Cơ thể không sản sinh kháng thể chống SARS-CoV-2 sau khi nhiễm các chủng virus corona thông thường

Tuy virus SARS-CoV-2 là nguyên nhân gây ra các làn sóng dịch COVID-19 trên thế giới, nhưng đây không phải là chủng virus corona duy nhất có thể lây nhiễm giữa người với người.

Co the khong san sinh khang the chong SARS-CoV-2 sau khi nhiem cac chung virus corona thong thuong hinh anh 1 Hình ảnh quét qua kính hiển vi điện tử cho thấy tế bào (màu xanh) bị virus SARS-COV-2 (màu cam) xâm nhập, lấy từ mẫu bệnh phẩm của bệnh nhân COVID-19 tại Viện Nghiên cứu Dị ứng và Bệnh Truyền nhiễm Quốc gia, Mỹ ngày 31/3/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Khác với virus SARS-CoV-2, các chủng virus corona khác lây lan giữa người và người (gọi chung là HCoV) thường chỉ gây bệnh nhẹ. Theo một báo cáo được công bố trên tạp chí ACS Infectious Diseases ngày 14/4, các nhà khoa học đã nghiên cứu và rút ra kết luận rằng việc nhiễm hai HCoV khác nhau không giúp sản sinh kháng thể phản ứng chéo hiệu quả với virus SARS-CoV-2. Do đó, việc từng nhiễm HCoV không giúp bảo vệ cơ thể trước nguy cơ mắc COVID-19 hay gây ra hiện tượng tăng nặng bệnh lý phụ thuộc kháng thể (ADE) khi người bệnh dương tính với virus SARS-CoV-2.

Theo các nhà khoa học, virus SARS-CoV-2 và HCoV có chuỗi trình tự tương đồng, khiến giới chuyên gia phải đặt ra câu hỏi liệu hệ thống miễn dịch của người có nhận biết các chủng virus corona mới sau khi từng nhiễm HCoV. Điều này có thể kích hoạt lại các tế bào B bộ nhớ, khiến chúng tạo ra các kháng thể giúp bảo vệ cơ thể không bị nhiễm HCoV và cũng có thể giúp chống lại bệnh COVID-19. Mặt khác, nếu các kháng thể chống lại HCoV nhận diện được virus SARS-CoV-2 nhưng không đủ mạnh để tạo ra phản ứng miễn dịch, thì có thể dẫn đến ADE. Trong hiện tượng ADE hiếm gặp này, các kháng thể dưới mức tối ưu có thể giúp một số virus bám vào và xâm nhập vào tế bào, làm cho tình trạng bệnh trở nên trầm trọng hơn.

Để giải đáp câu hỏi trên, trong nghiên cứu mới này, các nhà khoa học đã so sánh sức mạnh và nồng độ của các kháng thể chống lại HCoV và SARS-CoV-2 trong huyết thanh của 9 bệnh nhân mắc COVID-19 đã hồi phục và trong 3 mẫu huyết thanh thu thập từ trước khi bùng phát đại dịch COVID-19.

Các nhà khoa học đã áp dụng một kỹ thuật đặc biệt, có thể đo được riêng rẽ hai yếu tố ái lực - liên kết giữa kháng thể và kháng nguyên và nồng độ kháng thể. Kết quả cho thấy cả 9 mẫu huyết thanh đều chứa một lượng tương đối các kháng thể có ái lực cao đối với virus SARS-CoV-2. Ngược lại, các huyết thanh thu thập từ thời kỳ trước đại dịch không chứa kháng thể có ái lực cao đủ để chống lại SARS-CoV-2. Cả 12 huyết thanh đều chứa lượng thấp các kháng thể ái lực cao chống lại hai HCoV phổ biến, là dấu hiệu cho thấy những người này từng nhiễm HCoV. Các thí nghiệm khác cũng cho thấy những kháng thể này không liên kết với SARS-CoV-2. Các nhà nghiên cứu cho biết, các kết quả cho thấy không có phản ứng chéo của các kháng thể chống lại các HCoV thông thường và SARS-CoV-2, do đó, phản ứng chéo kháng thể giữa các dòng virus corona không có tác dụng bảo vệ cơ thể.

Hoàng Châu

Tin liên quan

Những điều cần biết về khả năng tái nhiễm virus SARS-CoV-2

Số ca mắc COVID-19 vẫn ở mức cao tại Anh do dòng phụ BA.2 của biến thể Omicron lây lan mạnh. Nhiều người lần đầu tiên mắc COVID-19, song nhiều trường hợp cho biết họ nhiễm virus lần thứ hai hoặc lần thứ ba. Nhiều người cho rằng một lần mắc bệnh sẽ có miễn dịch lâu dài. Giới chuyên gia đã đưa ra một số lưu ý về cơ chế tái nhiễm virus gây bệnh COVID-19.


Các đột biến của virus SARS-CoV-2 có khả năng "lẩn trốn" tế bào T trên diện rộng

Lây nhiễm tự nhiên virus SARS-CoV-2 và tiêm vaccine ngừa COVID-19 đều tạo ra các kháng thể và tế bào T có khả năng "vô hiệu hóa" chủng virus này. Tuy nhiên, hiệu quả miễn dịch có được từ các phương thức trên có nguy cơ giảm sút do virus SARS-CoV-2 tiến hóa, dẫn tới xuất hiện những biến thể mới, như biến thể Omicron.


Thiết bị hỗ trợ khử virus SARS-CoV-2 trong không gian kín

Chuyên gia Narishma Chary Mandaji của Ấn Độ mới đây đã giới thiệu "Instashield", một thiết bị y tế sử dụng công nghệ làm suy giảm virus SARS-CoV-2 đã được Trung tâm Tế bào & Phân tử (CCMB) của Ấn Độ chấp thuận. Theo ông Chary, thiết bị này có thể vô hiệu hóa virus với hiệu quả lên đến 99,9% trong không gian kín, trong không khí và trên bề mặt.


Liệu pháp triển vọng ngăn chặn tình trạng mất khứu giác và vị giác ở người mắc COVID-19

Trong quá trình nghiên cứu công dụng làm giảm tải lượng virus của thuốc có tên gọi camostat mesylate ở bệnh nhân COVID-19, nhóm nghiên cứu trường Trường Y Yale của Mỹ đã bất ngờ phát hiện hiệu quả của loại thuốc này trong việc ngăn ngừa nguy cơ mất khứu giác và vị giác của người bệnh.



Đề xuất