COVID-19 gây nguy cơ đông máu cao hơn việc tiêm chủng

Tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người cao tuổi tại Tokyo, Nhật Bản. Ảnh: Kyodo/TTXVN
Tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người cao tuổi tại Tokyo, Nhật Bản. Ảnh: Kyodo/TTXVN

Bệnh nhân mắc COVID-19 phải đối mặt với nguy cơ bị đông máu cao hơn nhiều so với những người đã được tiêm vaccine ngừa COVID-19 của Đại học Oxford/AstraZeneca hay Pfizer/BioNTech. Đây là kết luận được đưa ra trong nghiên cứu đã được đồng đánh giá vừa được công bố ngày 27/8 trên Tạp chí Y khoa Anh.

Theo nghiên cứu, các chuyên gia đến từ Đại học Oxford, Trường Vệ sinh và Y học nhiệt đới London cùng một số trường đại học lớn khác và bệnh viện của Anh đã phân tích dữ liệu từ hơn 29 triệu người đã tiêm mũi vaccine đầu tiên của Đại học Oxford/AstraZeneca hoặc của Pfizer/BioNTech. Nghiên cứu cũng phân tích hồ sơ sức khỏe điện tử được thu thập thường xuyên để đánh giá nguy cơ nhập viện vì cục máu đông và số lượng tiểu cầu thấp trong vòng 28 ngày kể từ ngày nhiễm virus SARS-CoV-2 hoặc tiêm chủng. Dữ liệu được sử dụng trong nghiên cứu được thu thập trên khắp nước Anh trong khoảng thời gian từ ngày 1/12/2020 đến ngày 24/4 năm nay. Các tác giả của nghiên cứu hoàn toàn độc lập với các nhà phát triển vaccine của Đại học Oxford/AstraZeneca.

COVID-19 gây nguy cơ đông máu cao hơn việc tiêm chủng ảnh 1Tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người cao tuổi tại Tokyo, Nhật Bản. Ảnh: Kyodo/TTXVN

Các nhà khoa học đã xem xét tỷ lệ gặp phải hiện tượng đông máu và giảm tiểu cầu, đồng thời so sánh tỷ lệ hình thành cục máu đông sau tiêm vaccine mũi 1 với sau khi có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2. Họ nhận thấy rằng nguy cơ gặp các hiện tượng trên "cao hơn đáng kể" sau khi mắc COVID-19 so với sau khi tiêm vaccine của Đại học Oxford/AstraZeneca hoặc Pfizer/BioNTech.

Cụ thể, trong 8 đến 28 ngày sau khi tiêm mũi vaccine đầu tiên của Đại học Oxford/AstraZeneca, các nhà nghiên cứu đã xác định được nguy cơ gia tăng tác dụng phụ đông máu hiếm gặp và số lượng tiểu cầu thấp. Trong cùng khoảng thời gian sau khi tiêm mũi 1 vaccine của Pfizer/BioNTech, nghiên cứu cho thấy nguy cơ hình thành cục máu đông và đột quỵ do thiếu máu cục bộ tăng lên. Tuy nhiên, những rủi ro này thấp hơn đáng kể so với khi mắc COVID-19.

Các nhà nghiên cứu ước tính rằng 107 trong số 10 triệu người có nguy cơ nhập viện hoặc tử vong vì giảm tiểu cầu trong vòng 28 ngày sau khi tiêm mũi 1 vaccine của hãng Đại học Oxford/AstraZeneca. Ngược lại, con số này đã tăng lên 934 người trên 10 triệu người sau khi có kết quả xét nghiệm dương tính với COVID-19. Ngoài ra, trong vòng 28 ngày kể từ mũi vaccine đầu tiên của Đại học Oxford/AstraZeneca, cứ 10 triệu người lại có khoảng 66 trường hợp có nguy cơ nhập viện vì hình thành cục máu đông, trong khi tỷ lệ này ở những người có kết quả xét nghiệm dương tính là 12.614/10 triệu người. Mặt khác, nhóm nghiên cứu ước tính cứ 10 triệu người lại có khoảng 143 người có nguy cơ nhập viện hoặc tử vong vì đột quỵ do thiếu máu cục bộ trong vòng 28 ngày sau khi tiêm mũi 1 vaccine của Pfizer/BioNTech, trong khi con số này ở người mắc COVID-19 là 1.699 người. Nghiên cứu kết luận rằng nguy cơ cũng tăng lên trong một thời gian dài hơn sau khi nhiễm virus SARS-CoV-2 so với sau khi tiêm chủng.

Trước đó, một số nước trên thế giới đã từng quyết định tạm ngừng sử dụng vaccine của hãng AstraZeneca do lo ngại phản ứng phụ gây ra hiện tượng đông máu. Tuy nhiên sau đó, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã khuyến nghị các nước tiếp tục thực hiện chương trình tiêm vaccine ngừa COVID-19 của hãng AstraZeneca vì WHO nhận thấy các lợi ích của vaccine AstraZeneca lớn hơn các nguy cơ. Nhiều nước sau đó đã nối lại chương trình tiêm chủng bằng vaccine của AstraZeneca.

Phương Oanh



(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm