đình ông, mỗi năm thu lãi hơn 350 triệu đồng.

Không chỉ tích cực phát triển mô hình kinh tế, mang lại nguồn thu nhập cao cho gia đình mình, ông Hải sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, kỹ thuật, hỗ trợ cây, con giống cho các gia đình, hội viên cựu chiến binh còn nhiều khó khăn của bản, xã và của huyện Mường La, giúp họ từng bước phát triển kinh tế, vươn lên ổn định cuộc sống.

Cuu chien binh Deo Van Hai chung suc xay dung ban lang giau dep hinh anh 3Ông Đèo Văn Hải chăm sóc đàn bò sinh sản của gia đình. Ảnh: Quang Quyết-TTXVN

Ông Hải chia sẻ, ông thường xuyên trao đổi, hướng dẫn các hội viên khác cách làm, đưa vào trồng các loại cây cho năng suất, giá trị kinh tế cao và được các hội viên tiếp thu, làm theo. Hội viên nào có nhu cầu đào ao thả cá, ông sẽ cung cấp cá giống, hướng dẫn kỹ thuật nuôi. Nhờ đó, nhiều hội viên trong Chi hội Cựu chiến binh bản Nang Phai và của xã Mường Bú đã có thu nhập ổn định, đời sống vật chất, tinh thần ngày càng được cải thiện, nâng cao.

Thương binh Đèo Văn Hải còn luôn gương mẫu, đi đầu trong các phong trào của địa phương. Là người có uy tín trong cộng đồng, ông thường xuyên tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia xây dựng đời sống văn hóa, đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn; tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, vươn lên làm giàu trên mảnh đất quê hương, góp phần đưa xã Mường Bú trở thành một trong những xã đầu tiên đạt chuẩn nông thôn mới của huyện Mường La vào năm 2017, bản Nang Phai trở thành bản nông thôn mới kiểu mẫu đầu tiên của xã năm 2022.

Cuu chien binh Deo Van Hai chung suc xay dung ban lang giau dep hinh anh 4Ông Hải thu hoạch nhãn để cung cấp ra thị trường. Ảnh: Quang Quyết-TTXVN

Ông Đặng Huy Toàn, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện Mường La cho biết: Ông Đèo Văn Hải là một hội viên cựu chiến binh gương mẫu, luôn phát huy tốt bản chất người lính "Bộ đội Cụ Hồ". Để giúp đỡ đồng đội cùng các cựu chiến binh, hàng năm thương binh Đèo Văn Hải thực hiện mô hình "3 cộng 1", tức là ông Hải và các hội viên khác giúp đỡ tiền, vật liệu cho hội viên cựu chiến binh trong bản còn khó khăn được vay vốn, rồi hướng dẫn kỹ thuật, giúp đồng đội phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo cho gia đình.

Dù mang thương tật trong người, nhưng điều đó không làm giảm ý chí phấn đấu vươn lên làm giàu cho gia đình và cho quê hương của cựu chiến binh, thương binh Đèo Văn Hải. Với công lao, sự cống hiến cho quê hương, đất nước, ông Đèo Văn Hải đã được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Chiến sĩ vẻ vang; Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Sơn La tặng Bằng khen.

Quang Quyết

Tin liên quan

Cựu chiến binh Công Văn Củ làm giàu trên vùng đất khó

Phát huy truyền thống bộ đội Cụ Hồ, những năm qua, trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi đã có nhiều tấm gương Cựu chiến binh vượt khó, làm giàu, vươn lên trong cuộc sống. Trong đó, cựu chiến binh Công Văn Củ (55 tuổi), xã Sơn Dung, huyện Sơn Tây là một tấm gương điển hình.


Người cựu chiến binh đi đầu trong phong trào làm kinh tế giỏi của tỉnh Sơn La

Phát huy truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ” cần cù lao động, cựu chiến binh Hoàng Ngọc Tư (sinh năm 1957, ở bản Lìn, xã Gia Phù, huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La) đã lựa chọn mô hình chăn nuôi trâu, bò vỗ béo để phát triển kinh tế. Từ mô hình này, ông Tư thu lãi hơn 300 triệu đồng/năm, trở thành gương điển hình trong phong trào “Cựu chiến binh làm kinh tế giỏi” và được người dân địa phương học tập, làm theo.


Cựu chiến binh Đinh Văn Chấn làm giàu

Phát huy ý chí, tinh thần, phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, cần cù trong lao động, cựu chiến binh Đinh Văn Chấn (bản Pe, xã Song Pe, huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La) đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương để đầu tư phát triển kinh tế, từng bước vươn lên làm giàu chính đáng, trở thành điển hình trong phong trào “Cựu chiến binh làm kinh tế giỏi” tại địa phương.


Nguyễn Tấn Chính - Người cựu chiến binh "ba giỏi" của Đắk Lắk

Sau khi rời quân ngũ và trở về địa phương, 40 năm qua, cựu chiến binh Nguyễn Tấn Chính (thôn 12, xã Hòa Khánh, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) được đông đảo người dân biết đến, quý trọng bởi tấm lòng nhân ái và nghị lực vượt khó vươn lên. Ông vừa giỏi sản xuất kinh doanh, vừa giỏi ở nhiệm vụ công tác, vừa tích cực tham gia các hoạt động xã hội, từ thiện nhân đạo.


Cựu chiến binh Đinh Văn Ửng làm giàu từ mô hình chăn nuôi và trồng rừng

Phát huy ý chí, tinh thần, phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, cần cù trong lao động, cựu chiến binh Đinh Văn Ửng, sinh năm 1957, ở bản Vường, xã Tân Lang, huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La, đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, lựa chọn mô hình phù hợp để đầu tư phát triển kinh tế, từng bước vươn lên làm giàu chính đáng, trở thành điển hình trong phong trào “Cựu chiến binh làm kinh tế giỏi” tại địa phương.



Đề xuất