Có đường giao thông kết nối, làng Đê Kôn chuyển mình

Có đường giao thông kết nối, làng Đê Kôn chuyển mình

Đê Kôn là ngôi làng nằm biệt lập giữa muôn trùng núi của xã H’ra, huyện Mang Yang (tỉnh Gia Lai). Chỉ khoảng 3 tháng trước, Đê Kôn gần như tách biệt với bên ngoài dù chỉ cách đường Quốc lộ 19 chừng 7 km. Giờ đây, làng đang dần chuyển mình…

Có đường giao thông kết nối, làng Đê Kôn chuyển mình ảnh 1Đường vào làng Đê Kôn, huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai khi còn đang trong quá trình hoàn thiện. Ảnh: Hồng Điệp - TTXVN

Để thuận lợi trong phát triển kinh tế - xã hội của mỗi địa phương, 4 yếu tố hạ tầng cần thiết là "điện - đường - trường - trạm". Với Đê Kôn, Nhà nước đã quan tâm kéo điện chiếu sáng về tận buôn làng, trường - trạm được đầu tư xây dựng bài bản. Tuy nhiên, qua bao năm, làng Đê Kôn vẫn cũ, đồng bào vẫn loay hoay tìm "đường hòa nhập" với nền kinh tế bên ngoài vì không có đường giao thông. Các sản phẩm nông nghiệp được xem là chủ lực của làng như bời lời, gừng, cà phê... sản xuất ra bị ép giá do việc vận chuyển ra ngoài quá khó khăn. Đặc biệt, việc học hành, thăm khám sức khỏe của người dân trong làng gặp vô vàn gian nan. Để thông thương ra bên ngoài, người dân Đê Kôn chỉ có thể di chuyển bằng phương tiện xe máy độ chế được cuốn xích sắt vào hai bánh hoặc đi bộ.

Nhằm "đánh thức" làng Đê Kôn, cuối năm 2022, tuyến đường dài 6,6 km (nối từ Quốc lộ 19 đến làng) đạt tiêu chuẩn đường giao thông nông thôn cấp B, với tổng kinh phí 34 tỷ đồng từ nguồn ngân sách tỉnh Gia Lai đã hoàn thành trong niềm vui sướng của bà con dân làng Đê Kôn và xã H’ra.

Là người thường xuyên di chuyển lên làng Đê Kôn để thu mua nông sản, anh Nguyễn Nót Son (thôn Phú Danh, xã H’ra) phấn khởi nói: "Có con đường mới này, giao thông thuận tiện lắm, bà con yên tâm đi lại. Tôi cũng như đồng bào ở đây rất vui mừng, phấn khởi. Đặc biệt, trẻ nhỏ đi học an toàn, thuận tiện hơn nhiều. Người đau ốm được vận chuyển cấp cứu kịp thời".

Con đường hoàn thành, người dân Đê Kôn vui nhất. Từ nay, họ không còn sợ những đợt mưa dầm kéo dài hàng tháng trời. Trẻ em không còn lấm lem bùn đất mỗi khi đến lớp. Bà con không còn vất vả mỗi khi thành viên trong làng đổ bệnh... Phấn khởi hơn, hàng hóa, nông sản của đồng bào làm ra đã thông thương được với bên ngoài. Anh Ngơu vui mừng cho biết: "Làng mình có con đường mới rồi, bà con vui mừng lắm. Nay đi làm thuận tiện lắm, trẻ con đi học thuận lợi hơn. Bà con cảm ơn Đảng, Nhà nước đã quan tâm, làm đường cho dân làng đi lại".

Hội tụ đủ 4 yếu tố hạ tầng "điện - đường - trường - trạm", làng Đê Kôn đang chuyển mình với những sản vật đặc trưng của địa phương. Người dân mạnh dạn chuyển đổi các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao, nhiều mô hình thâm canh hiệu quả cũng được chính quyền địa phương cùng bà con phối hợp triển khai thực hiện. Bây giờ, Đê Kôn không chỉ dựa vào mỗi cây bời lời để phát triển kinh tế mà nhiều vườn cây cà phê, dự án trồng cây dược liệu, gừng... đã được hình thành với những tín hiệu khả quan. Anh Kưn tự tin chia sẻ: "Bây giờ có con đường thông thoáng, dân làng chúng tôi sẽ tích cực làm ăn, phát triển kinh tế bằng nhiều loại cây như cà phê, gừng… Có con đường tốt như thế này, làng không chỉ cố gắng phát triển kinh tế hơn mà còn tuyên truyền đồng bào cho con em đi học, động viên các cháu cố gắng học hành".

Những ký ức buồn về một làng Đê Kôn biệt lập giữa núi rừng vẫn còn hằn sâu trong tâm trí của người dân ở đây. Việc thiếu đường giao thông kết nối không chỉ chia cắt nỗ lực vươn lên thoát nghèo của người dân Đê Kôn mà gián tiếp cướp đi bao sinh mạng vì không được cấp cứu kịp thời. Câu chuyện về cậu bé tại làng bị ong đốt rồi thiệt mạng vì không kịp đưa về xuôi cấp cứu đã khiến những người bao năm gắn bó với Đê Kôn như Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã H’ra Trần Thanh Tuấn trăn trở. Trăn trở vì bao năm Đê Kôn vẫn xa cách dù chỉ cách xã chừng hơn 6 km.

Giờ đường giao thông đã mở. Những chủ trương, chính sách phát triển chung của huyện Mang Yang đã kịp thời đến với dân làng để Đê Kôn vươn lên chuyển mình, hội nhập với sự phát triển chung nơi "cổng trời Mang Yang". Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã H’ra, huyện Mang Yang Trần Thanh Tuấn chia sẻ: Được Nhà nước quan tâm đầu tư mở đường, dân làng rất vui mừng. Khi có đường bê tông, việc vận chuyển hàng hóa, đi lại của bà con, học sinh đi học thuận tiện rất nhiều. Bây giờ, các mặt hàng nông sản của đồng bào làm ra sẽ bán được giá cao hơn, góp phần vào phát triển kinh tế, cải thiện đời sống. Con đường chính là động lực để người dân Đê Kôn phát triển kinh tế của làng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của vùng.

Làng Đê Kôn là một trong những làng đặc biệt khó khăn của xã H'ra (huyện Mang Yang), hiện có 54 hộ dân với gần 240 nhân khẩu là người dân tộc thiểu số Bahnar sinh sống, hộ nghèo chiếm đến 80%. Dù đã hội tụ các điều kiện để thúc đẩy phát triển kinh tế nhưng Đê Kôn có xuất phát điểm thấp, "hội nhập" chậm hơn các làng khác. Vì vậy, để Đê Kôn chuyển mình, vai trò của chính quyền huyện Mang Yang là rất quan trọng. Ông Lê Trọng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Mang Yang thông tin, để làng Đê Kôn phát triển hơn nữa, trong thời gian tới, chính quyền tiếp tục hỗ trợ bà con đẩy nhanh tiến độ xóa đói giảm nghèo. Từ các nguồn lực hỗ trợ như ba Chương trình mục tiêu quốc gia, đặc biệt là Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, Chương trình giảm nghèo bền vững, Chương trình nông thôn mới sẽ góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển. Địa phương sẽ mở rộng vùng sản xuất với các loại cây trồng có lợi thế như cây dược liệu, phát triển mô hình cây ăn trái để bà con có thu nhập cao hơn, từ đó thực hiện xóa đói giảm nghèo bền vững.

Quang Thái

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm