
Đúc lưỡi cày được cho là khâu quan trọng nhất để cho ra những lưỡi cày tốt. Ảnh: baoyenbai.com
Về chất liệu, chỉ cần gõ vào lưỡi cày là biết lưỡi cày đó tốt hay bị pha sắt và có dễ bị gẫy hay không. Gõ lên phải có tiếng keng keng. Phải thật tinh để nghe: cuối lưỡi cày gõ vào có âm thanh trầm đục, giữa lưỡi cày tiếng gõ nghe phải thấy thanh hơn, thì mới là lưỡi cày tốt.
Theo lời kể của những thợ rèn vùng cao, người làm nghề đúc lưỡi cày phải có kinh nghiệm, có sự kiên trì, bền bỉ và cẩn thận trong từng công đoạn nhỏ. Ví dụ như nếu mom thổi làm không chuẩn, thì gang nung sẽ không chảy mà dễ bị đông lại. Than để nung lưỡi cày, cũng phải kén chọn. Đó là than làm bằng gỗ sến, vì than củi bình thường đun không thể cho đủ độ nóng để gang chảy được. Than gỗ sến sẽ cháy bền mà không thành tro. Khi đun xong, hắt ra là than tắt ngay và có thể dùng lại đựơc từ 2 đến 3 lần, cho đến khi bay hết hơi nóng, chỉ còn lại những mảnh than vụn li ti. Tính ra khoảng 5kg than gỗ sến như thế mới đủ nhiệt nung đựoc một cái lưỡi cày. Để làm ra một lưỡi cày, hết khoảng 5kg gang nữa. Gang này đựơc thu góp từ các loại cày, cuốc, dao cũ của bà con.
Đồng bào Mông coi chiếc lưỡi cày như người bạn thân thiết và có cách ứng xử với chiếc lưỡi cày khá đặc biệt. Đặc biệt là ngày tết. Với quan niệm vạn vật có linh hồn, nên khi Tết đến, con người được nghỉ ngơi, thì nhiều vật dụng, trong đó có chiếc lưỡi cày cũng được bà con cho nghỉ ngơi. Khi đó họ lấy miếng giấy, dán lên lưỡi cày, để dưới bàn thờ và thắp hương cúng như cúng tổ tiên. Sau khi nghỉ Tết, ra giêng, chiếc lưỡi cày lại đồng hành cùng người nông dân lên nương, làm rẫy, cùng với bàn tay nhỏ bé của người nông dân vùng cao, làm nên những “Mùa vàng trên non”, hung vĩ mà thơ mộng, như nhiều bạn có dịp trải nghiệm tại huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái những ngày này.

Chiếc cày giúp người Mông tăng hiệu suất lao động. Ảnh:baoyenbai.com
Còn với những chiếc lưỡi cày bị gãy trong quá trình sản xuất, bà con thường đem đi đổi lấy cái mới, nhưng nhà nào cũng giữ lại trong nhà từ 1 đến hai chiếc. Để làm gì? Bạn Vàng Seo Tỉn, đang học tại Học viện báo chí tuyên truyền, giải thích: Mỗi gia đình giữ lại một đến hai chiếc. Chôn nó xuống dưới chân bàn thờ và chôn nó ở trước nhà. Mũi lưỡi cày hướng lên trời. Để hàng ngày mọi người trong gia đình đều được nhìn thấy cái lưỡi cày đó để tri ân nó.
Xã hội ngày càng phát triển. Những nông cụ thô sơ phục vụ cho sản xuất như lưỡi cày, lưỡi bừa, liềm gặt lúa… đã dần dần đựơc thay thế bằng nhiều loại máy móc hiện đại như máy cày, máy bừa, máy gặt đập lúa…. Tuy nhiên, những máy móc hiện đại đó chỉ phù hợp với vùng đồng bằng và những miền đất ruộng, nương bằng phẳng và rộng lớn. Còn đối với vùng miền núi, nương dốc, ruộng cao, bà con canh tác ruộng bậc thang, thì những nông cụ thô sơ như chiếc lưỡi cày, vẫn không thể thay thế đựơc.
Nếu dịp này tham gia tuần văn hóa du lịch “Mùa vàng trên non” và có dịp đến phiên chợ vùng cao, gặp một vài hàng bán lưỡi cày, bạn hãy dừng lại một vài phút. Biết đâu, bạn sẽ nhận được những điều giản dị nhưng thật sâu sắc từ những nông cụ có phần thô sơ và rất giản đơn đó!