Cứu cây cam khỏi bệnh vàng lá, thối rễ

Cứu cây cam khỏi bệnh vàng lá, thối rễ

Vụ cam năm 2021 đang cho thu hoạch nhưng nhiều hộ trồng cam ở Hưng Yên bị thất thu do bệnh vàng lá, thối rễ hoành hành. Nhiều hộ trồng cam ở xã Tâm Đa, huyện Phù Cừ, tỉnh Hưng Yên cho biết, khoảng vài năm trở lại đây, cây cam xuất hiện bệnh vàng lá, thối rễ khiến nhiều nông dân bị thất thu.

Cứu cây cam khỏi bệnh vàng lá, thối rễ ảnh 1Biểu hiện nhiễm bệnh vàng lá thối rễ của vườn cam, quýt. Ảnh: nongnghiep.vn

Bệnh vàng lá, thối rễ hoành hành

Theo số liệu của Viện bảo vệ thực vật - Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, tỷ lệ cây cam bị vàng lá, thối rễ ở Hưng Yên hiện nay nhiều nhất là huyện Phù Cừ với gần 30%, tiếp đến là huyện Kim Động khoảng 24%. Các huyện Khoái Châu, Văn Giang, thành phố Hưng Yên có tỷ lệ dưới 20%.

Ông Trần Văn Toàn, Chủ tịch Hội nông dân xã Tam Đa, huyện Phù Cừ cho biết, xã Tam Đa hiện có gần 60ha trồng cam. Từ năm 2019 đến nay, cây cam bị vàng lá, thối rễ khiến năng suất giảm, nhiều hộ phải chặt bỏ. Hiện toàn xã Tam Đa đã chặt bỏ khoảng 10% diện tích. Một số vườn vẫn cố gắng giữ lại để tìm giải pháp khắc phục. Bà con trồng cam đang rất hy vọng có giải pháp "bắt bệnh" vàng lá, thối rễ trên cây cam.

Ông Nguyễn Văn Đàn ở thôn Ngũ Phúc, xã Tam Đa cũng chia sẻ, khoảng 2 năm trở lại đây bệnh vàng lá thối rễ trên cây cam đã khiến sản lượng thu hoạch giảm, quả bị rụng nhiều. Năm nay, ngoài bệnh vàng lá thối rễ, thời tiết lại mưa nhiều, độ ẩm lớn nên cam bị rụng khá nhiều. Cây cam hiện là nguồn thu chính của nhiều nông dân nên bà con rất mong các nhà nghiên cứu nông nghiệp sớm tìm ra giải pháp để khắc phục tình trạng này.

Bà Nguyễn Thị Thuỷ, cán bộ Viện bảo vệ thực vật – Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam cho hay, một số nguyên nhân cây cam bị thối rễ là do rệp sáp hại rễ; nền đất trồng thấp, có hiện tượng ngập úng do thoát nước không tốt. Các hộ dân trồng chưa được hướng dẫn kịp thời về kỹ thuật khi chuyển đổi từ trồng lúa sang cây ăn quả có múi.

Bên cạnh đó, có một số nguyên nhân khác như: trồng theo cách đắp ụ nên sau khoảng từ 4-5 năm sẽ không đủ cho bộ rễ phát triển. Cây giống không rõ nguồn gốc, không đảm bảo chất lượng. Phần lớn các hộ trồng cam chú trọng trừ sâu bệnh trên mặt đất, không phòng trừ dưới rễ; cách bón phân chưa cân đối.

"Bắt bệnh" cho cây cam

Trước thực trạng trên, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Hưng Yên đã phối hợp với Viện Bảo vệ Thực vật - Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam triển khai nghiên cứu tác nhân và đề xuất giải pháp kỹ thuật quản lý hiện tượng vàng lá, thối rễ trên cây cam tại một số vùng trồng cam ở Hưng Yên. Thời gian thực hiện bắt đầu từ tháng 6/2020 và dự kiến kết thúc vào tháng 5/2023.

Nhóm nghiên cứu đã xây dựng 2 loại mô hình quản lý tổng hợp bệnh vàng lá, thối rễ cạm tại xã Tam Đa, huyện Phù Cừ và 1 mô hình ở huyện Văn Giang.

