Nhân 45 năm thống nhất đất nước:

Cuộc chiến vì hòa bình giữa đầu não địch - Bài 3

Cuộc chiến vì hòa bình giữa đầu não địch - Bài 3
Bài 3: Kiên định niềm tin chiến thắng
Đấu trí giữa đầu não địch
Với những cán bộ, chiến sĩ tham gia Phái đoàn liên hợp quân sự của ta tại Trại Davis, ngay từ khi nhận nhiệm vụ cũng là lúc xác định bước vào một cuộc chiến đấu mới với kẻ thù với vô vàn hiểm nguy.
Những nữ chiến sỹ tham gia phái đoàn quân sự Chính phủ Cách mạng lâm thời Miền Nam Việt Nam tại trại Davis (ảnh tư liệu). Ảnh: TTXVN
Những nữ chiến sỹ tham gia phái đoàn quân sự Chính phủ Cách mạng lâm thời Miền Nam Việt Nam tại trại Davis (ảnh tư liệu). Ảnh: TTXVN

Thực tế, ngay từ ngày đầu tiên Phái đoàn ta bước chân xuống sân bay Tân Sơn Nhất đã là cuộc đấu trí với những âm mưu phá hoại của kẻ thù mà phần thắng đã thuộc về những người chiến sĩ cách mạng mang trong mình ý chí quyết thắng của chính nghĩa và khát vọng hòa bình.
   
Ngày 28/1/1973, khi phái đoàn của ta (gồm hai đoàn A và B) tới căn cứ không quân Tân Sơn Nhất, lực lượng chức trách tại đây có ý định buộc các đại biểu phải tiến hành các thủ tục nhập cảnh như đã áp dụng đối với những người nước ngoài. Phái đoàn đã không chịu theo các thủ tục do cảnh sát và nhân viên hải quan yêu cầu.

Các đại biểu khẳng định, sự thống nhất của nước Việt Nam đã được công nhận ngay từ Hiệp định Genève 1954 và Hiệp định Paris 1973; đồng thời tuyên bố từ chối tuân theo các thủ tục do chính quyền Việt Nam Cộng hòa tự tạo ra.
  
Chính quyền Sài Gòn không từ bỏ yêu cầu, điều quân đội vây quanh máy bay của hai đoàn của ta. Cả hai đoàn của ta cương quyết ngồi trên máy bay, không nhân nhượng, bất chấp cái nóng như nung của khoang máy bay trên đường băng xi măng. Cuộc đấu tranh kéo dài từ chiều 28/1/1973 đến chiều 29/1/1973.

Cuối cùng do sức ép của phía Mỹ (để đảm bảo thời gian tiến hành cuộc họp đầu tiên theo quy định), khoảng 14 giờ ngày 29/1, phía Việt Nam Cộng hòa buộc phải xóa bỏ yêu cầu làm thủ tục nhập cảnh và phía Mỹ đã đưa xe đến đón thành viên của phái đoàn ta về trụ sở dành cho mình tại Trại Davis.
  
Sự có mặt của Phái đoàn quân sự ta tại Trại Davis như một chiếc gai trong mắt chính quyền Sài Gòn. Rắp tâm phá hoại Hiệp định Paris thể hiện ngay trong những hành xử đầy mưu mô phá hoại, kích động, gây sức ép của chính quyền Sài Gòn đối với cán bộ chiến sĩ ta trong suốt 823 ngày đêm chiến đấu tại Trại Davis.

Địch dường như không che giấu ý đồ của chúng đối với Trại Davis. Án ngữ trước cửa trại là trại huấn luyện của sư đoàn dù; xung quanh trại Davis, địch cho đào hào sâu, chăng dây thép gai và dựng tới mười ba trạm gác có đặt súng cỡ đạn 12,7mm. Đầu năm 1975, đối phương tăng cường thêm một đơn vị xe tăng và một đại đội bộ binh đến bao vây, ngày đêm khống chế nghiêm ngặt trụ sở của hai đoàn ta.
  
Ông Lê Hùng, Trưởng ban Liên lạc truyền thống Trại Davis chia sẻ, phái đoàn ta chịu nhiều áp lực, sức ép của địch. Sống giữa kẻ thù, hàng rào lớp lớp, cả chục vọng gác ngày đêm có lính gác ở tầm cao. Mỗi khi quan hệ giữa đoàn ta và Việt Nam Cộng hòa xấu đi,  địch tăng thêm chốt gác, lính dù gây sự, chửi đổng… nhằm uy hiếp tinh thần ta. Ngay trước mặt Trại Davis, địch đặt một Lữ đoàn dù, xung quanh là các trạm gác, danh tiếng là bảo vệ, nhưng thực ra là khống chế, trấn áp tinh thần. Có giai đoạn, địch sử dụng xe xúc đào hào xung quanh trại sâu tới 2-3 m, gia tăng các lớp dây thép gai, tăng cường tuần tra vì sợ ta đào hầm.
  
Theo ông Trần Trung Đệ (sĩ quan Ban Chính trị, đoàn Chính phủ Cách mạng Lâm thời miền Nam Việt Nam tại Trại Davis), cùng với những cách thức trấn áp, uy hiếp tinh thần ta, bọn chúng còn liên tục dụ dỗ, gạ gẫm cán bộ, chiến sĩ ta đi theo chúng. Dù vậy, anh em ta lúc nào cũng cương quyết, bền tâm, nên không có bất cứ chuyện gì xảy ra về bảo vệ nội bộ.Thời đó rất căng thẳng, vì xung quanh là địch, là rào kẽm gai, còn có tôn chắn không cho nhìn ra. Việc cắt điện, cắt nước thường xuyên diễn ra. Địch cắt điện, mình dùng đèn cầy, tổ chức đốt đèn cầy họp chi bộ ngoài đường. Chúng thấy cắt điện không ăn thua nên quay ra cắt nước. Bị cắt nước, ta tiến hành đào giếng.
          
Khu nhà ta ở do Việt Nam Cộng hòa bố trí, mái tôn, nền đất, tường ván, và chung quanh “trang trí“ toàn bằng rào kẽm gai. Từ ngày 18/4, ta đào hầm, đến ngày 28/4 đào gần kín, không để địch biết. Đất thì lật tủ sắt ra, đổ vào tủ sắt rồi làm nắp cửa hầm. Đường hầm nối từ nhà này sang nhà khác, tạo cả hầm sở chỉ huy, hầm cứu thương. Sau này, hầm cứu thương được sử dụng cho quân y cứu chữa cho các đồng chí bị thương vì pháo rạng ngày 29/4/1975.
   
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Sáu (thường gọi là Mai Sơn, hiện 92 tuổi), nguyên Tổ trưởng Tổ quân y đoàn B Trại Davis với cấp bậc Thượng úy (trước khi tham gia Trại Davis, ông là Tiểu đoàn phó Tiểu đoàn Quân y, Sư đoàn 9) cho biết: Giai đoạn trong Trại Davis công việc quân y cơ bản không có vất vả gì nhiều. Đã từng tham gia chiến đấu trên chiến trường, đối mặt với nguy hiểm và công việc chăm sóc y tế trong bối cảnh thiếu thốn, khó khăn hơn nhiều. Do anh em đang tuổi trẻ, được lựa chọn đều có sức khỏe tốt, tại trại Davis, sinh hoạt điều độ, nên hầu như không có trường hợp bệnh tật gì nặng.
  
Dù vậy, theo ông Mai Sơn, không phải mọi cái đều thuận lợi. Những năm tháng ở trại Davis cũng có những kỷ niệm đáng nhớ về công tác quân y. Tháng 11/1973, bác sĩ Nguyễn Văn Ấn (tổ Quân y đoàn B) phải nhờ đến sự hỗ trợ của bác sĩ đoàn Hungary (Phái đoàn Quốc tế tham gia giám sát việc thực hiện Hiệp định Paris), để mổ cắt ruột thừa cho một cán bộ đoàn ta ngay trong Trại Davis. Bởi đúng vào giai đoạn đó, quan hệ hai bên căng thẳng, địch lấy cớ không chịu cho ta đưa bệnh nhân đến bệnh viện như những thỏa thuận trong khuôn khổ Hiệp định Paris và cũng không bố trí máy bay đưa người về căn cứ.
  
