Công nghệ định hướng tia sét bằng laser giúp ngăn chặn cháy rừng

Ngày 12/11, một nhóm các nhà khoa học quốc tế khẳng định những bút laser nhỏ, xách tay hoàn toàn có thể được sử dụng để định hướng những tia sét và giúp ngăn chặn các đám cháy rừng do sét đánh.

Tia Laser ông có thể làm đoản mạch đám mây gây ra sét. Ảnh : dientungaynay.vn
Tia Laser ông có thể làm đoản mạch đám mây gây ra sét. Ảnh : dientungaynay.vn

Đây là kết quả của nghiên cứu do các nhà khoa học thuộc Đại học New South Wales tại Canberra, Australia, và Đại học Quốc gia Australia (ANU) phối hợp thực hiện. Đồng tác giả nghiên cứu, giáo sư Andrey Miroshnichenko tại Đại học New South Wales, cho biết nhóm nghiên cứu đã chứng minh rằng các đám mây giông có thể bị "đoản mạch" bằng cách sử dụng một tia laser rỗng - có hình ống - để dẫn các hạt nguyên tử vào những đám mây này và hút các tia sét.

Theo giáo sư Miroshnichenko, trong các thí nghiệm, nhóm nghiên cứu đã thành công khi sử dụng một máy bắn (tractor beam) laser để định hướng một tia lửa điện đến những mục tiêu cụ thể. Trước đây, để thực hiện việc này, người ta thường sử dụng những loại laser mạnh, có thể gây nguy hiểm, tốn kém và thiếu chính xác. Tuy nhiên, nghiên cứu mới cho thấy những công cụ laser cầm tay cỡ nhỏ cũng có thể áp dụng trong lĩnh vực này vào thập kỷ tới. Bằng cách sử dụng một máy bắn tia laser rỗng, các hạt bụi siêu nhỏ trong không khí có thể bị đốt nóng và được dẫn tới một điểm cụ thể, kích thích quá trình phóng điện.

Giáo sư Moroshnichenko cho biết mặc dù chưa được kiểm chứng bên ngoài phòng thí nghiệm, song công nghệ này có thể được ứng dụng nhằm kiểm soát các tia sét khô, được cho là nguyên nhân gây ra hàng loạt vụ cháy lớn, trong đó có các vụ cháy rừng ở Australia và khu vực miền Tây nước Mỹ trong vài năm qua.

Nhà nghiên cứu Vladen Shvedov, Khoa Vật lí tại ANU, cho biết trong tương lai, công nghệ này có thể kích thích sự phóng điện từ các tia sét, giúp định hướng các tia sét tới những mục tiêu an toàn và làm giảm nguy cơ gây ra các vụ cháy thảm khốc.

Nghiên cứu, được công bố trên tạp chí Nature Communications, cũng có sự tham gia của các nhà khoa học đến từ Đại học Texas A&M (Qatar) và Đại học California (Mỹ).


Minh Tuấn

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm