COVID-19 ảnh hưởng tới khả năng kiểm soát cảm xúc và trí nhớ

Mắc COVID-19 có thể khiến kích thước não giảm, làm giảm chất xám ở những vùng kiểm soát cảm xúc và trí nhớ, đồng thời gây tổn thương những vùng kiểm soát khứu giác. Đây là kết quả nghiên cứu đã được thẩm định của Đại học Oxford công bố ngày 7/3 trên tạp chí Nature.

Các nhà nghiên cứu nhấn mạnh có bằng chứng rõ ràng chứng tỏ COVID-19 liên quan đến những bất thường ở não bộ, kể cả ở những người mắc bệnh nhưng không phải nhập viện. Ngay cả ở những ca bệnh nhẹ, người tham gia nghiên cứu tỏ ra “kém hơn về chức năng thực thi” liên quan đến khả năng tổ chức và tập trung, và kích thước não trung bình giảm từ 0,2% - 2%. Tuy nhiên, các nhà khoa học cần nghiên cứu thêm để xem liệu có thể đảo ngược một phần tác động nói trên hay ảnh hưởng của COVID-19 đối với sức khỏe bệnh nhân có kéo dài hay không.

Để rút ra kết luận trên, các nhà khoa học đã tiến hành nghiên cứu sự thay đổi não bộ của người bằng cách tiến hành 2 lần chụp não của 785 người trong độ tuổi từ 51-81. Có 401 người trong số này mắc COVID-19 giữa 2 lần chụp. Lần chụp thứ hai được thực hiện sau lần thứ nhất trung bình 141 ngày. Nghiên cứu được tiến hành khi biến thể Alpha đang phổ biến tại Anh, do đó không bao gồm cả những người nhiễm biến thể Delta.

Các nghiên cứu gần đây phát hiện một số người từng mắc COVID-19 gặp phải hội chứng sương mù não, bao gồm các triệu chứng kém tập trung, dễ bị phân tâm, tốc độ xử lý thông tin kém và trí nhớ giảm. Giới khoa học hiện không khẳng định liệu tiêm vaccine ngừa COVID-19 có tác động nào đến tình trạng này hay không. Tuy nhiên, tháng trước, Cơ quan An ninh Y tế Vương quốc Anh cho biết kết quả đánh giá 15 nghiên cứu cho thấy những người đã được tiêm chủng ít có nguy cơ gặp hội chứng "COVID-19 kéo dài" (Long COVID) hơn những người chưa được tiêm.

Nguyễn Hằng

Tin liên quan

Mối liên quan giữa COVID-19 và hội chứng suy giảm trí nhớ

Liệu có hay không mối liên quan giữa dịch COVID-19 và Hội chứng suy giảm trí nhớ Alzheimer? Nhiều nghiên cứu gần đây đã đưa ra nhận định một số triệu chứng thần kinh ở những người từng mắc COVID-19 rất giống với các dấu hiệu ban đầu của bệnh Alzheimer: các vấn đề về trí nhớ, khả năng tập trung và “sương mù não”. Mặc dù vậy, điều này vẫn đòi hỏi các nhà khoa học tiến hành thêm những nghiên cứu sâu hơn về vấn đề này.


Mối quan hệ giữa giấc ngủ và nhận thức

Một nghiên cứu của các nhà khoa học Anh mới đây phát hiện ngủ ít hơn 7 giờ hoặc nhiều hơn 9 giờ mỗi ngày có thể ảnh hưởng đến quá trình nhận thức của con người như trí nhớ thị giác và thời gian phản ứng.



Đề xuất