Có cơ chế, chính sách để phát triển vùng biển, hải đảo

Có cơ chế, chính sách để phát triển vùng biển, hải đảo

Chiều 19/4, tỉnh Kiên Giang tổ chức hội nghị sơ kết chương trình hành động số 47-CTr/TU ngày 21/2/2019 của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết số 36-NQ-TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Qua hơn 2 năm thực hiện Chương trình hành động của Tỉnh ủy Kiên Giang, kinh tế biển tỉnh Kiên Giang tiếp tục phát triển nhiều mặt, đóng góp rất lớn cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên và nhân dân về kinh tế biển được nâng cao. Việc quy hoạch, quản lý tài nguyên, môi trường ven biển, hải đảo được tăng cường. Các ngành nghề khai thác tiềm năng biển, ven biển và hải đảo tăng về sản lượng và giá trị. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được tập trung đầu tư xây dựng. Giáo dục và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực được chú trọng.

Ông Đỗ Thanh Bình, Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang nhận định rằng, trong thời gian tới, dịch bệnh COVID-19 có thể tiếp tục diễn biến phức tạp, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh còn gặp nhiều khó khăn, thách thức. Để thực hiện có hiệu quả chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển, UBND tỉnh cùng với các sở, ngành, cấp ủy, chính quyền địa phương tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện hiệu quả cả về năng lực, nhân lực, thiết bị, phương tiện và tài chính cho các cơ quan quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo.

Kiên Giang tiếp tục tập trung chỉ đạo hoàn thành lập quy hoạch tỉnh, quy hoạch ngành và quy hoạch địa phương, nhất là các địa phương trọng điểm có biển, như Rạch Giá, Phú Quốc, Hà Tiên, Kiên Lương, Kiên Hải…

Tỉnh đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án xây dựng hạ tầng giao thông, cảng biển; hạ tầng các khu, cụm công nghiệp; các khu đô thị ven biển và các dự án xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội khác, như điện, nước ngọt, y tế, giáo dục, thông tin…

Để kinh tế biển phát triển bền vững thời gian tới, tỉnh Kiên Giang kiến nghị với Chính phủ có cơ chế, chính sách để phát triển vùng biển, hải đảo, ven biển, khu kinh tế trọng điểm về cảng biển mang tầm quốc tế để thuận lợi trong giao thương với các nước trong khu vực và quốc tế; ban hành chương trình phát triển nguồn nhân lực về biển riêng cho các tỉnh có biển; trong đó, ưu tiên đào tạo các nhà nghiên cứu, quản lý và lực lượng lao động trực tiếp trong các ngành, lĩnh vực kinh tế biển. Đồng thời, có giải pháp cụ thể nhằm tăng cường năng lực quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường biển và hải đảo cho các địa phương có biển.

Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang Đỗ Thanh Bình cho biết, thực hiện chương trình hành động số 47-CTr/TU ngày 21/2/2019 của Tỉnh ủy về chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Kiên Giang tập trung quan tâm lĩnh vực nuôi trồng và khai thác thủy sản.

UBND tỉnh tập trung chỉ đạo quy hoạch, xây dựng các dự án nuôi trồng thủy sản theo hướng nuôi biển, ven biển, quanh các đảo, vùng ven bờ gắn với bảo vệ nguồn lợi thủy sản; phê duyệt Đề án phát triển nuôi biển theo định hướng bền vững trên địa bàn tỉnh Kiên Giang đến năm 2030; Dự án “Điều tra các nghề khai thác vùng biển ven bờ và vùng lộng biển Kiên Giang; đề xuất sắp xếp lại cơ cấu nghề khai thác thủy sản tỉnh Kiên Giang”, làm cơ sở để triển khai các chính sách chuyển đổi nghề, điều chỉnh cơ cấu nghề khai thác trong thời gian tới.

Kiên Giang đã đẩy mạnh khuyến khích phát triển nuôi biển, đặc biệt là đẩy mạnh phát triển nuôi ven biển, ven đảo và xa khơi; vận động, kêu gọi các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có tiềm lực mạnh về vốn, về khoa học và công nghệ đầu tư phát triển nuôi vùng biển xa, nhằm góp phần bù đắp trữ lượng thủy sản bị sụt giảm mạnh trong thời gian qua.

Bên cạnh đó, Kiên Giang còn đẩy mạnh cơ cấu lại lĩnh vực khai thác hải sản, tổ chức sắp xếp lại đội tàu khai thác hải sản theo hướng không tăng thêm số lượng tàu cá. Tỉnh chuyển đổi, sắp xếp lại, cơ cấu nghề khai thác vùng biển ven bờ và vùng lộng; khuyến khích đầu tư phát triển một số nghề khai thác thủy sản mang tính chọn lọc cao nhằm tăng tỷ lệ sản phẩm khai thác có giá trị cao, đi đôi với thực hiện hiệu quả phát triển và bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

Đến cuối năm 2021, toàn tỉnh còn 9.879 tàu cá. Sản lượng khai thác hải sản trung bình hàng năm của tỉnh đạt khoảng 585.000 tấn, chiếm khoảng 16% tổng sản lượng khai thác cả nước và trên 40% sản lượng khai thác của vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Tỉnh cũng tích cực thực hiện Nghị định số 67/2014/NĐ-CP ngày 7/7/2014 của Chính phủ về một số Chính sách phát triển thủy sản về đầu tư, tín dụng và bảo hiểm. Kiên Giang cũng triển khai các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ nuôi trồng thủy sản, khu neo đậu tránh trú bão, nâng cấp, mở rộng các cảng cá ở các địa phương có biển..., với tổng mức đầu tư ước đạt 645,2 tỷ đồng; Ưu đãi tiếp cận chính sách bảo hiểm, chính sách tín dụng đối với các cơ sở đánh bắt hải sản với tổng số tiền trên 500 tỷ đồng.

Cấp ủy, chính quyền các cấp trong tỉnh Kiên Giang tích cực rà soát, bổ sung quy hoạch có liên quan đến biển và hải đảo nhằm bảo đảm sự hài hòa, đồng bộ giữa phát triển và bảo tồn. Tổ chức lập quy hoạch tỉnh Kiên Giang giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; “Quy hoạch chung thành phố Phú Quốc đến năm 2040” theo định hướng đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt.

Tỉnh hoàn thiện quy hoạch xây dựng vùng huyện của các huyện ven biển, quy hoạch chung thành phố ven biển và các đô thị ven biển khác; hoàn thiện chương trình phát triển đô thị của 7/15 huyện, thành phố ven biển.

Lê Sen

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm