Cuộc sống của đồng bào Mông ở Suối Tôn đổi thay từng ngày

Cuộc sống của đồng bào Mông ở Suối Tôn đổi thay từng ngày
Trẻ em học tại điểm trường Suối Tôn với cơ sở khang trang. Ảnh: Khiếu Tư - TTXVN
Trẻ em học tại điểm trường Suối Tôn với cơ sở khang trang.
Ảnh: Khiếu Tư - TTXVN

Trước đây, đồng bào người Mông ở bản Suối Tôn chủ yếu sống rải rác trong rừng sâu, trên những ngọn núi cao, đốt nương làm rẫy theo hình thức du canh, du cư. Giờ đây người Mông Suối Tôn đã sống tập trung thành 4 khu, cạnh 4 con suối nhỏ bao quan bản, đó là suối Ca Ín, suối Pung, suối Sa Lem và suối Bún. Thông qua các chương trình 135, 30a, đặc biệt là từ năm 2009 thực hiện Dự án định canh, định cư cho đồng bào dân tộc thiểu số bản Suối Tôn của UBND tỉnh Thanh Hóa, người dân nơi đây được hỗ trợ cây, con giống, quy trình trồng trọt, chăn nuôi nên cuộc sống càng khởi sắc.

Gần đây nhất là năm 2017, UBND huyện Quan Hóa đã thực hiện thành công mô hình thí điểm trồng ngô trên đất dốc tại bản Suối Tôn cho năng suất, chất lượng cao và đang được nhân rộng trên địa bàn. Nhờ đó, nhiều hộ gia đình trong bản đã biết cách làm ăn, có của ăn, của để. Tiêu biểu như gia đình ông Mùa A Su, hiện ông có hơn 20 con trâu, bò, ngoài ra còn nuôi cá, gà, vịt… trồng lúa nương, ngô, khoai, sắn cho năng suất, chất lượng cao.

Không chỉ thay đổi được tập quán sản xuất, hiện nay dân trí tại bản Suối Tôn đang từng bước được nâng cao. Ông Mùa A Du, Trưởng bản Suối Tôn phấn khởi cho biết: Điểm trường lẻ bản Suối Tôn đã được Nhà nước đầu tư xây dựng khang trang, phục vụ nhu cầu học tập của các em học sinh từ cấp mầm non đến tiểu học. Hiện tỷ lệ ra lớp của học sinh ở Suối Tôn đạt 100%. Điều đáng tự hào là bản Suối Tôn đã có 5 em đã và đang theo học tại các trường đại học lớn trên cả nước như: Đại học Kinh tế Quốc dân, Đại học Hồng Đức, Học viện hành chính Quốc gia… Trong đó em Giàng A Vừ hiện đang là sinh viên khoa Ngoại Ngữ, Trường Đại học Hồng Đức Thanh Hóa; em Thào A Sỹ, sinh viên năm thứ 3 Học viện hành chính Quốc gia… Các em sau khi tốt nghiệp đại học ra trường đã được địa phương tạo điều kiện bố trí việc làm như trường hợp anh Giàng A Chu, hiện anh đang là cán bộ Hội Nông dân xã Phú Sơn, kiêm Bí thư chi bộ bản Suối Tôn…

Trước đây, Suối Tôn được xem là điểm nóng phức tạp về tình hình an ninh, chính trị. Toàn bản có 74 hộ dân, trong đó có 64 hộ theo đạo thiên chúa. Năm 2011, thực hiện chủ trương của UBND tỉnh Thanh Hóa về việc tăng cường an ninh ở các bản làng biên giới phía Tây của tỉnh, đội liên ngành số 4 được thành lập và cắm chốt tại bản Suối Tôn (bao gồm các lực lượng công an, bộ đội, biên phòng…). Hơn 7 năm cắm bản, lực lượng liên ngành đã đã tích cực, chủ động phối hợp cùng chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động đồng bào Mông thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước về dân tộc như chính sách về xóa đói giảm nghèo, vận động người dân tố giác tội phạm, nhất là đối tượng buôn bán ma túy, vượt biên trái phép … Qua đó nâng cao nhận thức, không để các đối tượng xấu có cơ hội lợi dụng sự kém hiểu biết của đồng bào để lôi kéo, kích động…Nên an ninh chính trị tại địa bàn luôn được đảm bảo và giữ vững trong nhiều năm trở lại đây.

Lực lượng liên ngành cùng chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động đồng bào Mông thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước. Ảnh: Khiếu Tư - TTXVN
Lực lượng liên ngành cùng chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động đồng bào Mông thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước. Ảnh: Khiếu Tư - TTXVN

Về thực hiện nếp sống văn hóa mới, bản Suối Tôn cũng đã đạt được nhiều kết quả đáng mừng. Trước kia việc tang lễ của người Mông với nhiều hủ tục lạc hậu. Người sau khi chết không được đưa vào quan tài mà được treo trong nhà 4 đến 5 ngày, sau đó mời thầy cúng đến cúng, giết trâu bò thết đãi dân làng… gây tốn kém, ô nhiễm môi trường. Hiện trong số 74 hộ có tới 66 hộ thực hiện việc tang ma theo nếp sống văn hóa mới, người chết được đưa vào quan tài chôn cất và để trong nhà không quá 2 ngày…

Ông Phạm Văn Cuông, Bí thư Đảng ủy xã Phú Sơn cho biết: Mặc dù đời sống đồng bào Mông ở Suối Tôn đã khởi sắc, có đường bê tông dài gần 20km kết nối trung tâm xã Phú Sơn đến bản Suối Tôn, nhưng còn một đoạn đường dài 3,5 km từ trục chính lên bản vẫn chưa được đầu tư nên việc tiếp cận bản còn nhiều khó khăn. Nhất là những hôm trời mưa đường trơn trợt, bản Suối Tôn rất dễ bị cô lập. Bản có khoảng 35 ha lúa nương và 5,5 ha lúa nước nhưng chưa có công trình thủy lợi, nên sản xuất phụ thuộc nhiều vào thời tiết. Nhiều diện tích trồng lúa xa nguồn nước bị bỏ hoang, dẫn tới bạc màu ảnh hưởng lớn đến sản xuất của người dân.

Hy vọng thời gian tới một số hạng mục trong Dự án định canh, định cư cho đồng bào dân tộc thiểu số bản Suối Tôn đã được UBND tỉnh Thanh Hóa phê duyệt sớm được đầu tư, sẽ tạo đà để đồng bào Mông Suối Tôn có những bước phát triển hơn nữa về kinh tế, xã hội.
 
Khiếu Tư 

Có thể bạn quan tâm