Cuộc "trưng cầu dân ý" về Abenomics

Cuộc "trưng cầu dân ý" về Abenomics

Chiến dịch tranh cử vào Thượng viện Nhật Bản đã bước vào những ngày cuối cùng. Cuộc bầu cử diễn ra vào ngày 10/7 tới dường như không có quá nhiều kịch tính khi hầu hết các dự đoán đều nghiêng về khả năng liên minh cầm quyền sẽ tiếp tục giành thắng lợi trước các đảng đối lập.

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe (thứ 3, trái) tại cuộc họp Nội các ở thủ đô Tokyo ngày 25/11. Ảnh: Kyodo/TTXVN
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe (thứ 3, trái) tại cuộc họp Nội các
ở thủ đô Tokyo ngày 25/11. Ảnh: Kyodo/TTXVN

Cuộc bầu cử Thượng viện Nhật Bản được tổ chức định kỳ ba năm một lần, theo đó một nửa số ghế (121/242) sẽ được bầu lại. Trong cuộc bầu cử lần này, 73 ghế sẽ được bầu theo khu vực và 48 ghế sẽ được bầu theo tỷ lệ đại diện.

Có tổng cộng 389 ứng cử viên, trong đó 225 ứng cử viên sẽ tham gia tranh cử theo khu vực bầu cử và 164 ứng cử viên còn lại sẽ tranh cử theo tỷ lệ đại diện.

Kết quả cuộc thăm dò một tuần trước bầu cử cho thấy liên minh cầm quyền của Thủ tướng Shinzo Abe gồm đảng Dân chủ Tự do (LDP) và đảng Công Minh mới vẫn duy trì lợi thế so với các đảng đối lập. Tỷ lệ ủng hộ nội các của Thủ tướng Abe đạt 41%.

Có 35% số người được hỏi cho biết sẽ chọn ứng cử viên LDP nếu bầu theo tỷ lệ đại diện, cao hơn so với con số 16% ủng hộ đảng Dân chủ (DPJ) đối lập.

Mặc dù kết quả trên cho thấy LDP không có nguy cơ bị mất quyền điều hành đất nước, song có một thực tế là càng đến gần ngày bầu cử, tỷ lệ ủng hộ LDP có xu hướng giảm dần, từ 45% trong cuộc thăm dò ngày 18-19/6 xuống còn 41%, trong khi tỷ lệ không ủng hộ vẫn ở mức 36%. Trái ngược với LDP, tỷ lệ ủng hộ các đảng đối lập có xu hướng tăng lên.

Nguyên nhân chính của xu hướng trên là chính sách Abenomics và kế hoạch cải cách Hiến pháp của Thủ tướng Abe. Trong các chiến dịch tranh cử, LDP đã nêu bật những thành quả của Abenomics, khẳng định Abenomics đã giúp cải thiện thị trường lao động, tăng lương và giảm số vụ phá sản.

Trong khi đó, phe đối lập cho rằng Abenomics đã thất bại hoàn toàn. Theo các đảng đối lập, thị trường lao động trên thực tế không hề cải thiện vì tỷ lệ tuyển dụng công việc bán thời gian tăng, trong khi tỷ lệ tuyển dụng toàn thời gian giảm. Mức lương trung bình không tăng mà chỉ tăng số lương trả cho các lao động bán thời gian.

Bên cạnh đó, việc chính phủ có kế hoạch tiếp tục tăng thuế tiêu dùng từ mức 8% hiện nay lên 10% càng làm tăng gánh nặng kinh tế cho người dân. “Cú sốc” Brexit (Anh rời khỏi EU) đã đẩy nhanh tốc độ tăng giá của đồng yen, khiến mục tiêu tăng lạm phát lên mức 2% của chính phủ trở nên khó khăn hơn và càng cản trở mục tiêu phục hồi nền kinh tế.

Trong bối cảnh hiện nay, ngày càng có thêm những tiếng nói nghi ngờ tính hiệu quả của Abenomics cũng như khả năng điều hành kinh tế của Thủ tướng Abe. Trong một cuộc thăm dò dư luận mới đây, chỉ có 28% số người được hỏi muốn tiếp tục duy trì Abenomics, trong khi có tới 55% muốn chính phủ điều chỉnh chính sách kinh tế này.

Đối với vấn đề cải cách Hiến pháp, Thủ tướng Abe và liên minh cầm quyền chủ trương không coi đó là trọng tâm của chiến dịch tranh cử. Tuy nhiên, các đảng đối lập đã triệt để tận dụng vấn đề này để tấn công liên minh cầm quyền, đặc biệt là việc sửa đổi điều 9 Hiến pháp nhằm cho phép quân đội Nhật Bản hỗ trợ đồng minh đang tham chiến ở nước ngoài. 

Chủ tịch đảng Dân chủ Katsuya Okada cảnh báo nếu LDP giành thắng lợi lớn trong cuộc bầu cử ngày 10/7 tới, điều đó đồng nghĩa với việc chấm dứt Hiến pháp hòa bình thời hậu chiến và thay đổi hoàn toàn hướng đi của Nhật Bản.

Các cuộc thăm dò dư luận đều cho thấy đa số người dân không muốn thay đổi hiến pháp hòa bình. Đây được cho là lý do thứ hai để các cử tri sẽ không dành cho LDP một chiến thắng lớn đủ để chi phối Quốc hội theo ý muốn.

Tuy nhiên, không thể phủ nhận LDP vẫn đủ mạnh để dẫn trước phe đối lập. Theo các nhà phân tích, phe đối lập, đặc biệt là DPJ, quá yếu và không giành được sự tin tưởng của dân chúng.

Mặc dù DPJ đã liên minh với các đảng đối lập khác và có thể khiến LDP mất một số ghế trong số 51 ghế của đảng này được bầu lại, song việc giành lại được lòng tin của người dân đối với DPJ là một nhiệm vụ rất khó khăn.

Người dân vẫn chưa quên được rằng trong giai đoạn cầm quyền 2009-2012, DPJ đã tỏ ra kém hiệu quả và không thực hiện được các cam kết của mình. Theo giới phân tích, cuộc bầu cử tới cũng giống như một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm với phe đối lập.

Thủ tướng Abe cho rằng cuộc bầu cử sắp tới chính là "cuộc trưng cầu dân ý" về Abenomics. Trong một cuộc tranh luận trên truyền hình, ông nhấn mạnh Abenomics đã gặt hái thành công song chỉ mới đi được nửa chặng đường.

Nếu LDP thắng lợi, điều đó chứng tỏ người dân ủng hộ chính phủ tiếp tục thực thi biện pháp kinh tế này. Tuy nhiên, trong bối cảnh Nhật Bản đang rơi vào một trong những giai đoạn khó khăn nhất với một loạt các vấn đề kinh tế như giảm phát, đồng yen tăng giá, dân số lão hóa nhanh, thiếu hụt lực lượng lao động,… liên minh cầm quyền sẽ tiếp tục vấp phải những thách thức lớn trong nỗ lực khôi phục sự tín nhiệm của cử tri.

Có thể bạn quan tâm