Mô hình thứ nhất xây dựng trên vườn cam Vinh 7 năm tuổi. Mô hình này được đánh giá đủ điều kiện áp dụng các biện pháp hồi phục có hiệu quả. Mô hình thứ 2 được xây dựng trên cơ sở lựa chọn giống ghép có khả năng chống chịu với điều kiện canh tác tại địa phương.

"Chúng tôi đã lựa chọn gốc ghép là cây cam bố hạ đang được trồng tại địa phương. Gốc cam Bố Hạ thực tiễn tại địa phương được đánh giá không hoặc rất ít bị hiện tượng vàng lá, thối rễ", bà Nguyễn Thị Thuỷ, cán bộ Viện Bảo vệ Thực vật cho biết.

Theo bà Nguyễn Thái Kiều Ngân, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Hưng Yên, mục tiêu của nghiên cứu này nhằm xây dựng mô hình áp dụng giải pháp kỹ thuật hạn chế hiện tượng vàng lá, thối rễ trên cây cam. Đồng thời, đảm bảo hạn chế ít nhất 80% hiện tượng vàng lá, thối rễ và tăng năng suất ít nhất 15% so với đối chứng.

Ông Đặng Quang Huyên ở thôn Ngũ Phúc, xã Tam Đa có 1ha chủ yếu trồng cam Vinh. Mấy năm trước vườn cam bắt đầu xuất hiện tình trạng vàng lá, thối rễ, ông Huyên đã định chặt bỏ gần 1 nửa số cây cam. Đầu năm 2020, ông được cán bộ nông nghiệp của huyện Phù Cừ tư vấn tham gia thử nghiệm mô hình thử nghiệm hạn chế hiện tượng này.

Ông Huyên đã quyết định để lại vườn cam và tham gia mô hình thử nghiệm này. Vụ cam đầu tiên vào cuối năm 2020 đã cho thu hoạch khá, năng suất đạt khoảng hơn 50% so với cây không bị bệnh . Ngoài ra, cây bị bệnh phục hồi tốt.

Với kinh nghiệm trồng cam lâu năm, ông Huyên cho biết cây cam còn phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết nên kết quả ban đầu này chưa thể khẳng định được hiệu quả của chương trình này, cần phải có thêm thời gian dài nữa để thử nghiệm. Tuy nhiên, bà con rất hy vọng nó sẽ mang lại kết quả tốt, giúp khắc phục bệnh vàng lá, thối rễ trên cây cam.

Qua quá trình nghiên cứu, thử nghiệm, nhóm nghiên cứu đã đưa ra một số giải pháp để khắc phục. Đối với những vườn trồng cam có điều kiện thích hợp với tầng đất dày trên 70cm, mực nước ngầm sâu hơn 100m thì cần phòng trừ tuyến trùng, nấm bệnh; kích thích bộ rễ phát triển; cắt tỉa những cành già cỗi, đào bỏ những cây không có khả năng phục hồi. Đồng thời, tăng cường bón phân hữu cơ hoai, mục, bón phân cân đổi và hợp lý.

Bà Nguyễn Thị Thuỷ khuyến cáo, với những vườn cam trồng mới bà con nên lựa chọn chân đất thoát nước tốt, trồng thành luống, đào rãnh thoát nước; cây giống đảm bảo tiêu chuẩn rễ không cong, không dùng đất nhiễm các sinh vật hại như tuyến trùng, nấm để làm bầu. Ngoài ra, cần khử trùng và bón phân hữu cơ hoai mục trong hố trước khi trồng.

Chủ tịch hội nông dân xã Tam Đa Trần Văn Toàn chia sẻ, bà con xã Tam Đa rất phấn khởi khi nghiên cứu này được thử nghiệm tại địa phương. Nhiều hộ trồng cam hy vọng mô hình nghiên cứu này sẽ sớm thành công, cung cấp thêm kiến thức, kỹ thuật trồng cho bà con để khắc phục căn bệnh khó chữa đang rất phổ biến trên cây cam.

Đỗ Huyền

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm