Công tác Dân vận của Đảng theo tư tưởng Hồ Chí Minh - Tự hào và trách nhiệm trên chặng đường mới ( Phần I)

Công tác Dân vận của Đảng theo tư tưởng Hồ Chí Minh - Tự hào và trách nhiệm trên chặng đường mới ( Phần I)

Nhân dịp kỷ niệm Kỷ niệm 91 năm Ngày truyền thống công tác Dân vận của Đảng (15/10/1930 - 15/10/2021); 22 năm Ngày Dân vận của cả nước (15/10/1999 - 15/10/2021), Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương Bùi Thị Minh Hoài đã có bài viết “Công tác Dân vận của Đảng theo tư tưởng Hồ Chí Minh - Tự hào và trách nhiệm trên chặng đường mới”.

Thông tấn xã Việt Nam trân trọng giới thiệu bài viết.


“Xuất phát từ nguyên lý của chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh: “Cách mạng là sự nghiệp của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân”, “Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”, Đảng gắn bó máu thịt với nhân dân là cội nguồn sức mạnh và truyền thống tốt đẹp của Đảng ta từ ngày thành lập đến nay. Tháng 10/1999, nhân kỷ niệm 50 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh viết tác phẩm “Dân vận”, Bộ Chính trị (khóa VIII) đã quyết định lấy ngày 15/10 làm Ngày truyền thống công tác Dân vận của Đảng và Ngày “Dân vận” của cả nước để đẩy mạnh việc học tập và thực hiện những lời dạy của Người về công tác dân vận.

Đồng hành cùng lịch sử cách mạng dân tộc, công tác dân vận luôn là một bộ phận quan trọng, có ý nghĩa chiến lược đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng. Trong mỗi giai đoạn, công tác dân vận có nội dung, phương thức khác nhau nhưng đều nhằm mục tiêu vận động tất cả các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia vào các phong trào cách mạng, thi đua yêu nước; tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc; củng cố và tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân, thực hiện thắng lợi các mục tiêu chung của Đảng, đất nước và dân tộc.

Kế thừa kinh nghiệm của cha ông trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước, vận dụng sáng tạo nguyên lý chủ nghĩa Mác-Lênin, ngay từ buổi đầu cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta nhận thức sâu sắc vai trò của quần chúng nhân dân trong lịch sử: “Dân là gốc của nước”, “cách mạng là sự nghiệp của quần chúng”. Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng đã xác định những nội dung cơ bản nhất của cách mạng Việt Nam, đáp ứng yêu cầu cấp thiết của dân tộc và nguyện vọng tha thiết của đại đa số nhân dân, đề ra sách lược thu hút, tập hợp rộng rãi các tầng lớp nhân dân làm thành lực lượng cách mạng đi theo lá cờ tiên phong của Đảng.

Ngay sau khi được thành lập, Đảng đã nhanh chóng tổ chức ra các đoàn thể cách mạng, hình thành bộ máy và cán bộ làm công tác dân vận. Từ tháng 10/1930, hệ thống Ban chuyên môn về các giới vận động của Đảng bao gồm: Công vận, Nông vận, Thanh vận, Phụ vận, Quân đội vận, Mặt trận phản đế được ra đời làm nhiệm vụ tổ chức, tập hợp lực lượng, giáo dục, vận động quần chúng nhân dân tham gia các phong trào cách mạng, đấu tranh chống áp bức, bất công, bóc lột, đòi dân sinh, dân chủ ở khắp mọi nơi.

Những cán bộ, đảng viên lớp đầu tiên của Đảng đã không quản gian lao, thực hiện chủ trương "vô sản hóa", tiến hành "ba cùng" với dân, tuyên truyền, giác ngộ nhân dân lao động và thành lập các tổ chức quần chúng đoàn kết xung quanh Đảng, tạo sức mạnh và động lực cho cách mạng theo tư tưởng của Bác Hồ: "Đem sức ta mà giải phóng cho ta". Trong những năm tháng khó khăn, gian khổ nhất khi chính quyền thực dân thi hành “khủng bố trắng” nhằm cắt đứt mối liên hệ giữa Đảng và quần chúng, cơ sở cách mạng, niềm tin yêu của nhân dân, sự hy sinh, che chở, bảo vệ của nhân dân đã làm nên sức mạnh giúp Đảng kiên cường đối mặt với mọi thách thức cam go, giữ vững được niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng và tương lai tươi sáng của cách mạng. Chỉ với vài nghìn đảng viên, Đảng đã tập hợp được mọi tầng lớp nhân dân, bao gồm cả nhân sĩ, trí thức, tư sản dân tộc và ngoại kiều, khơi dậy tinh thần yêu nước, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, tạo thành khí thế cách mạng sục sôi, làm nên thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám 1945, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám đã khẳng định tính đúng đắn của Cương lĩnh chính trị đầu tiên, là ngọn cờ đoàn kết, tập hợp đông đảo nhân dân, thắng lợi của chiến lược vận động quần chúng của Đảng.

