Công tác tuyên vận phát huy hiệu quả tích cực tại Lào Cai

Đảng viên là người Pa Dí (nhóm địa phương thuộc dân tộc Tày) ở xã Tung Chung Phố, huyện biên giới Mường Khương, tỉnh Lào Cai, xuống tận thôn bản tuyên truyền về Nghị quyết số 10 của Tỉnh uỷ về phát triển kinh tế cho đồng bào dân tộc thiểu số. Ảnh: Quốc Kh
Đảng viên là người Pa Dí (nhóm địa phương thuộc dân tộc Tày) ở xã Tung Chung Phố, huyện biên giới Mường Khương, tỉnh Lào Cai, xuống tận thôn bản tuyên truyền về Nghị quyết số 10 của Tỉnh uỷ về phát triển kinh tế cho đồng bào dân tộc thiểu số. Ảnh: Quốc Kh

Sau hơn 10 năm triển khai, Đề án thí điểm mô hình "Ban tuyên vận xã, phường, thị trấn; Tổ tuyên vận thôn, bản, tổ dân phố" và tiến hành thí điểm tại 35 xã trên địa bàn tỉnh Lào Cai (năm 2012) đã phát huy hiệu quả rõ rệt, qua đó đưa chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước tới người dân, góp phần thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương.

Công tác tuyên vận phát huy hiệu quả tích cực tại Lào Cai ảnh 1Đảng viên là người Pa Dí (nhóm địa phương thuộc dân tộc Tày) ở xã Tung Chung Phố, huyện biên giới Mường Khương, tỉnh Lào Cai, xuống tận thôn bản tuyên truyền về Nghị quyết số 10 của Tỉnh uỷ về phát triển kinh tế cho đồng bào dân tộc thiểu số. Ảnh: Quốc Khánh - TTXVN

Tạo sự đồng thuận từ cơ sở

Trước đây, cuộc sống người dân thôn Nậm Dù (xã Xuân Quang, huyện Bảo Thắng) chủ yếu phụ thuộc vào trồng cây ngô, cây lúa; dù vất vả nhưng cũng chỉ đủ ăn. Để nâng cao giá trị trên cùng diện tích canh tác, góp phần cải thiện thu nhập cho người dân Chi bộ thôn Nậm Dù tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, đưa những giống cây ăn quả, cây lâm nghiệp có giá trị vào nuôi trồng.

Bà Đỗ Thị Hòa, Trưởng thôn, Tổ phó Tổ tuyên vận thôn cho biết, mục tiêu là như vậy, nhưng những ngày đầu việc vận động bà con thực hiện chuyển đổi cây trồng vật nuôi gặp vô vàn khó khăn, bởi nếp nghĩ cách làm của bà con lâu nay đã quen với cây ngô, cây lúa; nhiều người băn khoăn liệu đưa cây trồng mới vào có hiệu quả… "Tổ tuyên vận thôn chúng tôi có 3 thành viên gồm đồng chí Bí thư Chi bộ làm tổ trưởng, Trưởng thôn làm tổ phó và Trưởng ban Công tác Mặt trận làm tổ viên, không kể ngày đêm đi đến từng nhà vận động. Cùng với đó, chúng tôi chủ trương các thành viên trong Tổ tuyên vận, đảng viên trong chi bộ tiên phong làm trước để bà con làm theo", bà Hòa chia sẻ. "Mưa dầm thấm lâu", những cố gắng của Tổ tuyên vận thôn Nậm Dù cũng cho kết quả, nhân dân trong thôn cũng dần hiểu ra và đồng thuận trong việc hưởng ứng chủ trương chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi, từng bước nâng cao thu nhập.

Hiện nay, thôn Nậm Dù có 153 hộ thì có trên 50% số hộ trồng cây ăn quả, trồng quế, chăn nuôi lợn theo mô hình trang trại… Thu nhập bình quân đầu người đạt 85 triệu đồng/người/năm; cả thôn chỉ còn 10 hộ nghèo theo tiêu chí mới.

