Công đoàn cần phát huy vai trò đại diện lao động và giải quyết tranh chấp lao động

Công đoàn cần phát huy vai trò đại diện lao động và giải quyết tranh chấp lao động
Hội thảo “Vai trò của đại diện lao động và giải quyết tranh chấp lao động - thực trạng và giải pháp” là diễn đàn để các nhà khoa học, chuyên gia, các cơ quan chức năng trong và ngoài nước trao đổi, thảo luận, đề xuất những giải pháp hiệu quả liên quan đến tổ chức và hoạt động của đại diện người lao động Việt Nam, nhất là khi Việt Nam ký kết gia nhập Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA).
Quang cảnh Hội thảo. Ảnh: Thanh Vũ - TTXVN
Quang cảnh Hội thảo. Ảnh: Thanh Vũ - TTXVN
 
​Phát biểu tại hội thảo, Tiến sĩ Lê Hải Đường, Phó Viện trưởng phụ trách Viện nghiên cứu lập pháp nhấn mạnh, việc ký kết gia nhập các hiệp định thế hệ mới này sẽ tác động trực tiếp tích cực đến nền kinh tế Việt Nam, thúc đẩy tiến bộ xã hội, đẩy mạnh công bằng, dân chủ, góp phần quan trọng trong tiến trình tự do hóa thương mại trong khu vực và trên thế giới.

Tuy nhiên, Việt Nam cũng phải đối diện với nhiều thách thức lớn, trong đó việc điều chỉnh hành lang pháp lý, khuôn khổ thể chế và các quy định pháp luật hiện hành theo đúng các cam kết của quốc gia thành viên Hiệp định.

Việt Nam đã và đang trong tiến trình sửa đổi, hoàn thiện pháp luật cho phù hợp các cam kết, tăng cường các thiết chế đảm bảo thực hiện hiệu quả việc xóa bỏ lao động cưỡng bức, lao động trẻ em, xóa bỏ phân biệt đối xử trong lao động.

Bên cạnh đó, mở rộng và đa dạng hóa các hình thức đại diện cho người lao động, không để tình trạng người sử dụng lao động can thiệp, tác động, gây ảnh hưởng đến hiệu quả đại diện, bảo vệ người lao động, đảm bảo đúng bản chất của tổ chức Công đoàn, tổ chức đại diện của người lao động.
 
Theo Tiến sĩ Lê Hải Đường, một trong những điều kiện để Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU được thông qua là Việt Nam phải phê chuẩn các công ước của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) về quyền của người lao động.

Chính vì thế, đây vừa là lợi thế và cũng là thách thức đối với tổ chức Công đoàn Việt Nam để tự khẳng định mình trong việc thực hiện vai trò đại diện người lao động, nhất là lao động ở khu vực kinh tế tư nhân và có vốn đầu tư nước ngoài trong thời gian tới.
Tiến sĩ Lê Hải Đường, Phó Viện trưởng phụ trách Viện nghiên cứu lập pháp, phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: Thanh Vũ - TTXVN
Tiến sĩ Lê Hải Đường, Phó Viện trưởng phụ trách Viện nghiên cứu lập pháp, phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: Thanh Vũ - TTXVN
 
Ông Lê Đình Quảng, Phó Trưởng ban Quan hệ lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho rằng, Việt Nam cần cân nhắc, sử dụng tối đa lợi thế các cam kết mà Việt Nam đã thương lượng thành công trong Hiệp định thương mại tự do (FTA) để chủ động hơn về lộ trình, cách thức và nội dung thực hiện. Đồng thời, tiếp tục sử dụng mô hình tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp theo thỏa thuận song phương Việt Nam - Hoa Kỳ, đã được hai bên bàn bạc, thảo luận kỹ có sự tham gia của ILO, kết hợp sự linh hoạt của CPTPP.
 
Cũng theo ông Lê Đình Quảng, việc quy định về tổ chức và hoạt động của “tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp” trong Bộ luật Lao động sửa đổi phải bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng đối với tổ chức người lao động tại doanh nghiệp.

Cùng với đó, tăng cường quản lý có hiệu quả hoạt động của tổ chức người lao động; tạo điều kiện cho tổ chức này hoạt động thuận lợi, lành mạnh theo đúng pháp luật, phù hợp với các nguyên tắc của ILO, đồng thời giữ vững ổn định chính trị, xã hội...
 
Phát biểu tại hội thảo, bà Liliane Danso - Dahmmen, Giám đốc Văn phòng Quỹ Rosa Luxemburg khu vực Đông Nam Á đánh giá cao việc đưa ra thảo luận hai vấn đề lớn về đại diện lao động và giải quyết tranh chấp lao động.

Qua hội thảo, các cơ quan chức năng trong và ngoài nước tiếp thu các ý kiến đóng góp; đồng thời, cung cấp thêm thông tin để người lao động và người sử dụng lao động định hướng, chuẩn bị cho quá trình thực thi Bộ luật Lao động sửa đổi sau này.
 
Bà Liliane Danso - Dahmmen cho rằng, Việt Nam ký kết gia nhập các hiệp định thế hệ mới sẽ thúc đẩy quyền của người lao động, không phân biệt thành phần nam nữ, tôn giáo. Đồng thời, góp phần đưa Bộ luật Lao động Việt Nam hướng đến xây dựng xã hội bình đẳng, công bằng, văn minh.
Bà Liliane Danso - Dahmmen, Giám đốc văn phòng Quỹ Rosa Luxemburg khu vực Đông Nam Á, phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: Thanh Vũ - TTXVN
Bà Liliane Danso - Dahmmen, Giám đốc văn phòng Quỹ Rosa Luxemburg khu vực Đông Nam Á, phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: Thanh Vũ - TTXVN
 
Cũng tại hội thảo, các đại biểu đã thảo luận các vấn đề sửa đổi, bổ sung lớn về các nội dung liên quan đến việc đại diện lao động và giải quyết tranh chấp lao động. Bên cạnh đó, thống nhất về quan điểm, định hướng tổng thể sửa đổi, bổ sung phải bảo đảm pháp luật về lao động phù hợp hơn với các quy luật của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, thúc đẩy quan hệ lao động phát triển lành mạnh, ổn định, đáp ứng các yêu cầu của quá trình hội quốc tế sâu rộng của Việt Nam./. 
 Thanh Vũ
Báo ảnh Dân tộc và Miền núi/TTXVN

Có thể bạn quan tâm