Cúng vía Mụ Thố để cầu bình an

Cúng vía Mụ Thố để cầu bình an
Theo TS. Bùi Văn Thành, Vụ Giáo dục Dân tộc, Bộ GDĐT: vía Mụ Thố tùy vào từng vùng, từng miền mà có tên gọi khác nhau, song hình thức cúng thì không khác nhau là mấy. Mục đích chính khi cúng vía Mụ Thổ là mong người già trong gia đình vượt qua khó khăn, bệnh tật, vui vầy cùng con cháu.
 
“Mụ Thố là tiếng Mường Bi. Người Mường quan niệm, các bà Mụ nặn nên người và giúp cho chuyện đẻ ra con người ấy. Người Mường gọi là Mụ, có nơi gọi là Mụ Thố, Mụ Nạ, Mụ Rạ. Nhờ Mụ mà nó nên hình, nên hài, nên chân, nên tay, nên mồm, nên miệng, nên tâm, nên tính. Từ lúc sinh ra đến khi trưởng thành đều liên quan đến Mụ cả. Người Mường rất coi trọng việc cúng các Mụ. Các Mụ bao giờ cũng bảo vệ, che chở để cho đứa trẻ ấy khi sinh ra đến khi trưởng thành thì nó hoàn thiện, nó giỏi giang, khỏe khoắn” -  TS Thành giải thích.
 
Người Mường tin là con người ta từ lúc sinh ra cho đến khi 12 tuổi, bên cạnh đứa trẻ luôn có các Mụ che chở nâng đỡ, do vậy, việc cúng Mụ cần được chú ý, nhất là với những đứa trẻ hay ốm đau, gầy yếu. Nếu một đứa trẻ sài đẹn, khó nuôi, thì càng phải cúng nhiều. Người Mường tin có 12 bà Mụ. Nếu đứa trẻ quá khó nuôi thì người ta mang cái áo của đứa trẻ đến nhà thầy Trượng hay nhà bà Mỡi (các thầy cúng của người Mường), gửi cái áo ở đó, để nhờ cúng thường xuyên. Cái áo này có thể để ở nhà thầy cúng cho đến khi đứa trẻ 12 tuổi, thì người nhà đến làm lễ rước cái áo về.
                               
IMG_6434.jpg
                          Mâm lễ cúng Mụ Thố không bao giờ được thiếu cành si. Ảnh:dantri.com
Với người Mường, có chăm sóc tốt cho các bà Mụ, thì mới được các bà che chở, giúp đỡ tận tâm. Nếu như gia đình có người già ốm đau thì điều này cũng liên quan chủ yếu đến các Mụ. Mụ Thố hay là Mụ Trực có nhiệm vụ chăm sóc linh hồn con người. Khi về già, người Mường lại làm nghi lễ cúng Mụ, làm lễ kéo si để cầu mong sự trường thọ, khỏe mạnh.
 
Có một bà Mụ trông coi cây si linh hồn, cứ mỗi người đẻ ra ở dưới đất thì ở trên trời có một cây si sinh ra. Cây si có xanh tốt thì người ấy mới khỏe mạnh. Để cho cây xanh tốt, phải có bà Mụ chăm sóc. Khi những người già ốm thì người Mường làm lễ kéo si. Trong lễ kéo si, thành phần tham dự gồm tất cả con cháu, anh em họ hàng. Việc tập trung đông con cái, anh em như thế cũng làm cho người già thêm lạc quan, tinh thần cũng phấn chấn hơn. 
Tùy thuộc mức độ gần gũi, thân thích với người được làm lễ kéo si mà người tham dự mang đến những đồ lễ. Ngày xưa, đồ góp lễ chỉ quy ra thành gạo. Hiện nay, hàng thân thích nhất có thể góp đến 1 triệu, rượu 10 lít, gạo 1 tạ. Bậc thứ hai thì tiền là 500 ngàn, hai yến gạo nếp và 5 lít rượu. Bậc thứ ba góp lễ hai trăm ngàn, gạo 5 kg, rượu 5 lít. Bậc thứ 4, bậc cuối cùng là họ hàng xa, mức góp thường là 100 ngàn và 2kg gạo. 
Trong lễ kéo si, nhất thiết phải có một cành si và một thúng gạo. TS Thành cho biết:
- Hôm đó, để mời bà Mụ về ăn, người ta làm lễ rất hậu. Sau đó, chặt cành cây si cắm trên thúng gạo, buộc vào đó rất nhiều sợi chỉ, gọi tất cả con cháu đến, mỗi người cầm một sợi. Bà Mỡi cúng bài kéo si, lúc đó là tất cả con cháu cùng kéo, dựng cành si lên thẳng, vùi gạo lên gốc si cho chặt. Người Mường rằng khi con cháu làm nghi lễ đó tức là cây si linh hồn trên trời được vun gốc và được bà Mụ này chăm sóc thì sẽ lại tươi tốt và người ở trần gian sẽ sống lâu hơn.
 
Lời khấn có đoạn: “Con cháu ở đâu hãy lại đây! Cầm dây kéo cây si dậy. Cho hồn người mạnh mẽ trở lại, để người sống lâu. Buổi nào cây si đổ, người mới đổ. Chỗ nào cây si héo người mới héo. Con cháu hỡi, con cháu hà, ta cùng kéo cây si dậy! Để cây si mãi chắc gốc bân cành. Để người sống lâu ngàn năm. Để người sống lâu trăm tuổi. Dậy dậy si hỡi!”

Có thể bạn quan tâm