Cuối tháng 8/2018 ra mắt cuốn “Chỉ dẫn địa lý – Di sản thiên nhiên và văn hóa Việt”

Cuối tháng 8/2018 ra mắt cuốn “Chỉ dẫn địa lý – Di sản thiên nhiên và văn hóa Việt”
Trên thế giới, xây dựng và phát triển chỉ dẫn địa lý đã trở thành chiến lược nâng cao nhận thức của người tiêu dùng, quảng bá hình ảnh, phát huy những giá trị di sản được hình thành từ điều kiện tự nhiên và văn hóa để nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm truyền thống. Hiện có khoảng 10.000 chỉ dẫn địa lý đã được bảo hộ trên thế giới, với giá trị giao dịch thương mại hàng năm ước đạt 50 tỷ USD.

Tại Việt Nam, với sự ưu ái của điều kiện tự nhiên, sự đa dạng về văn hóa truyền thống, kinh nghiệm, sự cần cù, siêng năng và khéo léo của người dân, Việt Nam sở hữu nhiều sản phẩm nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp đặc trưng, gắn với chất lượng đặc thù, danh tiếng và nét đặc trưng của văn hóa Việt Nam. Trong đó, nhiều sản phẩm là các mặt hàng chủ lực của địa phương được biết đến rộng rãi ở thị trường trong nước và xuất khẩu ra thị trường quốc tế.

Thời gian qua, Việt Nam đã xây dựng hành lang pháp lý và giải pháp hỗ trợ hiệu quả trong việc đăng ký và quản lý chỉ dẫn địa lý nhằm phát triển, quảng bá các sản phẩm đặc sản gắn với địa danh, góp phần nâng cao giá trị và khả năng cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường. Tính đến tháng 6/2018, 60 chỉ dẫn địa lý ở 39 tỉnh, thành phố đã được bảo hộ, từng bước khẳng định vị trí trong hoạt động sản xuất và thương mại sản phẩm đặc sản ở các địa phương.

Cuốn sách “Chỉ dẫn địa lý – Di sản thiên nhiên và văn hóa Việt” cập nhật và giới thiệu 60 chỉ dẫn địa lý ở 39 tỉnh, thành phố đã được bảo hộ như: Nước mắm Phú Quốc, chè Shan Tuyết Mộc Châu, cà phê nhân Buôn Ma Thuột, bưởi Đoan Hùng, thanh long Bình Thuận, hoa hồi Lạng Sơn, vải thiều Thanh Hà, nước mắm Phan Thiết, cam Vinh, gạo tám xoan Hải Hậu, nón lá Huế, thuốc Lào Tiên Lãng, bưởi Phúc Trạch, nho Ninh Thuận, cói Nga Sơn, hạt dẻ Trùng Khanh, hồng không hạt Bảo Lâm, muối Bạc Liêu, cam sành Hà Giang, hoa mai vàng Yên Tử, sâm Ngọc Linh.
HL 

Có thể bạn quan tâm