Cử tri Lai Châu hy vọng có thêm động lực mới cho vùng dân tộc thiểu số miền núi phát triển

Cử tri Lai Châu hy vọng có thêm động lực mới cho vùng dân tộc thiểu số miền núi phát triển

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV, chiều 12/6, Quốc hội thảo luận về Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030. Nội dung này được nhiều cử tri tại tỉnh Lai Châu quan tâm.

Cử tri Lai Châu hy vọng có thêm động lực mới cho vùng dân tộc thiểu số miền núi phát triển ảnh 1Đại biểu Quốc hội tỉnh Lai Châu Nguyễn Hữu Toàn phát biểu. Ảnh: Văn Điệp - TTXVN

Đánh giá về phiên họp, bà Lò Thị Vương, dân tộc Thái, phường Tân Phong, thành phố Lai Châu (tỉnh Lai Châu), nguyên Phó Ban Dân tộc tỉnh Lai Châu cho rằng không khí thảo luận diễn ra sôi nổi, các đại biểu thẳng thắn đưa ra những ý kiến, kiến nghị, giải pháp rõ ràng, cụ thể của từng dự án để Chương trình đi vào hoạt động hiệu quả. Đặc biệt, các đại biểu đã nêu một số đặc điểm tình hình thực tế của các địa phương để Quốc hội xem xét, bổ sung lại mục tiêu của Chương trình về các dự án; tình trạng thiếu đất ở, nhà ở; đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, đường giao thông; phát triển giáo dục, phát huy giá trị văn hóa …

Bà Lò Thị Vương mong muốn Quốc hội thông qua Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, để Chương trình sớm được triển khai, thực hiện. Bởi nước ta là nước có đông đồng bào dân tộc sinh sống, đời sống của người dân còn gặp nhiều khó khăn, nhất là các tỉnh miền núi, vùng biên giới, trong đó có tỉnh Lai Châu nên khi triển khai, thực hiện chương trình này sẽ tạo thêm động lực, giúp người dân vươn lên thoát nghèo, cải thiện chất lượng cuộc sống.

Theo cử tri Lò Thị Vương, những năm qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chính sách ưu tiên, hỗ trơ vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trong cả nước nói chung, tỉnh Lai Châu nói riêng. Các chính sách này đã tác động mạnh mẽ đến mọi lĩnh vực của đời sống. Về mặt kinh tế, hiện nay người dân Lai Châu đã biết chuyển đổi cơ cấu cây trồng mang lại giá trị kinh tế cao. Từ đó, họ xây nhà, mua sắm được các trang thiết bị hiện đại cho gia đình … Cùng với đó, hệ thống cơ sở hạ tầng, đường giao thông, thủy lợi, nước vệ sinh được đầu tư xây dựng đồng bộ.

Về mặt xã hội, các chính sách hỗ trợ đã khuyến khích được học sinh đến lớp, đến trường theo đúng độ tuổi; chế độ dinh dưỡng trong khẩu phần ăn bán trú được cải thiện. Từ đó, duy trì sĩ số của các lớp học, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục. Đồng thời, người dân từng bước bỏ các hủ tục lạc hậu trong ma chay, cưới hỏi. Bước đầu nâng cao nhận thức về chăm sóc sức khỏe cho bản thân, khi ốm đau không mời thầy đến cúng, mà đến cơ sở y tế gần nhất để điều trị. Các bà mẹ có thai cũng thường xuyên đến thăm khám sức khỏe, hạn chế tỷ lệ trẻ sơ sinh bị chết và công tác tiêm phòng dần được bà con quan tâm…

Cùng với phát triển kinh tế, người dân Lai Châu cũng quan tâm đến các hoạt động văn hóa, tổ chức các trò chơi dân gian, lễ hội, văn nghệ nhằm giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc trong những bộ trang phục hay những phong tục tập quán độc đáo.

Nói về hạn chế, bà Lò Thị Vương cho rằng: Với tỉnh có địa bàn rộng như Lai Châu thì việc triển khai các dự án đến với cơ sở còn chậm, chưa kịp thời. Cụ thể chính sách phê duyệt nhưng Bộ chưa cấp vốn dẫn đến kéo dài thời gian, chậm tiến độ thực hiện các dự án. Nhiều dự án hướng dẫn chưa cụ thể, rõ ràng khi xuống cơ sở thực hiện rất khó khăn. Vì vậy, mỗi tỉnh đều có cơ chế và tình hình thực tế khác nhau nên cần có Nghị quyết Đảng bộ riêng về thực hiện chương trình này.