Theo anh Đỗ Xuân Hải, Trưởng thôn Nậm Cút (xã Xuân Quang, huyện Bảo Thắng), để mở rộng tuyến đường giao thông thôn Nậm Cút dài 3,2 km từ 3 m lên 7 m, tổ tuyên tuyên vận của thôn đã rất nỗ lực để thuyết phục người dân địa phương. "Những ngày đầu đi vận động bà con, chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn vì hầu hết ai cũng nghĩ có đường là tốt rồi cần gì mở rộng thêm, chứ chưa nghĩ tới lợi ích lâu dài về sau này. Tổ tuyên vận thôn đã phân công từng đồng chí cùng với các đảng viên trong chi bộ đến từng nhà để phân tích cho bà con hiểu. Khi người dân đã đồng thuận, lại thấy nhiều cán bộ trong thôn tiên phong hiến đất mở rộng đường thì bà con đều nhất trí hiến đất vườn, rừng để làm đường. Cá biệt, có trường hợp như gia đình ông Nguyễn Xuân Kế đã hiến gần 1.000 m2 đất rừng để mở rộng đường…", anh Đỗ Xuân Hải cho biết thêm.

Xã Xuân Quang có trên 3300 hộ với hơn 13 nghìn khẩu; toàn xã có 11 dân tộc; đây là xã có dân số đông nhất huyện Bảo Thắng. Năm 2021, Xuân Quang đã về đích nông thôn mới nâng cao với tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí mới còn 7,11%, thu nhập bình quân đầu người đạt 65 triệu đồng/người/năm, giá trị sản xuất đạt 114 triệu/ha… Bí thư Đảng ủy Bàn Văn Dũng nhấn mạnh, để có được kết quả này bên cạnh sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị thì vai trò của Ban tuyên vận và các Tổ tuyên vận có vai trò hết sức quan trọng.

Phát huy kết quả đạt được, thời gian qua, Ban tuyên vận và các Tổ tuyên vận đã phối hợp với thôn tổ chức rà soát, hướng dẫn bà con chỉnh trang nhà ở, vệ sinh môi trường nông thôn, trồng hoa, đường điện dọc các tuyến đường giao thông… Từ đó, bộ mặt các thôn đã có sự thay đổi tích cực, các tiêu chí nông thôn mới được duy trì 19/19 tiêu chí, duy trì 18/19 thôn kiểu mẫu… Đến nay, toàn xã Xuân Quang đã có gần 48 km đường được trồng hoa, gần 64 km đường giao thông lắp điện thắp sáng", ông Bàn Văn Dũng thông tin thêm.

Nâng cao hiệu quả hoạt động tuyên vận

Theo ông Dương Đức Huy, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Lào Cai, vai trò của công tác tuyên vận trong hơn 10 năm qua là rất quan trọng, đóng góp tích cực vào các thành tựu phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng hệ thống chính trị, an ninh quốc phòng của tỉnh Lào Cai. Tuy nhiên, trong giai đoạn mới, hoạt động tuyên vận cũng cần phải có sự đổi mới, tạo động lực để Lào Cai vững vàng vượt qua khó khăn, thách thức hoàn thành thắng lợi, toàn diện các mục tiêu, nhiệm vụ nhiệm kỳ 2020-2025. Trong đó cần nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị-xã hội tại địa phương, các cơ quan đơn vị từ tỉnh đến cơ sở trong việc thực hiện công tác tuyên vận. Đồng thời, tiếp tục rà soát, bổ sung quy chế phân công thực hiện công tác tuyên vận bảo đảm sát với tình hình thực tế; tăng cường kiểm tra, giám sát đối với người đứng đầu các địa phương về thực hiện công tác tuyên vận, nhất là việc tổ chức hội nghị tuyên vận hàng tháng…

Để hoàn thành mục tiêu trên, Tỉnh ủy Lào Cai đã yêu cầu các cấp, các ngành cần xác định rõ công tác tuyên vận là nhiệm vụ thường xuyên của cả hệ thống chính trị. Từ đó, để công tác tuyên vận thực sự là cầu nối, là nơi triển khai, cụ thể hóa các chỉ thị, nghị quyết của Đảng ở cơ sở. Gắn kết, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, kịp thời xử lý các vấn đề mới, vấn đề khó, phát sinh từ cơ sở. Bên cạnh đó, cần nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ chuyên trách công tác tuyên vận; nâng cao chất lượng biên soạn tài liệu tuyên truyền bảo đảm có chọn lọc, nhất là các thông tin nổi bật, số liệu có tính tổng hợp khái quát, phù hợp với từng đối tượng tuyên truyền…

Có thể khẳng định, sau 10 năm đi vào hoạt động, các Ban tuyên vận, tổ tuyên vận đã phát huy tối đa hiệu quả trong công tác tuyên truyền, vận động. Sự ra đời của các Ban tuyên vận, tổ tuyên vận là khâu đột phá, cách làm mới, sáng tạo của tỉnh miền núi Lào Cai trong việc chuyển tải các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước… góp phần giúp tỉnh Lào Cai hoàn thành tốt các nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới quốc gia.

Hồng Ninh

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm