"Cuộc chiến" loại bỏ hủ tục lạc hậu ở Trạm Tấu

"Cuộc chiến" loại bỏ hủ tục lạc hậu ở Trạm Tấu
"Cuộc chiến" loại bỏ hủ tục lạc hậu ở Trạm Tấu ảnh 1
Vận động phá nhổ cây thuốc phiện ở huyện Trạm Tấu (Yên Bái)

"Giải quyết từ gốc của vấn đề"

Trạm Tấu là địa bàn đặc biệt khó khăn của tỉnh miền núi Yên Bái với hơn 3 vạn dân thuộc 11 dân tộc anh em; trong đó, trên 95% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, riêng đó đồng bào dân tộc Mông chiếm hơn 77%. Thời gian trước đây, vì nhiều nguyên nhân khác nhau, nhất là do trình độ nhận thức và thói quen sinh hoạt của người dân nên nhiều hủ tục lạc hậu vẫn duy trì ở một bộ phận dân cư trên địa bàn huyện. Điển hình như: Tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết; tổ chức ma chay linh đình, để người chết trong nhà lâu ngày; chữa bệnh bằng cách mời thầy mo về nhà cúng ma; trồng và hút thuốc phiện... Các hủ tục này đã gây ra những hạn chế không nhỏ trong nỗ lực phát triển đời sống của người dân.

Xác định rõ, thay đổi tập quán của đồng bào các dân tộc thiểu số không phải là việc ngày một ngày hai và vấn đề cốt lõi đó là nâng cao nhận thức của nhân dân, nên cấp ủy, chính quyền các cấp ở Trạm Tấu đã đặc biệt coi trọng công tác tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức của người dân. Theo đó, Đảng bộ huyện đã phân công trách nhiệm cho các đồng chí trong Ban Thường vụ, Ban Chấp hành phụ trách các cụm xã, thị trấn; lãnh đạo trưởng, phó các cơ quan giúp đỡ thôn, bản; bí thư, trưởng thôn và đảng viên tham gia phụ trách hộ. Đồng thời, vai trò của đội ngũ già làng, trưởng bản, trưởng dòng họ, người có uy tín trong cộng đồng dân cư cũng được chú trọng phát huy nhằm tuyên truyền, vận động bà con thực hiện tốt các nghị quyết, chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước; tự giác xóa bỏ các hủ tục lạc hậu.

Là một người có kinh nghiệm nhiều năm gắn bó với các xã đặc biệt khó khăn trên địa bàn, đồng chí Lê Thị Thu Hà - Phó Chủ tịch UBND huyện Trạm Tấu chia sẻ: Những thói quen sinh hoạt, những tập tục lạc hậu đã ăn sâu vào trong nếp nghĩ của người dân qua nhiều thế hệ nên để thay đổi đỏi hỏi sự kiên trì vận động, thuyết phục, động viên bà con. Vừa giúp đồng bào hiểu
rõ những tác hại của các hủ tục lạc hậu, vừa hướng bà con tham gia trong những hoạt động sinh hoạt văn hóa lành mạnh là cơ sở để xây dựng đời sống văn hóa mới. Đơn cử như: Tập tục trồng và sử dụng cây thuốc phiện của đồng bào dân tộc Mông đã được duy trì rất lâu ở huyện Trạm Tấu. Đã có không ít hệ lụy buồn từ thói quen xấu này. Trước đây, có thời điểm cây thuốc phiện được bà con các dân tộc trồng nhiều tại các bản vùng sâu, vùng xa thuộc các xã: Bản Mù, Làng Nhì,Tà Xi Láng, Bản Công, Túc Đán, Xà Hồ... Nhằm vận động người dân thực hiện "3 bỏ" cây thuốc phiện (bỏ trồng, bỏ sử dụng, bỏ mua bán), huyện Trạm Tấu đã huy động sự vào cuộc đồng bộ của các ban, ngành, đoàn thể nhất là các lực lượng nòng cốt như: Ban Chỉ huy quân sự huyện, Công an huyện... Cùng với cán bộ, đảng viên địa phương, những chiến sĩ công an, bộ đội đã không quản khó khăn, đến từng thôn bản, vào từng gia đình để tuyên truyền, vận động người dân nhận rõ tác hại của việc trồng và sử dụng cây thuốc phiện. Phương châm "4 cùng" (cùng ăn, cùng ở, cùng lao động, cùng nói tiếng dân tộc) đã được các lực lượng thực hiện triệt để. Những người nghiện thuốc phiện được động viên đi cai và giúp đỡ ổn định cuộc sống. Chính quyền cơ sở cũng chủ động tìm tòi, đưa vào canh tác nhiều loại cây trồng mới có hiệu quả kinh tế để giúp bà con phát triển đời sống. Kết quả là chỉ trong một thời gian ngắn, tập quán trồng và sử dụng cây thuốc phiện đã dần bị đẩy lùi. Việc phòng, chống tái trồng cây thuốc phiện cũng được thực hiện có hiệu quả trên địa bàn toàn huyện; nhất là tại các thôn, bản vùng sâu, vùng cao.

Và thắng lợi trong cuộc chiến chống lại hủ tục lạc hậu...

Có thể nói, bằng việc huy động sức mạnh tổng hợp của các cơ quan, ban, ngành, các lực lượng, "cuộc chiến" loại bỏ hủ tục lạc hậu ở huyện Trạm Tấu đã thu được những kết quả tích cực. Không chỉ khắc phục việc trồng, sử dụng cây thuốc phiện, đồng bào các dân tộc ở Trạm Tấu giờ đây đã không còn tin vào thầy mo mà biết tìm đến y sỹ, y tá ở trạm y tế mỗi khi có bệnh; người thân qua đời không để trong nhà quá 48 giờ; tình
trạng tảo hôn, thách cưới cao đã không còn phổ biến; việc cưới xin, ma chay, lễ hội cơ bản bảo đảm văn minh và tiết kiệm... Đặc biệt, nếu như trước đây, đồng bào dân tộc Mông trong huyện ăn tết kéo dài suốt một tháng thì từ năm 2012 đến nay, bà con đã không còn ăn tết dài ngày mà chỉ tổ chức trong thời gian 3 ngày, vừa bảo đảm vui tươi, đầm ấm vừa tiết kiệm, tránh lãng phí. 

Ông Giàng A Seo ở bản Chống Chùa, xã Tà Xi Láng vui vẻ chia sẻ: "Từ khi chuyển sang ăn tết 3 ngày, mọi người trong bản đều tích cực tham gia xây dựng đời sống mới. Những phong tục truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc Mông trong ngày tết đều được bảo lưu nhưng đã không còn chuyện mỗi nhà phải mổ 2 - 3 con lợn để ăn tết suốt cả tháng. Nhờ đó, nhiều hộ đã tiết kiệm được tiền để lo cho con cái ăn học".

Trao đổi cùng chúng tôi, bà Hà Thị Lan Hương - Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện, Phó Ban Chỉ đạo cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" huyện Trạm Tấu cho biết: "Thành công lớn nhất trong cuộc chiến loại bỏ hủ tục lạc hậu ở Trạm Tấu, đó là nhận thức của phần lớn bà con đã được nâng lên, ý thức được mặt trái của các hủ tục. Nhờ đó, đồng bào các dân tộc trong huyện đã tích cực, chủ động tham gia xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư; góp phần tăng cường khối đại đoàn kết trong cộng đồng dân cư".

Thực tế thời gian qua ở huyện vùng cao Trạm Tấu cho thấy, để bài trừ các hủ tục lạc hậu hiệu quả, cùng với công tác tuyên truyền, thì việc nêu cao vai trò, trách nhiệm và tính gương mẫu của cán bộ, đảng viên luôn có một ý nghĩa quan trọng. Bởi tâm lý của phần đông đồng bào các dân tộc thiểu số là chỉ tin vào những điều "mắt thấy, tai nghe". Do đó, những việc làm gương mẫu của cán bộ, đảng viên trong xóa bỏ tập quán lạc hậu, xây dựng văn hóa mới sẽ có giá trị thuyết phục to lớn trong vận động bà con làm theo.


Tuy đã đạt được những thắng lợi không nhỏ trong "cuộc chiến" chống hủ tục lạc hậu, nhưng để loại bỏ hoàn toàn những hủ tục ra khỏi đời sống của người dân, đòi hỏi cấp ủy, chính quyền và đồng bào các dân tộc huyện Trạm Tấu cần tiếp tục nỗ lực cố gắng nhiều hơn nữa. Trong đó, vấn đề căn bản nhất là cần có sự chung tay, chung sức và trách nhiệm, quyết tâm cao của nhiều cấp, ngành, đoàn thể để khơi dậy, phát huy tốt sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị. Tôn trọng những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc nhưng đồng thời cũng cần kiên quyết loại bỏ từng bước những thói quen, tập quán lạc hậu. 

Một mùa xuân mới sắp về! Tin tưởng cùng với việc triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, từ sự gương mẫu đi đầu của cán bộ, đảng viên, già làng, người có uy tín và sự đồng thuận cao của đồng bào các dân tộc trên địa bàn huyện Trạm Tấu, những hủ tục lạc hậu sẽ sớm bị đẩy lùi hoàn toàn để hướng đến xây dựng đời sống văn hóa tiến bộ, văn minh, phát triển./.

Theo dangcongsan.vn
dangcongsan.vn

Có thể bạn quan tâm