Rạng sáng 29/4/1975, Trung tá Nguyễn Tiến Bộ (đoàn A) bị trúng đạn pháo, chân phải dập nát, không có khả năng phục hồi, cần phải xử lý ngay để tránh nguy cơ hoại tử. Bác sĩ Mai Sơn trực tiếp tiến hành phẫu thuật cắt chân cho Trung tá Bộ trong căn hầm y tế dã chiến thiếu những điều kiện tiêu chuẩn về y tế ngay dưới lòng đất Trại Davis. Ca phẫu thuật đã rất thành công, diễn ra trong tiếng nổ rền vang của những đợt pháo bắn cấp tập vào sân bay Tân Sơn Nhất báo hiệu giờ chiến thắng đã cận kề.
Đại tá Nguyễn Bạch Vân, nguyên sỹ quan tùy tùng của Tướng Trần Văn Trà (Trường đoàn đại biểu Chính phủ lâm thời Miền Nam Việt Nam tại trại Davis), giới thiệu tài liệu thu thập được về quá trình xây dựng trại Davis. Ảnh: Xuân Khu-TTXVN
Đại tá Nguyễn Bạch Vân, nguyên sỹ quan tùy tùng của Tướng Trần Văn Trà (Trường đoàn đại biểu Chính phủ lâm thời Miền Nam Việt Nam tại trại Davis), giới thiệu tài liệu thu thập được về quá trình xây dựng trại Davis. Ảnh: Xuân Khu-TTXVN

Hai đám cưới một niềm tin
Trong những ngày cam go, căng thẳng ở Trại Davis, tình yêu giữa những chàng trai nơi “tuyến đầu” Trại Davis với những cô gái “hậu phương” vùng căn cứ cũng đơm hoa, kết trái.

Nhiều đám cưới được tổ chức ngay giữa những ngày đấu tranh thực hiện thỏa thuận hòa bình của Hiệp định Paris như một minh chứng cho niềm tin và khát vọng của những người chiến sĩ cách mạng về một ngày thống nhất non sông.
  
Tham gia đoàn B với tư cách là sĩ quan tùy tùng của tướng Phạm Văn Trà (Trường đoàn đại biểu Chính phủ lâm thời miền Nam Việt Nam tại Trại Davis), Đại tá Nguyễn Bạch Vân quen một người bạn trong đoàn A tại Trại Davis.

Thấy ông Bạch Vân lúc đó đã gần 40 tuổi mà vẫn chưa lập gia đình, người bạn này đã làm mối cho ông với bà Quách Dương Liễu (lúc đó 28 tuổi, đang làm việc tại Trạm Dân y Miền).   
  
Sau lần gặp mặt đầu tiên tại Trạm Dân y Miền, hai bên trao đổi thư từ qua lại thường xuyên trong vài tháng và nảy sinh tình cảm. Tất nhiên, trong thời điểm đó, chuyện này nhanh chóng được lãnh đạo nắm bắt và ủng hộ nhiệt tình. Cả ông Bạch Vân và bà Dương Liễu đều “lăn tăn” về chuyện cưới xin, vì cả bố mẹ hai bên đều ở miền Bắc, trong khi cuộc chiến đấu tuy đã trên danh nghĩa đã ngừng bắn nhưng vẫn còn rất căng thẳng, cam go.

Sau đó lãnh đạo động viên là việc cưới hỏi là cưới hỏi, chiến đấu là chiến đấu, không thể vì chuyện này ảnh hưởng đến chuyện kia. Cứ cưới đi rồi đến nay mai thống nhất đưa nhau về lại mặt nhà gái. Và thế là tôi với bà nhà tôi quyết định cưới nhau”, ông Bạch Vân cười nhớ lại.
  
Nở nụ cười đôn hậu trên khuôn mặt rạng rỡ, bà Quách Dương Liễu kể lại: “Lúc đó dù hàng tuần vẫn có máy bay từ Trại Davis về vùng giải phóng, nhưng không phải chuyến nào ông ấy (ông Bạch Vân) cũng được đi, nên đến tận ngày cưới, tụi tôi mới gặp nhau lại lần thứ 2. Đám cưới được tổ chức vào đầu năm 1974, tại Lò Gò, Trung ương Cục miền Nam. Đại diện nhà trai là đơn vị Bộ Tham mưu Miền ở Lộc Ninh còn nhà gái là Dân y Miền. Một đám cưới giản dị mà trang trọng và vui vẻ với những món đồ miền Bắc mà ông Bạch Vân mang về từ Trại Davis. Đúng như những gì tiên liệu trước, sau ngày Giải phóng, ông bà đã cùng nhau trở về Bắc ra mắt hai họ nội ngoại, giới thiệu đứa con đầu lòng sinh ngay trong tháng 4/1975 lịch sử".
  