Nước nhà giành được độc lập, sự nghiệp cách mạng đòi hỏi công tác vận động quần chúng của Đảng cần được tăng cường nhằm động viên tối đa sức người, sức của cho kháng chiến, kiến quốc. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết tác phẩm "Dân vận" đăng trên Báo Sự thật, ra ngày 15/10/1949. Bài báo có ý nghĩa vô cùng quan trọng, thể hiện xuyên suốt tư tưởng cách mạng là sự nghiệp của quần chúng: "Bao nhiêu lợi ích đều vì dân. Bao nhiêu quyền hạn đều của dân. Công việc đổi mới, xây dựng là trách nhiệm của dân… Nói tóm lại, quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân". Tác phẩm được coi là cẩm nang của công tác dân vận, chỉ dẫn đầy đủ, sâu sắc về mục đích, đối tượng, nhiệm vụ, phương pháp công tác dân vận đối với cán bộ, đảng viên, tổ chức chính quyền và các tổ chức đoàn thể trước yêu cầu của sự nghiệp cách mạng.

Trong những năm kháng chiến, xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, khối đại đoàn kết toàn dân tộc được mở rộng, thu hút thêm các đảng phái yêu nước, đồng bào yêu nước không đảng phái, không phân biệt giai cấp, tôn giáo, sắc tộc, xu hướng chính trị. Đảng đã tổ chức, rèn luyện và hình thành một đội ngũ cán bộ làm công tác dân vận luôn gắn bó máu thịt với nhân dân ở khắp mọi miền của đất nước. Nhiều cán bộ, chiến sĩ đã chịu đựng hy sinh gian khổ, kiên cường bám dân để thực hiện xuất sắc nhiệm vụ Đảng giao cho. Nhân dân tin tưởng, chở che, sẵn sàng hy sinh bảo vệ cán bộ như con em trong gia đình.

Trong những năm tháng trường kỳ, gian lao đó, các phong trào thi đua yêu nước, tiêu biểu như: "Bám đất, giữ làng", "Một tấc không đi, một ly không dời", "Ba sẵn sàng", "Ba đảm đang", "Năm xung phong", "Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người"… nhanh chóng được các tầng lớp nhân dân hưởng ứng tích cực, tạo thành sức mạnh to lớn cho sự nghiệp kháng chiến kiến quốc. Hàng chục nghìn dân công hướng ra tiền tuyến vận tải lương thực, thực phẩm, vũ khí phục vụ các chiến dịch, đỉnh cao là thắng lợi của chiến dịch Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Hậu phương thi đua với tiền tuyến, miền Bắc trở thành hậu phương lớn chi viện sức người, sức của cho sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ ở miền Nam. Công tác dân vận đã phát huy mạnh mẽ sức người, sức của, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Bác Hồ với tấm lòng son sắt thủy chung, không gì lay chuyển được. Đó là động lực to lớn của cả dân tộc, làm nên đại thắng Mùa Xuân năm 1975.

Thắng lợi của hai cuộc kháng chiến chống thực dân và đế quốc là thắng lợi của đường lối mở rộng đại đoàn kết toàn dân tộc vì sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc. Đó là sự thành công của việc xây dựng lực lượng chính trị ngày càng rộng rãi trong mặt trận và các đoàn thể, trong lực lượng vũ trang theo tư tưởng Bác Hồ: “Vận động tất cả lực lượng của mỗi một người dân, không để sót một người dân nào, góp thành lực lượng toàn dân..."; phát huy cao nhất về lực lượng, trí tuệ và của cải tạo thành sức mạnh tổng hợp để hoàn thành nhiệm vụ giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.

Trước yêu cầu mới của sự nghiệp cách mạng, tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI (1986), với tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, Đảng đã khởi xướng sự nghiệp đổi mới với bốn nội dung "đổi mới chủ trương, đổi mới tổ chức, đổi mới cán bộ, đổi mới phong cách lãnh đạo và công tác"; trên cơ sở đó, giữ vững vai trò lãnh đạo của Đảng, đưa đất nước vượt qua khó khăn, phá thế bao vây cấm vận, tiếp tục phát triển. Đường lối đổi mới của Đảng thể hiện rõ ý Đảng hợp lòng dân, được nhân dân đồng tình, hưởng ứng.

Nhằm phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, tiến hành đổi mới toàn diện và đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Đảng tiếp tục đổi mới công tác dân vận. Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương khóa VI đã ban hành Nghị quyết số 08B-NQ/HNTW, ngày 27/3/1990 về "Đổi mới công tác quần chúng của Đảng, tăng cường mối quan hệ giữa Đảng và nhân dân" với 4 quan điểm chỉ đạo: Cách mạng là sự nghiệp của dân, do dân và vì dân; động lực thúc đẩy phong trào quần chúng là đáp ứng lợi ích thiết thực của nhân dân và kết hợp hài hòa các lợi ích, thống nhất quyền lợi với nghĩa vụ công dân; các hình thức tập hợp nhân dân phải đa dạng; công tác quần chúng là trách nhiệm của Đảng, Nhà nước và các đoàn thể. Nghị quyết 08B là bước chuyển kịp thời nhằm tăng cường mối quan hệ giữa Đảng với nhân dân trong tình hình mới, khắc phục tình trạng một bộ phận cán bộ, đảng viên quan liêu, mệnh lệnh, xa dân, chuyên quyền, độc đoán, thiếu gương mẫu, làm giảm nhiệt tình cách mạng, hạn chế việc phát huy khả năng to lớn của nhân dân trong công cuộc xây dựng đất nước. Tư tưởng này tiếp tục được Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (năm 1991) khẳng định: "Toàn bộ hoạt động của Đảng phải xuất phát từ lợi ích và nguyện vọng chính đáng của nhân dân. Sức mạnh của Đảng là ở sự gắn bó mật thiết với nhân dân".

Thực hiện Nghị quyết Đại hội VII đến Đại hội XII, Đảng đã ban hành hệ thống văn bản liên quan đến công tác dân vận: Về vận động các giới, giai tầng xã hội; phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; phát huy quyền làm chủ của nhân dân; quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị; tăng cường công tác dân vận của các cơ quan nhà nước và chính quyền các cấp; phát huy vai trò nhân dân tham gia góp ý, giám sát, phản biện góp phần xây dựng chính sách, pháp luật, xây dựng Đảng, hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; tăng cường mối quan hệ gắn bó giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân... Đặc biệt, Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) đã ban hành Nghị quyết 25-NQ/TW về "Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới" tiếp tục khẳng định vai trò hết sức quan trọng của công tác dân vận, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong hệ thống chính trị, tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân, đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng trong thời kỳ hội nhập, phát triển nhanh và bền vững đất nước. Có thể nói, đây là hệ thống những chủ trương, nhiệm vụ, giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo hết sức quan trọng đối với công tác dân vận trong tiến trình cách mạng của Đảng.

Với tinh thần tăng cường và đổi mới trong công tác dân vận, cả hệ thống chính trị đã hướng mạnh về cơ sở, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng chính đáng, hợp pháp của nhân dân, chăm lo toàn diện đời sống nhân dân; nâng cao ý thức, trách nhiệm tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, nhất là của người đứng đầu trước nhân dân. Nhà nước tăng cường thể chế hóa, cụ thể hóa các nội dung liên quan đến công tác dân vận, đến phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, thực hiện cơ chế "Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ" và phương châm "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra" thành các văn bản pháp luật và chỉ đạo tổ chức thực hiện. Qua đó, vừa phát huy tốt chế độ dân chủ đại diện, nâng cao chất lượng và hiệu lực hoạt động của các cơ quan nhà nước, chính quyền các cấp, vừa thực hiện tốt chế độ dân chủ trực tiếp ở cấp cơ sở để nhân dân bàn bạc và quyết định trực tiếp những công việc quan trọng, thiết thực, gắn liền với phát triển kinh tế - xã hội, tham gia xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.

Các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội tích cực đổi mới nội dung, phương thức vận động, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng và củng cố mối quan hệ gắn bó mật thiết giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân; động viên nhân dân tham gia các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh. Nội dung các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước được gắn với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Phong trào thi đua “Dân vận khéo” được phát động từ năm 2009, là một trong những dấu ấn đổi mới công tác dân vận, trở thành trọng tâm của phong trào thi đua yêu nước ngành Dân vận, được các cấp ủy, chính quyền và cả hệ thống chính trị tích cực hưởng ứng. Phong trào thi đua "Dân vận khéo" đã thúc đẩy nâng cao hiệu quả các phong trào thi đua của các cấp, ngành trên mọi lĩnh vực đời sống xã hội. Công tác dân vận đã góp phần rất quan trọng vào những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, tạo cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế của đất nước như ngày nay. (Còn nữa)

TTXVN

TTXVN

Có thể bạn quan tâm