Cô giáo người Mông Giàng Thị Chá cõng con nhỏ, vượt núi đá đến với trẻ mầm non

Cô giáo người Mông Giàng Thị Chá cõng con nhỏ, vượt núi đá đến với trẻ mầm non
Cô Giàng Thị Chá (thứ hai từ phải qua) chia sẻ về nghề trong lễ tôn vinh. Ảnh: laodong.vn
Cô Giàng Thị Chá (thứ hai từ phải qua) chia sẻ về nghề trong lễ tôn vinh.
Ảnh: laodong.vn
Đi bộ 3-4 tiếng đến điểm trường

Sinh ra, lớn lên tại xã Pà Vầy Sủ, huyện Xín Mần, tỉnh Hà Giang - một xã biên giới khó khăn của huyện Xín Mần, với địa hình phức tạp, núi đá hiểm trở, Giàng Thị Chá từ nhỏ đã mơ ước trở thành cô giáo mang “cái chữ” về cho bản làng, cho quê hương. Vì vậy, dù phải đi bộ 25 km đến trung tâm huyện để học, Giàng Thị Chá cũng không ngại khó khăn.

Tuy nhiên, khi đang học lớp 8, một tai họa đã ập đến với gia đình, bố mất, mẹ đi cải tạo, Giàng Thị Chá bỏ học để nuôi em trai đang học lớp 6. Song được bạn bè, người thân, anh chị em và các thầy, cô giáo động viên, Chá đã cố gắng học hết lớp 12. Sau khi lập gia đình và sinh con, được gia đình nhà chồng khuyến khích, Giàng Thị Chá đã đi học lớp Mầm non cắm bản từ năm 2003 - 2005.

Tốt nghiệp, Giàng Thị Chá được phân công về Trường Tiểu học Pà Vầy Sủ, xã Pà Vầy Sủ, huyện Xín Mần. Nơi đây, đường giao thông đi lại đến các thôn bản hoàn toàn là đi bộ, điện không có. Khi đến nhận công tác tại Trường Tiểu học Pà Vầy Sủ, nhà trường phân công cô Chá dạy lớp mẫu giáo 3 - 5 tuổi tại thôn Seo Lử Thận, cách trung tâm xã 8 km đi bộ lên dốc theo con đường mòn lên núi.
 
Cô Giàng Thị Chá kể: những ngày đầu đến trường, tôi cõng theo con nhỏ 4 tuổi và dắt con lớn 6 tuổi, cùng đồ dùng cá nhân, thực phẩm trong một tuần, đi bộ mất 3-4 tiếng mới đến được trường. Tại điểm trường, cơ sở vật chất còn thiếu thốn, lớp học còn tạm bợ, phải học nhờ bên mái nhà của hộ gia đình với diện tích khoảng 12 mét vuông, mái nhà lợp bằng cỏ gianh, xung quanh rào bằng vách tre, mỗi khi mưa gió về là cô và trò không học được. Lớp học ở cách trung tâm thôn 1 km, đường đá gập ghềnh, khi mưa là các cháu phải nghỉ học.

Thương học trò đi học xa, lớp học không đảm bảo nên đầu năm 2006, cô Chá đã tham mưu với trưởng thôn bản vận động phụ huynh làm lớp học tại trung tâm thôn để thuận tiện hơn cho học sinh đến trường. Nhờ đó, sau kỳ nghỉ hè, các cháu đã có một lớp học đảm bảo an toàn hơn nhưng cũng chỉ là lớp học tạm, xung quanh rào bằng tre, mái nhà lập bằng cỏ gianh với diện tích khoảng 16 mét vuông.

Cô Chá chia sẻ: là lớp mẫu giáo đầu tiên được mở tại thôn, do vậy phụ huynh chưa quan tâm, có một số phụ huynh không muốn cho con đi học. Vì vậy, ngày đầu tiên đến lớp được 3 cháu. Cô phải đi đến từng gia đình để tuyên truyền, vận động các cháu đi học. Một số phụ huynh không đồng ý với lý do cháu còn nhỏ, nhà ở xa trường hoặc ở nhà trông em ... Ở đây, 100% các cháu là dân tộc Mông chưa hiểu được tiếng phổ thông. Cô nói gì, các cháu nói theo như thế. Ví dụ, cô nói “Con gì đây”, các cháu cũng nói theo “Con gì đây”. Tôi phải sử dụng song ngữ để dạy các cháu nói từng câu, từng chữ rồi lại phiên dịch để các cháu hiểu.

Tuy nhiên, những khó khăn trong quá trình chăm sóc, dạy dỗ học trò không “thấm” vào đâu so với những thử thách các thầy cô gặp phải trên đường đến trường. Bởi nơi đây cỏ dậm ngập đầu, núi đá cheo leo, chỉ có một lối đi và sợ nhất là đá lăn. Có khi đang đi gặp đá lăn, các thầy cô chỉ còn cách chạy thật nhanh để “thoát thân”, đi qua rồi mới biết mình còn sống. Trên con đường này, một thầy giáo đã bỏ mạng giữa đường vì đá lăn. Nghĩ về những điều đó, cô Giàng Thị Chá đôi lần muốn bỏ nghề. Nhưng trên hết, tình yêu nghề, yêu những đứa trẻ hồn nhiên thơ ngây, yêu quê hương đã níu kéo cô Chá ở lại và tiếp tục công tác tại xã Pà Vầy Sủ.

