Cô đỡ thôn bản - cánh tay nối dài của ngành Y tế trong chăm sóc sức khỏe sinh sản ở vùng cao

Dù không được hưởng chế độ hỗ trợ, nhưng cô đỡ thôn bản Lý Minh Thương, ở bản Ma Ly Pho, xã Ma Ly Pho, huyện Phong Thổ vẫn miệt mài làm nhiệm vụ vì sức khoẻ dân bản. Ảnh: Đinh Thùy - TTXVN
Dù không được hưởng chế độ hỗ trợ, nhưng cô đỡ thôn bản Lý Minh Thương, ở bản Ma Ly Pho, xã Ma Ly Pho, huyện Phong Thổ vẫn miệt mài làm nhiệm vụ vì sức khoẻ dân bản. Ảnh: Đinh Thùy - TTXVN

Với sự hỗ trợ tích cực của đội ngũ cô đỡ thôn bản, công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản ở các bản vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, biên giới của tỉnh Lai Châu có nhiều chuyển biến tích cực. Tỷ lệ phụ nữ đến khám thai định kỳ, sinh con tại các cơ sở y tế ngày càng tăng, tỷ lệ sản phụ mắc tai biến sản khoa, tử vong mẹ và trẻ sơ sinh giảm đáng kể.

Cô đỡ thôn bản - cánh tay nối dài của ngành Y tế trong chăm sóc sức khỏe sinh sản ở vùng cao ảnh 1Dù không được hưởng chế độ hỗ trợ, nhưng cô đỡ thôn bản Lý Minh Thương, ở bản Ma Ly Pho, xã Ma Ly Pho, huyện Phong Thổ vẫn miệt mài làm nhiệm vụ vì sức khoẻ dân bản. Ảnh: Đinh Thùy - TTXVN

Cánh tay nối dài của ngành Y tế

Cô đỡ thôn bản được ví như cánh tay nối dài của ngành Y tế, luôn nỗ lực hết mình phục vụ công tác sức khỏe sinh sản tại cộng đồng.

Gần 10 năm gắn bó với công việc làm cô đỡ thôn bản, chị Lý Minh Thương (người Dao ở bản Ma Ly Pho, xã biên giới Ma Ly Pho, huyện Phong Thổ) hằng ngày, tranh thủ thời gian rảnh, rong ruổi trên chiếc xe máy tới các hộ để hỏi thăm sức khỏe phụ nữ mang thai, sản phụ sau sinh và tuyên truyền, hướng dẫn cách chăm sóc sức khỏe cho mẹ, bé.

Cô đỡ thôn bản - cánh tay nối dài của ngành Y tế trong chăm sóc sức khỏe sinh sản ở vùng cao ảnh 2Cô đỡ thôn bản Lý Minh Thương, dân tộc Dao ở bản Ma Ly Pho, xã biên giới xã Ma Ly Pho, huyện Phong Thổ làm cô đỡ thôn bản được gần 10 năm. Ảnh: Đinh Thùy-TTXVN

Chị Thương phấn khởi cho biết, toàn bản có 100% đồng bào dân tộc Dao sinh sống. Trước đây, chị em trong bản nhận thức còn hạn chế nên khi mang bầu và sinh con đều không tới cơ sở y tế khám định kỳ. Hầu hết các trường hợp đều sinh con tại nhà, rất nguy hiểm tới tính mạng của mẹ và bé. Nhận thức điều này, năm 2014, chị tham gia làm cô đỡ thôn bản. Công việc của chị chủ yếu là thống kê phụ nữ mang thai trong bản, tích cực vận động chị em đến Trạm Y tế xã đăng ký quản lý thai, khám thai và đến cơ sở y tế để sinh con. Đồng thời, chị tuyên truyền chị em tiêm phòng uốn ván cho mẹ, tiêm chủng đầy đủ các loại vaccine cho trẻ em trong độ tuổi; hướng dẫn phụ nữ mang thai cách chăm sóc bản thân khi mang thai, sau khi sinh, nuôi con bằng sữa mẹ... Nhờ vậy, đến nay, các chị em đều tới cơ sở y tế sinh con và trong bản không còn xảy ra trường hợp sinh con tại nhà.