Một sự trùng hợp thú vị khác đến với bác sĩ Trần Văn Ẩn, một trong hai bác sĩ của Tổ quân y đoàn B, người đã có mặt gần như suốt thời gian tồn tại của Phái đoàn quân sự ta tại Trại Davis. Nhờ những năm tháng sống ở Trại Davis, ông Ẩn cũng đã có được hạnh phúc lứa đôi. 
  
Năm nay đã 91 tuổi, đau yếu bởi tuổi già, nhưng ông Ẩn vẫn rất minh mẫn và hóm hỉnh. Theo ông, những gì diễn ra tại Trại Davis năm xưa luôn là một quãng thời gian rất đỗi tự hào trong những ngày phục vụ trong quân ngũ của tất cả những người từng ở đó. Riêng ông, nỗi nhớ về những ngày ở Trại Davis không chỉ có sự căng thẳng, không khoan nhượng với kẻ thù hay những lần mổ cho thương binh trong tiếng đạn nổ mà còn là kỷ niệm ngọt ngào về niềm hạnh phúc lứa đôi giữa những ngày đấu tranh vì hòa bình, thống nhất của dân tộc. “Cũng nhờ vào những ngày ở Trại Davis mà tôi có người bầu bạn đỡ đần tuổi già hôm nay đấy”- ông Ẩn cười nói.
  
Kém chồng tới 16 tuổi, bà Hồ Thị Y (vợ bác sĩ Ẩn), vốn là con gái vùng đất cách mạng Bến Tre. Năm 1973, khi đó mới 18 tuổi, bà nấu ăn tại Bệnh viện K71. “Cũng có quen biết từ trước và mọi người cũng hay trêu đùa ghép cặp. Nhưng ổng nhiều tuổi lại là cán bộ, nên cũng không có ý gì. Nhưng khi ổng đi vào Davis, thấy lo, thấy nhớ, gặp lại thấy mừng, rồi sau đó thương nhau. Ổng tập kết học ở ngoài Bắc nên hay kể cho tôi nghe về Hà Nội rồi bảo chiến tranh còn chưa chấm dứt, nhưng nhất định sẽ thắng. Cưới nhau đẻ con rồi sau này thống nhất tôi đưa mẹ con bà ra thăm Hà Nội”, bà Hồ Thị Y vui vẻ chia sẻ.
  
Nghe lời “dụ ngọt” của ông Ẩn, bà Y báo tổ chức xin phép tổ chức lễ cưới. Đám cưới đã diễn ra đầu năm 1974 tại Lộc Ninh. “Đám cưới vui lắm. Mọi người ăn bánh kẹo, uống trà, hút thuốc lá Điện Biên, toàn đồ miền Bắc.Tôi nhớ mãi ai cũng chúc cô dâu chú rể vui duyên mới không quên nhiệm vụ”- bà Hồ Thị Y nhắc lại đám cưới của mình với ánh mắt vẫn ngời niềm hạnh phúc như ngày nào. Cuối năm, hai vợ chồng ông bà sinh con đầu lòng. Niềm tin chiến thắng, đoàn tụ của họ đã trở thành hiện thực khi chỉ mấy tháng sau đó, miền Nam được giải phóng, đất nước thống nhất một nhà.
   
Hơn 45 năm đã trôi qua, biết bao thăm trầm của cuộc sống đến với vợ chồng Đại tá Bạch Vân hay bác sĩ Trần Văn Ẩn. Hôm nay, những cặp vợ chồng ấy dù “đầu đã bạc, tay đã run” nhưng vẫn luôn ân cần chăm sóc lẫn nhau, trân quý những phút giây hạnh phúc ngọt ngào bên nhau.

Niềm hạnh phúc giản dị ấy được xây dựng, vun đắp từ những ước mong và niềm tin tất thắng mà họ đã luôn có, kể cả trong những ngày gian khó nhất của cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước cách đây gần nửa thế kỷ./ (Còn tiếp)
 Xuân Khu – Tiến Lực
  Bài cuối: Sáng mãi biểu tượng khát vọng thống nhất
Báo ảnh Dân tộc và Miền núi/TTXVN

Có thể bạn quan tâm