Thắp sáng ước mơ cho trẻ

Qua 14 năm công tác, cô Giàng Thị Chá luôn cảm thấy tự hào khi trở thành giáo viên mầm non, được dạy học trên quê hương mình. Đặc biệt hơn, cô đã góp phần thắp sáng ước mơ đến trường cho nhiều trẻ em nơi đây. Bản thân cô Chá là một tấm gương về tinh thần nỗ lực vươn lên trong học tập. Giàng Thị Chá đã thoát mình ra khỏi quan điểm lạc hậu “con gái chỉ cần lớn lên đi lấy chồng rồi sinh con, không cần học hành gì nhiều”.

Cô Chá tâm sự: nhìn từ hình ảnh của tôi mà nhiều học trò ở Pà Vầy Sủ đã có ý thức học hành, thoát ly cuộc sống tảo hôn, tốt nghiệp lớp 12 và đi học nghề. Đó là điều tôi thấy thật hạnh phúc.

Trong công tác giảng dạy, cô Chá thường sưu tầm các vật liệu tại địa phương mình làm đồ dùng, đồ chơi tự tạo để thu hút trẻ đến lớp. Cô dùng tre đan giỏ, dùng vải vụn may những bộ trang phục của dân tộc Mông, làm búp bê, làm những con thú cho trẻ chơi, dùng vỏ ngô làm củ hành, củ tỏi, dùng hạt bí, hạt đậu tương, hạt ngô, hạt gạo xếp tranh các bông hoa, con vật… cho trẻ chơi, trẻ học.

Ngoài việc dạy học sinh những kiến thức trong chương trình, cô Chá còn tăng cường lồng ghép giáo dục kỹ năng sống và văn hóa truyền thống của dân tộc Mông vào các tiết học như: Múa gậy đồng su, múa khèn, thổi khèn lá, thổi sáo, thêu thủ công, trải nghiệm làm bánh dày, cách nấu xôi ngũ sắc trong các ngày lễ hội…Bên cạnh đó, cô Chá còn dạy trẻ biết về trang phục của một số dân tộc trong huyện Xín Mần như: Mông, Nùng, Dao, Tày, La chí, Phủ lá...

Cô Giàng Thị Chá cho rằng: đối với giáo viên mầm non, sự kiên nhẫn và kiềm chế tốt là tố chất không thể thiếu. Bởi các bậc phụ huynh chăm sóc một, hai đứa trẻ đã rất vất vả, trong khi đó, công việc hằng ngày của giáo viên phải chăm sóc, dạy dỗ từ 25 đến 30 trẻ. Trẻ ở độ tuổi mầm non thường rất hiếu động, tinh nghịch, chưa biết điều chỉnh cảm xúc và tính cách thay đổi liên tục…Vì vậy, giáo viên không nên quát hay thể hiện sự tức giận trước trẻ vì trẻ sẽ dễ bắt chước theo.

Cô Chá cảm thấy may mắn khi là cô giáo người Mông, được dạy dỗ cho chính những đứa trẻ dân tộc mình nên phụ huynh rất tin tưởng, các cháu rất thích đi học. Yêu quý cô giáo, phụ huynh và học sinh thỉnh thoảng lại mang rau, mang bánh tặng cô – những món quà nhỏ bé nơi núi rừng nhưng cô Chá rất vui, trân trọng tình cảm ấy.

“Ngày qua ngày, tôi được sống hạnh phúc với những đứa trẻ hồn nhiên, trong sáng. Chính những đứa trẻ ấy đã làm cho tôi yêu đời và trẻ trung hơn. Đây là điều tuyệt vời công việc đã mang lại, khiến tôi ngày càng yêu nghề và say mê với nghề nghiệp mình đã chọn” – cô Chá bộc bạch.

Có rất nhiều thầy cô giáo đã rời xa quê hương, xa gia đình để mang cái chữ đến với vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đến với miền biên giới xa xôi. Với điều kiện khó khăn, khắc nghiệt, có lúc, các thầy cô cũng muốn bỏ về vì nhớ gia đình, nhớ quê hương, thương bố mẹ già đau ốm. Nhưng theo cô Chá, các thầy cô đều cần phải nỗ lực cố gắng vượt qua vì học sinh thân yêu, hoàn thành nhiệm vụ của mình để xứng đáng với tiếng gọi “thầy - cô”.

Hiện nay, đường đi lại ở xã Pà Vầy Sủ còn rất khó khăn, đặc biệt, có 2 điểm trường  chưa có điện. Vì vậy, nếu được ước một điều nhân dịp Tết đến Xuân về, cô Giàng Thị Chá mong Đảng, Nhà nước sẽ quan tâm, đầu tư, đưa điện về với bản làng để học sinh bớt thiệt thòi, các em được học tập trong điều kiện tốt hơn./.
Việt Hà
TTXVN

Có thể bạn quan tâm