Tới gia đình sản phụ Tẩn Minh Hạnh (sinh con được 20 ngày), chị Thương tay thoăn thoắt bế em bé và hướng dẫn tận tình mẹ cách cho con ăn bằng sữa mẹ. Sau đó, chị kiểm tra các loại sữa gia đình bổ sung thêm rồi chia sẻ chế độ dinh dưỡng, ăn uống cho mẹ và bé. Sản phụ Tẩn Minh Hạnh cho biết, chị mới sinh cháu đầu nên chưa có kinh nghiệm, rất may có cô đỡ Thương đến giúp và nhiệt tình tư vấn, chỉ bảo cách chăm sóc bé.

Cô đỡ thôn bản - cánh tay nối dài của ngành Y tế trong chăm sóc sức khỏe sinh sản ở vùng cao ảnh 3Hằng ngày, tranh thủ thời gian rảnh, cô đỡ thôn bản Lý Minh Thương (bên phải), ở bản Ma Ly Pho, xã Ma Ly Pho, huyện Phong Thổ tới hỏi thăm sức khỏe các sản phụ trong bản. Ảnh: Đinh Thùy-TTXVN

Chị Lý Sa Nga tâm sự, con chị được 6 tháng tuổi. Khi mang thai, chị được cô đỡ thôn bản tư vấn đi tiêm vaccine theo định kỳ, chế độ ăn uống dinh dưỡng và nghỉ ngơi. Khi có dấu hiệu sắp sinh, gia đình đã gọi điện thoại cho cô đỡ xuống khám thai rồi đưa xuống cơ sở y tế để sinh con.

Y sỹ Thùng Thị Phương, nhân viên Trạm Y tế xã Ma Ly Pho cho biết, là xã biên giới, có nhiều bản ở xa trung tâm xã, nhờ đội ngũ cô đỡ thôn bản, nhiều năm qua, trên địa bàn, hầu hết phụ nữ mang thai đều đến khám định kỳ và sinh con tại Trạm Y tế. Cô đỡ thôn bản đã mang lại nhiều lợi ích trong việc chăm sóc sức khỏe phụ nữ mang thai và sản phụ sau sinh.

Đội ngũ cô đỡ thôn bản ở Lai Châu có cùng ngôn ngữ, phong tục tập quán, lại được trang bị kiến thức, kỹ năng tốt nên dễ dàng tiếp cận người dân để tuyên truyền vận động, thuyết phục bà con từ bỏ tập quán lạc hậu và hướng dẫn gia đình chăm sóc bà mẹ, trẻ sơ sinh theo khoa học. Ngoài khám thai, hỗ trợ bà mẹ lúc sinh, cô đỡ thôn bản còn có vai trò quan trọng trong phát hiện trường hợp bất thường ở bà mẹ và trẻ sơ sinh để chuyển đến cơ sở y tế.

Cô đỡ thôn bản - cánh tay nối dài của ngành Y tế trong chăm sóc sức khỏe sinh sản ở vùng cao ảnh 4Dù không được hưởng chế độ hỗ trợ, nhưng cô đỡ thôn bản Lý Minh Thương, ở bản Ma Ly Pho, xã Ma Ly Pho, huyện Phong Thổ vẫn miệt mài làm nhiệm vụ vì sức khoẻ dân bản. Ảnh: Đinh Thùy-TTXVN

Theo báo cáo của Sở Y tế Lai Châu, hiện nay, địa bàn tỉnh có 175 cô đỡ thôn bản đã được đào tạo tại các xã thuộc vùng hai, vùng ba. Năm 2022, toàn tỉnh có 5.625 lượt phụ nữ có thai được cô đỡ thôn bản khám thai, vận động 957 bà mẹ đến sinh con tại cơ sở y tế; có 266 bà mẹ sinh con tại nhà do cô đỡ thôn bản đỡ, 259 phụ nữ có thai được cô đỡ thôn bản phát hiện dấu hiệu bất thường và tư vấn chuyển tuyến, 1.044 bà mẹ được cô đỡ thôn bản chăm sóc sau sinh.

Ông Nguyễn Thế Phong, Phó Giám đốc Sở Y tế Lai Châu khẳng định, công việc của cô đỡ thôn bản có tác động lớn đối với cộng đồng, đóng góp vào việc tăng cường nhận thức, thay đổi hành vi chăm sóc sức khỏe người dân và giúp phụ nữ chủ động đi khám thai, sinh con tại cơ sở y tế. Những đóng góp của cô đỡ thôn bản góp phần làm giảm tai biến sản khoa, tử vong mẹ, tử vong trẻ sơ sinh tại cộng đồng, điều này khẳng định sự phù hợp của lực lượng này với cộng đồng, đóng vai trò như cầu nối giữa cộng đồng và cơ sở y tế.

Cô đỡ thôn bản - cánh tay nối dài của ngành Y tế trong chăm sóc sức khỏe sinh sản ở vùng cao ảnh 5Dù không được hưởng chế độ hỗ trợ, nhưng cô đỡ thôn bản Lý Minh Thương, ở bản Ma Ly Pho, xã Ma Ly Pho, huyện Phong Thổ vẫn miệt mài làm nhiệm vụ vì sức khoẻ dân bản. Ảnh: Đinh Thùy-TTXVN

Cần có chế độ đãi ngộ

Đội ngũ cô đỡ thôn bản được ví như cánh tay nối dài của ngành Y tế trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe sinh sản cho phụ nữ vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Thế nhưng, việc bố trí kinh phí cho hoạt động của cô đỡ thôn bản tại địa phương còn nhiều khó khăn, hạn chế; phụ cấp cho cô đỡ thôn bản hiện còn rất thấp hoặc không có, khiến nhiều người bỏ nghề đi kiếm việc làm khác. Đa số những người trụ lại đều vì “tình yêu nghề”.

Trước đây, theo Quyết định 75/2009/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc quy định chế độ phụ cấp đối với nhân viên y tế thôn bản, đội ngũ cô đỡ thôn bản được hưởng mức phụ cấp 0,5 mức lương cơ sở nhưng từ tháng 6/2020, HĐND tỉnh Lai Châu ban hành Nghị Quyết số 14/NQ-HĐND về việc quy định chức danh số lượng mức phụ cấp, chế độ chính sách đối với người hoạt động không chuyên trách và các chức danh khác ở cấp xã, thôn, bản, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh, từ đó, nhiều cô đỡ thôn bản không còn hoạt động do không được chi trả phụ cấp.

Cô đỡ thôn bản - cánh tay nối dài của ngành Y tế trong chăm sóc sức khỏe sinh sản ở vùng cao ảnh 6Ngoài việc hỏi thăm sức khỏe mẹ và bé, cô đỡ thôn bản Lý Minh Thương, ở bản Ma Ly Pho, xã Ma Ly Pho, huyện Phong Thổ tư vấn chế độ dinh dưỡng cho mẹ, con. Ảnh: Đinh Thùy-TTXVN

Đến nay, Lai Châu đã đào tạo 175 cô đỡ thôn bản thuộc xã vùng hai, vùng ba nhưng chỉ có 79 người đang hoạt động; trong đó, có 16 người được hưởng hỗ trợ, còn lại 62 người không được hưởng hỗ trợ. Đây là khó khăn khi thực hiện công tác y tế tại cơ sở và thiệt thòi cho cô đỡ thôn bản, bởi hầu hết cô đỡ thôn bản đều là hộ nghèo hoặc là người dân tộc thiểu số sống ở địa bàn đặc biệt khó khăn, trong khi đó lại phải lo các chi phí như tiền xăng khi xuống thăm hộ gia đình, tới giao ban tại Trạm y tế xã...

Cô đỡ thôn bản Lý Minh Thương bộc bạch, chị làm công việc này chỉ vì yêu nghề. Trước đây, mỗi tháng chị được hỗ trợ hơn 700 nghìn đồng. Tuy nhiên, từ giữa năm 2020 đến nay, chị không còn được hỗ trợ. Mặc dù không được hỗ trợ, khi có người chuyển dạ, bất kể nắng, mưa hay giữa đêm chị vẫn cố gắng đến khám thai và vận động gia đình đưa đến cơ sở y tế để sinh con. Do bản nằm xa trung tâm, đi lại vất vả, nhiều lúc công tác vận động chưa được thường xuyên, chị mong muốn được Nhà nước, tỉnh Lai Châu hỗ trợ kinh phí đi lại để các cô đỡ thôn bản có thêm động lực gắn bó lâu dài với công việc.

Cô đỡ thôn bản - cánh tay nối dài của ngành Y tế trong chăm sóc sức khỏe sinh sản ở vùng cao ảnh 7Hằng ngày, tranh thủ thời gian rảnh, cô đỡ thôn bản Lý Minh Thương (thứ 2 bên phải), ở bản Ma Ly Pho, xã Ma Ly Pho, huyện Phong Thổ tới hỏi thăm sức khỏe các sản phụ trong bản. Ảnh: Đinh Thùy-TTXVN

Bác sỹ chuyên khoa I Đồng Xuân Linh, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Phong Thổ cho hay, cô đỡ thôn bản trên địa bàn huyện có vai trò quan trọng trong việc tuyên truyền, vận động, chăm sóc sức khỏe bà mẹ khi mang thai; chăm sóc bà mẹ và trẻ sơ sinh sau sinh con tại nhà; hỗ trợ đưa bà mẹ đến sinh con tại cơ sở y tế, hướng dẫn thực hiện kế hoạch hóa gia đình... Năm 2022, đội ngũ cô đỡ thôn bản đã thăm khám, tư vấn sức khỏe cho 570 lượt phụ nữ mang thai, trẻ em. Tuy nhiên, đến nay, nhiều cô đỡ đã bỏ việc, toàn huyện có 54 cô đỡ thôn bản được đào tạo, trong đó, có 34 cô đỡ thôn bản tạm dừng hoạt động, còn 11 cô đỡ thôn bản kiêm nhân viên Y tế thôn bản. Do vậy, huyện đề xuất UBND tỉnh có chính sách hỗ trợ chế độ đãi ngộ cho đội ngũ cô đỡ thôn bản trên địa bàn, góp phần chăm sóc sức khỏe toàn dân.

Theo Phó Giám đốc Sở Y tế Lai Châu Nguyễn Thế Phong, trước thực trạng trên, Sở Y tế trình HĐND, UBND tỉnh về hỗ trợ các chế độ phụ cấp cho cô đỡ thôn bản nhằm duy trì bảo đảm mỗi thôn, bản có từ một đến hai nhân viên y tế thôn, bản đã được đào tạo hoạt động; củng cố và duy trì mạng lưới cô đỡ thôn bản, bố trí các cô đỡ thôn bản đã nghỉ việc hoạt động trở lại tại thôn, bản tại ở xã vùng hai, ba theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Sở sẽ huy động nguồn lực tại địa phương để đào tạo, giám sát hỗ trợ kỹ thuật nhằm nâng cao năng lực cho đội ngũ cô đỡ thôn bản thực hiện nhiệm vụ chuyên môn quan trọng khác như truyền thông giáo dục sức khỏe, dinh dưỡng bà mẹ, trẻ em, tư vấn kế hoạch hóa gia đình.

Việt Hoàng - Đinh Thùy

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm