Cử tri Lào Cai mong muốn nhà nước nâng cao chất lượng đời sống người dân theo hướng nông thôn mới

Cử tri Lào Cai mong muốn nhà nước nâng cao chất lượng đời sống người dân theo hướng nông thôn mới

Chiều 12/6, qua theo dõi phiên thảo luận của Kỳ họp thứ 9 của Quốc hội về Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, các cử tri Lào Cai đều phấn khởi, đánh giá cao nội dung phiên thảo luận.

Cử tri Lào Cai mong muốn nhà nước nâng cao chất lượng đời sống người dân theo hướng nông thôn mới ảnh 1Quốc hội thảo luận về Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT - XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Ảnh: Văn Điệp - TTXVN

Các cử tri Lào Cai đều có chung nhận định, việc tường thuật trực tiếp phiên thảo luận đã cho cử tri thấy rõ hơn trách nhiệm của đại biểu Quốc hội, góp phần xây dựng tính dân chủ trong hoạt động của Quốc hội, nhờ đó phiên họp trở nên sôi nổi và có sức hút hơn. Theo dõi phiên thảo luận, các cử tri có thể dễ dàng nhận thấy không khí thẳng thắn, tích cực, trách nhiệm, có tính tranh luận và đối thoại với tinh thần xây dựng cao.

Theo ông Nông Đức Ngọc, Trưởng ban Dân tộc tỉnh Lào Cai, chương trình gồm 10 dự án thành phần, dự án nào cũng quan trọng và cần thiết đối với vùng nông thôn miền núi, vùng đồng bào dân tộc. Do đó, tại phiên thảo luận, các đại biểu đã đặt vấn đề về việc phải xem xét, phân tích tính toán kỹ, hợp lý thứ tự ưu tiên - phần nào làm trước, phần nào làm sau, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm để tránh chồng chéo lãng phí mà đảm bảo hiệu quả đem lại lợi ích thiết thực cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho đồng bào vùng cao. Đặc biệt, các đại biểu thống nhất rằng mỗi dự án phải thể hiện sự quan tâm đặc biệt đối với đồng bào dân tộc rất ít người. Đây là những ý kiến chất vấn xác đáng và phù hợp với tình hình thực tiễn tại các tỉnh miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Ông Nông Đức Ngọc cũng đề nghị các dự án cần có thêm giải pháp về đảm bảo quốc phòng- an ninh và ứng dụng, chuyển giao khoa học - công nghệ; gắn nhiệm vụ bảo tồn văn hóa dân tộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi để phát triển du lịch; rà soát kỹ các hạng mục công trình cần đầu tư, tránh dàn trải…

Ngoài ra, Chương trình cũng cần nâng cao tiêu chí cứng hóa nhà vệ sinh, môi trường nông thôn để cải thiện chất lượng đời sống của đồng bào. Về nguồn vốn thực hiện, cần xem xét đảm bảo phù hợp với nhu cầu, tình hình thực tiễn để phát huy hiệu quả, tránh tình trạng dàn trải, manh mún, không rập khuôn mà phải bám sát tình hình thực tiễn và mục tiêu phát triển của từng vùng, từng tỉnh để xây dựng. Các địa phương được hưởng lợi Chương trình này phải rà soát và đăng ký lại danh mục công trình đầu tư cũng như phát triển sản xuất để đảm bảo tính hiệu quả của Chương trình.

Nhấn mạnh về ý nghĩa quan trọng của Chương trình đối với sự phát triển của đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, ông Nông Đức Ngọc cho rằng chương trình cần tập trung nâng cao chất lượng đời sống người dân theo hướng nông thôn mới và nông thôn kiểu mẫu. Mong muốn của đồng bào các dân tộc thiểu số và miền núi khi được triển khai các dự án là sẽ được tạo điều kiện tiếp cận với nhiều tiến bộ khoa học - kỹ thuật, ứng dụng trong phát triển sản xuất; các sản phẩm sản xuất ra có chất lượng và được tiêu thụ, tạo chuỗi liên kết, nâng cao giá trị sản phẩm, tạo nhiều việc làm cho đồng bào... từ đó thu hẹp dần khoảng cách về mức sống, thu nhập của người dân miền núi với các vùng phát triển của cả nước.

Ông Lìn A Phùng, Trưởng thôn Luổng Đơ (xã Cốc San, thành phố Lào Cai) phấn khởi chia sẻ, phương châm “hỏi nhanh, đáp gọn” của phiên thảo luận đã giúp cử tri hình dung rõ những vấn đề "nóng" trong phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đang được quan tâm. Ví như các Dự án 5, Dự án 6 về Phát triển giáo dục đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; về Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch... Theo ông Lìn A Phùng, Nhà nước cần quan tâm thực hiện tốt công tác cán bộ ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Cán bộ, công chức công tác ở vùng dân tộc thiểu số ngoài kiến thức về lý luận chính trị, chuyên môn nghiệp vụ thì cần có thêm những kiến thức về phong tục, tập quán, ngôn ngữ, tâm lý dân tộc, tôn giáo để dễ tiếp cận, nắm bắt tâm tư tình cảm của đồng bào, tổ chức thực hiện tốt các chính sách ở địa phương.

Đồng tình với ý kiến của ông Nông Đức Ngọc về việc cần tập trung nâng cao chất lượng đời sống người dân theo hướng nông thôn mới và nông thôn kiểu mẫu, ông Lìn A Phùng chia sẻ quan điểm: Để người dân nông thôn miền núi, vùng cao, đặc biệt là vùng biên giới gắn bó với quê hương, làng bản, Nhà nước cần triển khai đồng bộ các chính sách dân tộc, các chương trình, dự án trên các địa bàn này; tập trung nguồn lực cho vùng dân tộc thiểu số, ưu tiên phát triển nguồn nhân lực, nâng cao dân trí gắn với đào tạo, dạy nghề, tạo việc làm cho đồng bào dân tộc thiểu số...

Lào Cai là tỉnh vùng cao, biên giới có 25 dân tộc cùng chung sống, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 66,2%. Giai đoạn 2016-2020, tỉnh có 37/164 xã thuộc khu vực II, 102/164 xã thuộc khu vực III và 2 xã biên giới được thụ hưởng các chính sách của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững.

Hương Thu

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm