Cú hích phát triển kinh tế nông thôn miền núi

Cú hích phát triển kinh tế nông thôn miền núi

Dự án nuôi hàu thương phẩm, chế biến thực phẩm chức năng từ hàu tại tỉnh Bình Định, thuộc Chương trình Nông thôn miền núi của Bộ Khoa học và Công nghệ, được thực hiện trong 36 tháng (từ tháng 7/2011 đến tháng 6/2014), với tổng kinh phí khoảng 10 tỷ đồng. Trước khi triển khai dự án, người dân địa phương chủ yếu nuôi hàu từ nguồn giống tự nhiên, khiến tỷ lệ hàu bị chết cao, lượng thịt ít và gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến các lứa nuôi sau. Dự án nuôi hàu thương phẩm đã áp dụng mô hình sản xuất giống nhân tạo, quy trình lựa chọn, xử lý hàu vỏ sang hàu thịt; bảo quản, vận chuyển hàu thương phẩm trước khi chế biến. Nhờ đó, năng suất nuôi của người dân đã tăng từ 3,2 tấn/hécta/năm lên 25 tấn/hécta/năm, chất lượng hàu cải thiện, giá bán tăng hơn 30% so với hàu tự nhiên. 

Các sản phẩm ứng dụng khoa học công nghệ thành công của Chương trình nông thôn miền núi - Bộ KHCN.JPG

Các sản phẩm ứng dụng khoa học công nghệ thành công của Chương trình nông thôn miền núi - Bộ KHCN

Qua 15 năm triển khai, Chương trình Nông thôn miền núi của Bộ Khoa học và Công nghệ đã thực hiện 845 dự án tại 62 tỉnh, thành phố. Tuy nhiên, số dự án ở địa bàn dân tộc thiểu số và hải đảo còn ít (chiếm chưa đến 10% tổng số dự án). Trong đó, đã thực hiện ứng dụng và chuyển giao có hiệu quả trên 4.800 công nghệ và hơn 2.500 mô hình về ứng dụng công nghệ.

 

Tuy chương trình đã thu được nhiều kết quả khả quan, nhưng do đầu tư của ngân sách cho khoa học công nghệ còn hạn chế, các dự án vẫn dàn trải nên chưa thể nhân rộng có hiệu quả. Tại Bắc Giang, chương trình này đã thực hiện 17 dự án tại các xã miền núi, với số vốn 96 tỷ đồng. Trong đó, hơn 50 tỷ đồng là đóng góp của doanh nghiệp và người dân. Bình quân mỗi dự án chỉ nhận được khoảng 2 tỷ đồng từ ngân sách Nhà nước. Vì vậy, địa phương vẫn chưa thể phát huy tiềm năng các sản phẩm của mình. 

Ông Nguyễn Đức Kiên, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bắc Giang, kiến nghị:

- Nếu các chương trình khác cũng hiệu quả như chương trình nông thôn miền núi này thì sẽ tác động rất lớn đến việc xóa đói giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới. Hiện, chúng tôi vẫn băn khoăn một chút, đó là quy mô của một dự án vẫn còn nhỏ. Vì vậy, chúng tôi kiến nghị cần tập trung nguồn lực, làm nhiệm vụ nào thì phải thành sản phẩm mới được. Cái chúng tôi quan tâm nhất là việc nhân rộng.

Các chế phẩm sinh học như phân bón, chế phẩm xử lý môi trường chăn nuôi của Công ty cổ phần Công nghệ sinh học Fitohoocmon.JPG

Phân bón, chế phẩm xử lý môi trường chăn nuôi của Công ty cổ phần Công nghệ sinh học

Theo Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân, cần phải sử dụng hiệu quả nguồn kinh phí hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước hàng năm khoảng 80 - 90 triệu đô la Mỹ cho lĩnh vực nông nghiệp trên toàn quốc. Đồng thời, thực hiện cơ chế đặt hàng và liên kết giữa doanh nghiệp với các tổ chức khoa học và công nghệ để có địa chỉ ứng dụng. Cơ quan đề xuất đặt hàng phải chịu trách nhiệm nhân rộng kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ. Ngoài ra, cũng cần có những chính sách huy động nguồn vốn đầu tư của doanh nghiệp thực hiện các nhiệm vụ khoa học công nghệ. 

Trong 10 năm tới, Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ định hướng chương trình phục vụ chương trình nông thôn mới. Qua thời gian thực hiện, chương trình đã khẳng định nơi nào thực hiện được các dự án nông thôn miền núi, thì nơi đó sớm đạt được các tiêu chí cần thiết của nông thôn mới và khẳng định được vị thế nông thôn mới của mình. Hai là hỗ trợ cho đồng bào vùng dân tộc thiểu số để nâng cao đời sống và đảm bảo an ninh quốc phòng. Cuối cùng là định hướng tập trung vào một số sản phẩm quốc gia như lúa gạo Việt Nam chất lượng cao, cá da trơn và sản phẩm nấm ăn, nấm dược liệu.

 

Từ năm 2016 đến năm 2025, Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ để khai thác hiệu quả các lợi thế và điều kiện đặc thù của từng vùng, nhất là khu vực nông thôn, miền núi và vùng dân tộc thiểu số. Đồng thời, xây dựng các mô hình ứng dụng, chuyển giao tiến bộ công nghệ để nhân rộng vào thực tiễn; thúc đẩy hình thành mối liên kết theo chuỗi giá trị có hiệu quả cao, mà hạt nhân là các doanh nghiệp, để ứng dụng nhanh các thành tựu khoa học công nghệ vào sản xuất.

Theo VOV4

Có thể bạn quan tâm