Công bố Báo cáo tổng quan nông nghiệp số Việt Nam 2021

Ứng dụng chuyển đổi số là yêu cầu cấp thiết để ngành nông nghiệp phát triển và tăng trưởng ổn định. Nguồn: nghenong.com
Ứng dụng chuyển đổi số là yêu cầu cấp thiết để ngành nông nghiệp phát triển và tăng trưởng ổn định. Nguồn: nghenong.com

Ngày 7/7, tại Hà Nội, Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam (VIDA) tổ chức Lễ công bố Báo cáo tổng quan nông nghiệp số Việt Nam.

Tại Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 3/6/2020, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt "Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030", theo đó nông nghiệp được xác định là một trong những ngành ưu tiên chuyển đổi số. Ngành nông nghiệp cần tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu, triển khai đồng bộ nhằm đạt hiệu quả các giải pháp chuyển đổi số và phát triển bền vững trong thời gian tới.

Ông Nguyễn Hoàng Anh, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam cho biết: Thông qua sự định hướng của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam đã xây dựng "Báo cáo tổng quan nông nghiệp số Việt Nam năm 2021". Đây là bản báo cáo đầu tiên về chuyển đổi số nông nghiệp, mục tiêu sẽ là ấn bản thường niên với nội dung cung cấp các thông tin, kiến thức về chuyển đổi số cũng như đánh giá thực trạng quá trình ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số để thúc đẩy sự đi lên của toàn ngành nông nghiệp.

Khẳng định Báo cáo là một cẩm nang hữu ích dành cho nông dân, doanh nghiệp trước khi bắt đầu bước vào công cuộc chuyển đổi số, Tiến sĩ Nguyễn Đức Tùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam nhấn mạnh, Báo cáo được trình bày mạch lạc, rõ ràng, trực quan, để có thể "xem báo cáo" chứ không đơn thuần là bản tổng hợp số liệu với những kiến thức, con số nặng nề, khó hiểu.

Công bố Báo cáo tổng quan nông nghiệp số Việt Nam 2021 ảnh 1Ứng dụng chuyển đổi số là yêu cầu cấp thiết để ngành nông nghiệp phát triển và tăng trưởng ổn định. Nguồn: nghenong.com


Dựa trên việc đánh giá thực trạng, phác thảo tầm nhìn ngành nông nghiệp, Báo cáo đã xác định được khó khăn đặc trưng và điểm nghẽn chuyển đổi cũng như các mặt thực trạng, tác động công nghệ số và nhận định của doanh nghiệp về chính sách. Báo cáo cũng đưa ra những đề xuất, kiến nghị cụ thể, mang tính định hướng nhằm đẩy nhanh tốc độ chuyển đổi số để đạt hiệu quả cao, tiến tới nền nông nghiệp hiện đại, bền vững.

Điểm nổi bật trong Báo cáo là những khó khăn được nêu rõ và cụ thể hóa đối với từng ngành hàng, nhóm doanh nghiệp; đồng thời ghi nhận cả những điểm nghẽn trong quá trình chuyển đổi. Các mối quan tâm, vấn đề, sự ưu tiên của doanh nghiệp được thể hiện trong Báo cáo là cơ sở cho các nhà quản lý xem xét khi đặt trong kỳ vọng về tầm nhìn phát triển chung của toàn ngành, từ đó đưa ra các chiến lược phù hợp, những mô hình để tăng tốc quá trình chuyển đổi, tận dụng tối ưu vai trò của doanh nghiệp trong nền nông nghiệp Việt Nam.

Những phân tích trong Báo cáo cũng là nguồn tham khảo quan trọng trong quá trình nghiên cứu của các chuyên gia để đề xuất những bước đi cụ thể nhằm hỗ trợ quá trình chuyển đổi của cộng đồng doanh nghiệp, gắn kết với định hướng phát triển chung của toàn ngành nông nghiệp và mục tiêu chung "Chính phủ số - kinh tế số - xã hội số".

Trên cơ sở phân tích các khía cạnh: Định hướng phát triển nông nghiệp số Việt Nam, kinh nghiệm phát triển nông nghiệp số thành công của một số nước trên thế giới, thực tiễn chuyển đổi số của doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam kết hợp với thực trạng chung của chính sách và sự định hướng phát triển của cơ quan quản lý, Báo cáo đề xuất một số giải pháp, kiến nghị về vốn, công nghệ, lao động để bước đầu tháo gỡ khó khăn của doanh nghiệp trong quá trình chuyển đổi số.

Theo đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần xây dựng "Chương trình kế hoạch chuyển đổi số", trong đó chú trọng: Xây dựng cơ sở dữ liệu chung đồng nhất (phát triển Bản đồ nông nghiệp số Việt Nam); phát triển cơ sở hạ tầng với sự tham gia của nhiều bên; xây dựng chính sách hỗ trợ đầu tư vốn cho doanh nghiệp thực hiện tiến trình chuyển đổi số từ ngân sách nhà nước và các quỹ đầu tư; phát triển hệ thống đổi mới sáng tạo tập trung vào công nghệ mới nổi; thúc đẩy nhận thức thông qua truyền thông...

Bên cạnh đó, Báo cáo cũng nêu một số khuyến nghị như: Bổ sung chính sách về quản lý chất lượng chuyên biệt cho từng ngành hàng, tạo nền tảng cho sự định hướng nguồn vốn và phát triển công nghệ, xây dựng nguồn lao động...

Hiền Hạnh

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm