Có một loài hoa "Tím miên man, dịu vợi đến nao lòng"

Có một loài hoa "Tím miên man, dịu vợi đến nao lòng"
Loài hoa bé nhỏ diệu kỳ

Còn nhớ, những năm trước đây, khi TGM chưa trở thành loài cây du lịch, mỗi chuyến công tác lên Cao nguyên đá Đồng Văn; tôi ngỡ ngàng trước vẻ đẹp của một loài hoa thân thảo mộc bé nhỏ, phơn phớt hồng, nó lần khuất, lặng lẽ vươn lên đầy sức sống giữa miền đá tai mèo sắc nhọn. Khung cảnh ấy, thật sự gợi nhiều ấn tượng về vẻ đẹp của một loài hoa nơi miền cực Bắc bởi ở giữa Cao nguyên đá xám hùng vĩ, nơi cây ngô phải nhọc nhằn mọc lên từ hốc đá, lại có một loài hoa nhỏ xinh vươn thẳng lên bầu trời khoe sắc.

Không chỉ vậy, vẻ đẹp còn ở sự biến hóa mờ ảo về mầu sắc rất đặc trưng theo thời gian: Khi mới nở, hoa có màu trắng, chuyển dần qua phớt hồng, ánh tím và cuối cùng là đỏ sẫm. Không ai nhớ rõ đã có bao nhiêu mùa hoa TGM trên Cao Nguyên đá, chỉ biết rằng loài hoa bé nhỏ, xinh đẹp này còn mang theo mình cả câu chuyện sự tích kỳ bí liên quan đến các nàng tiên trên trời.

Chuyện kể rằng, các nàng tiên Gạo, tiên Ngô đi gieo hạt khắp hạ giới, mày trấu, mày ngô không biết làm gì nên đổ vào khe núi. Khi mùa giáp hạt đến, hạt ngô, hạt lúa trong nhà đã cạn mà chưa đến vụ gieo trồng sau, người dân đi khắp núi rừng để tìm cái ăn, họ phát hiện trong các khe núi, một rừng hoa li ti trải dài, lá có hình tam giác, khi kết hạt đem về nấu ăn thì ngon như hạt ngô, hạt gạo. TGM được gọi tên từ đó và đến nay, sau mỗi mùa ngô, người dân trên Cao nguyên đá lại gieo trồng loại cây này, nó được chế biến thành các loại bánh hay dùng để nấu rượu.
 
Du khách mải mê khám phá vẻ đẹp hoa TGM trên Cao nguyên đá. Ảnh: HOÀI AN
Du khách mải mê khám phá vẻ đẹp hoa TGM trên Cao nguyên đá. Ảnh: HOÀI AN
Những năm gần đây, khi Cao nguyên đá Đồng Văn trở thành Công viên Địa chất toàn cầu, thu hút hàng trăm ngàn lượt du khách mỗi năm và các loại hình du lịch “bụi”, trải nghiệm, khám phá,... nở rộ, hoa TGM được nhiều du khách săn tìm; loài hoa nhỏ bé khoe khắc vào mỗi độ Thu về trên miền đá trở thành tâm điểm của truyền thông và lan tỏa mạnh mẽ trên các trang mạng xã hội, thật khó có mỹ từ nào có thể diễn tả được hết sức hút kỳ diệu của nó, chỉ biết bất kỳ ai cũng muốn một lần được đắm chìm, mải mê giữa mùa TGM.

Xây dựng hình ảnh TGM thành thương hiệu du lịch Hà Giang

Nhận thấy sức hút từ loài hoa diệu kỳ này, đồng thời cũng là tạo sinh kế cho người dân cùng tham gia phát triển du lịch, năm 2015, UBND tỉnh đã tổ chức Lễ hội hoa TGM lần thứ nhất với nhiều chương trình, hoạt động bên lề đặc sắc, ấn tượng, góp phần quảng bá hình ảnh về mảnh đất và con người nơi miền cực Bắc của Tổ quốc với bạn bè trong và ngoài nước.

Năm 2015, đã có trên 762.000 lượt du khách đến với Hà Giang, doanh thu từ ngành Du lịch đạt trên 700 tỷ đồng. Công suất sử dụng phòng nghỉ đạt gần 80% (Đặc biệt vào mùa Lễ hội hoa TGM đạt 100%). Tất cả các nhà nghỉ, cơ sở lưu trú của hai huyện Đồng Văn, Mèo Vạc và xe khách tuyến Hà Giang– Hà Nội đều kín chỗ và phải đặt trước ít nhất 1 tuần. Hoa TGM được ngành chức năng xác định là cây “du lịch”, là một hướng đi mới cho du lịch tỉnh nhà.

Với sức hút của hoa TGM, một số địa phương khác cũng đã gieo trồng thành công loại hoa này để phục vụ du khách, tuy nhiên, những ruộng hoa ở vùng đồng bằng như thế dần chìm vào quên lãng bởi có lẽ hoa TGM chỉ đẹp và khoe sắc kỳ diệu giữa miền đá núi tai mèo hùng vĩ.

Để mùa hoa TGM trở thành thương hiệu của du lịch Hà Giang, năm nay, Lễ hội Hoa TGM lần thứ hai sẽ được tổ chức vào trung tuần tháng 10 với nhiều nội dung ấn tượng, độc đáo, tái hiện nét đẹp và truyền thống văn hóa của đồng bào các dân tộc trên miền đá như: Chương trình nghệ thuật với chủ đề “Đá nở Hoa”; các hoạt động trải nghiệm sản phẩm từ hoa TGM; Lễ hội Đường phố trình diễn âm nhạc dân gian và sắc màu trang phục các dân tộc Hà Giang; trưng bày các sản phẩm văn hóa, nông nghiệp, du lịch các huyện, thành phố trong tỉnh.

Ngoài ra, các điểm du lịch, dừng chân được đầu tư thiết kế trồng hoa có điểm nhấn với các mô hình đa dạng, ấn tượng, ý nghĩa như: Bản đồ đất nước, Cột cờ Lũng Cú, khèn Mông, thung lũng hoa Sủng Là, suối hoa Pả Vi, Mã Pì Lèng, hoa cũng sẽ được trồng dọc Quốc lộ tại các xã Vần Chải, Sà Phìn, Sủng Là, Phố Cáo, Ma Lé, Lũng Cú, Lũng Cẩm (Đồng Văn) giúp du khách như có cảm giác lạc vào miền cổ tích với bạt ngàn hoa.

Bên cạnh đó, cơ sở vật chất, các dịch vụ du lịch, đảm bảo về ANTT, an toàn VSTP;... cũng được các địa phương thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ. Đặc biệt, đây là loài cây nông nghiệp không mang lại nhiều về lợi ích kinh tế vì năng suất thấp; vì vậy, ngoài việc hỗ trợ, khuyến khích người dân trồng hoa phục vụ du lịch thì các sản phẩm từ hoa TGM như bánh, rượu cũng được duy trì và phát triển để tăng thu nhập, tạo sinh kế mới cho người dân. Khách du lịch khi đến với Hà Giang cũng cần lắm một hành động đẹp là bảo vệ hoa, không giẫm lên cây khi chụp ảnh khiến nhiều đám hoa bị hỏng, ảnh hưởng đến thành quả lao động và tạo hình ảnh phản cảm trong mắt người dân.

Cao nguyên đá mùa nào cũng đẹp, nhưng vào thời điểm cuối Thu, khi nắng Thu vàng dát nhẹ trên dòng Nho Quế trong xanh và vỡ òa cảm xúc với bạt ngàn hoa Tam giác mạch có lẽ là không gian đẹp và hấp dẫn nhất. TGM như thêm một nét duyên trên miền núi đá tai mèo hùng vĩ, xin được kết thúc bài viết này bằng những câu thơ đẹp đang được cư dân mạng xã hội lan truyền mạnh mẽ trước thềm lễ hội:

“Hoa của đá, là Tam giác mạch/ Tím miên man, dịu vợi đến nao lòng/ Giữa cao nguyên, đá xám  khô cằn/ Chắt chiu hạt, miệt mài đơm hoa”.
Theo baohagiang.vn

Có thể bạn quan tâm