Đồng thời, khi thực hiện các dự án chưa xác định rõ đối tượng thụ hưởng, vẫn còn xảy ra tình trạng chồng chéo, một gia đình được hưởng nhiều dự án cùng một lúc, điều này tạo nên sự trông chờ, ỷ lại từ Nhà nước của một bộ phận người dân, họ không biết tích lũy, vươn lên trong cuộc sống, mà bằng lòng với hiện tại. Việc quản lý các dự án chưa thống nhất, tập trung khi cùng một vùng đồng bào dân tộc thiểu số nhưng có nhiều ngành ở tỉnh quản lý, gây nên sự phối hợp khi chỉ đạo cơ sở không thống nhất, đồng bộ, vì mỗi sở, ngành lại có một văn bản hướng dẫn khác nhau…

Rút kinh nghiệm từ những dự án trước đây, bà Lò Thị Vương đề xuất một số giải pháp như: 10 dự án nằm trong Chương trình này cần được xây dựng theo từng giai đoạn ngắn, không nên quá dài, vì tình hình thực tế luôn thay đổi theo từng ngày, khi xây dựng trong thời gian dài sẽ không còn phù hợp, lỗi thời. Tất cả 10 dự án này nên tích hợp và tập trung về một đầu mối, chỉ một Bộ làm chủ quản chứ không cần nhiều Bộ quản lý; khi ban hành chính sách, dự án cần đi đôi với cấp nguồn, nghị định ban hành cũng cần kết hợp với thông tư để triển khai kịp thời, đúng tiến độ.

Cùng với đó, cần chỉ đạo các địa phương phân rõ từng vùng, từng đối tượng, tránh tình trạng đánh đồng, đổ đều. Ranh giới giữa hộ nghèo và hộ cận nghèo mỏng manh, nên chính quyền cơ sở cần thực chất, xác định đúng đối tượng, tránh việc chồng chéo. Cán bộ làm việc cần phải có trách nhiệm, tận tâm, tận tình, không chạy theo thành tích; người dân cũng không ỷ lại, trông chờ vào chính sách hỗ trợ…

Ông Lò Văn Chiến, 80 tuổi, phường Đông Phong, thành phố Lai Châu cho biết: Bản thân ông là người con dân tộc Giáy sống ở vùng miền núi, thời gian qua ông thấy Đảng và Nhà nước rất quan tâm đến đồng bào ở đây với nhiều chính sách hỗ trợ. Đến nay, những chính sách này đã đi vào cuộc sống giúp người dân cải thiện cuộc sống. Có thể thấy rõ nét nhất trên 3 phương diện đường - trường - trạm. Đường giao thông được cứng hóa, thuận tiện đi lại cho bà con, mở hướng phát triển kinh tế; trường học được xây dựng khang trang, các cháu học sinh ra lớp đầy đủ và theo đúng độ tuổi; công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân được nâng lên…

Theo ông Lò Văn Chiến, Chương trình mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 rất thiết thực và cần được triển khai sâu rộng ở các vùng khó khăn. Tuy nhiên, Quốc hội cần xem xét, quan tâm, đầu tư xây dựng thêm đường giao thông nông thôn; công tác khám chữa bệnh tại cơ sở cần được đầu tư hệ thống máy móc, thiết bị hiện đại để người dân thuận tiện khám, chữa bệnh và góp phần giảm tải cho bệnh viện tuyến trên. Đặc biệt hiện nay, vấn đề nước sinh hoạt hợp vệ sinh của người dân bị thiếu, mong cấp trên nghiên cứu đầu tư hệ thống nước; mở rộng thêm đối tượng vay vốn để phát triển sản xuất, không chỉ người nghèo, hộ cận nghèo mới đươc vay mà bất cứ ai cũng có thể vay khi có nhu cầu, như vậy kinh tế mới phát triển tổng thể… Vì vậy, ông Lò Văn Chiến mong rằng Quốc hội sẽ nghiên cứu, xem xét lại những ý kiến của cử tri để điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp và sớm thông qua Chương trình này.

Việt Hoàng - Đinh Thùy

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm