Cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh: Từ Nghị quyết đến thực tiễn (Bài 4)

Cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh: Từ Nghị quyết đến thực tiễn (Bài 4)
Bài 4: Phát huy nguồn lực con người 
Để triển khai hiệu quả các nội dung Nghị quyết 54 của Quốc hội, ông Nguyễn Thiện Nhân, người đứng đầu Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh nhấn mạnh: Với đột phá về thể chế (Nghị quyết 54) dẫn tới tạo đột phá về phương thức và huy động các nguồn lực để thành phố phát triển, làm được điều này phải có đột phá trong công tác quản lý, đánh giá, sử dụng cán bộ. 
Với cơ chế, chính sách đặc thù, cán bộ, công chức ở Thành phố Hồ Chí Minh hoàn thành tốt nhiệm vụ sẽ được hưởng mức chi thu nhập tăng thêm gắn với năng suất, hiệu quả công việc. Ảnh: TTXVN
Với cơ chế, chính sách đặc thù, cán bộ, công chức ở Thành phố Hồ Chí Minh hoàn thành tốt nhiệm vụ sẽ được hưởng mức chi thu nhập tăng thêm gắn với năng suất, hiệu quả công việc. Ảnh: TTXVN

Tạo động lực cho nguồn lực hiện có
Nhận thức được tầm quan trọng của vấn đề này, Đề án thí điểm chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức thuộc khu vực quản lý Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội và đơn vị sự nghiệp công lập do thành phố quản lý đã được xây dựng.

Theo đó, các cán bộ, công chức, viên chức phải được cơ quan có thẩm quyền đánh giá là hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên mới được hưởng mức chi thu nhập tăng thêm của đề án.

Cụ thể, hệ số điều chỉnh thu nhập tăng thêm giai đoạn 2018-2020 theo lộ trình sau: Năm 2018 tối đa là 0,6 lần so với tiền lương theo ngạch bậc, chức vụ; năm 2019 tối đa là 1,2 lần; năm 2020 tối đa là 1,8 lần.

Việc thực hiện đề án đảm bảo nguyên tắc "gắn với hiệu quả công việc" và "không cào bằng". Thời gian thực hiện đề án dự kiến từ 1/4/2018 đến 31/12/2020.
 
Đồng tình với những nội dung cơ bản của đề án, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Hoàng Ngân, Giám đốc Học viện Cán bộ Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ: Vấn đề quan trọng nhất khi triển khai thực hiện đề án này là tránh tình trạng cào bằng nhưng phải đảm bảo công bằng. Muốn như vậy cần chú trọng vấn đề đánh giá cán bộ, trong đó phải xây dựng tiêu chí, định lượng, lượng hóa để tránh bình bầu cảm tính.
 
Tương tự, bà Đỗ Thị Chánh - Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, vấn đề quan tâm là làm sao qua thực hiện đề án, chất lượng công chức, viên chức làm việc hiệu quả hơn. Thành phố có áp lực công việc lớn, yêu cầu hiệu quả công việc cao, do đó cần cụ thể quy định tiêu chí đánh giá cán bộ, công chức phù hợp khi thực hiện cơ chế đặc thù.
 
Để triển khai hiệu quả đề án, theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Võ Trí Hảo, Phó trưởng Khoa Kinh tế - Luật, Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh: Thành phố cần có cơ chế khuyến khích các đơn vị tích cực ứng dụng công nghệ thông tin nhằm giảm chi phí vận hành bộ máy để chuyển sang tăng thêm thu nhập cho cán bộ, công chức, làm đa dạng nguồn chi thu nhập tăng thêm.

Việc xây dựng hệ thống chỉ tiêu đánh giá công chức nên trao quyền chủ động cho các đơn vị; tránh cào bằng giữa các đơn vị bằng việc thiết lập hệ thống đánh giá công việc của các đơn vị “đa luồng”, đơn vị nào tốt thì hưởng hệ số cao.
 
Liên quan vấn đề thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, bà Phạm Phương Thảo, nguyên Phó Bí thư Thành ủy, nguyên Chủ tịch HĐND thành phố cho rằng, thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức phải dựa trên cơ sở hiệu quả công việc, khắc phục tính bình quân nhằm tạo động lực, sự cạnh tranh lành mạnh để phát triển. Việc này nên giao cho người đứng đầu cơ quan, đơn vị và người đó phải chịu trách nhiệm về vấn đề này.
 
Thu hút nguồn lực bên ngoài 
Triển khai các nội dung liên quan đến thu hút nguồn lực, đáp ứng nhu cầu phát triển, Thành phố Hồ Chí Minh triển khai Đề án thu hút chuyên gia, nhà khoa học và lao động sáng tạo trẻ về công tác ở các sở, ban, ngành, các khu công nghệ cao của thành phố giai đoạn 2018-2022.
 
Theo UBND Thành phố Hồ Chí Minh, mục tiêu của đề án nhằm thu hút lực lượng chuyên gia khoa học, đội ngũ lao động sáng tạo trẻ đã được đào tạo, rèn luyện trong môi trường ngoài khu vực công để bổ sung, tăng cường cho cơ quan, đơn vị đang triển khai thực hiện nhiệm vụ, chương trình trọng điểm, quản lý Nhà nước về các điểm nóng, vấn đề bức xúc của xã hội.

Thành phố kỳ vọng, đề án này sẽ tạo môi trường cạnh tranh công bằng, bình đẳng, tạo bước đột phá trong công tác rà soát, sắp xếp tinh gọn bộ máy và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
 
Đề án được triển khai, áp dụng tại các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc UBND Thành phố Hồ Chí Minh, trong đó ưu tiên thu hút đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học và lực lượng lao động sáng tạo trẻ trong lĩnh vực trọng điểm của thành phố gồm: 4 ngành công nghiệp mũi nhọn; các ngành công nghiệp sạch, tiết kiệm năng lượng, công nghiệp phụ trợ; 9 ngành dịch vụ chủ yếu; nông nghiệp đô thị hiện đại.
 
Thành phố có nhiều chế độ, chính sách ưu đãi để thu hút chuyên gia, nhà khoa học, lao động sáng tạo trẻ đến công tác, cống hiến cho thành phố. Cụ thể, thành phố trợ cấp ban đầu 100 triệu đồng và 80 triệu đồng đối với các chuyên gia, nhà khoa học đáp ứng yêu cầu của đề án.

Các chuyên gia, nhà khoa học thuộc đối tượng được hưởng mức trợ cấp ban đầu 100 triệu đồng sẽ được hưởng lương bậc 2 (hệ số 9,4); đối tượng được hưởng mức trợ cấp ban đầu 80 triệu đồng sẽ hưởng lương bậc 1 (hệ số 8,8)…

Các chuyên gia, nhà khoa học được tiếp tục ký hợp đồng cho giai đoạn tiếp theo thì được hưởng mức lương cao hơn một bậc so với mức lương được hưởng của hợp đồng đầu tiên.
 
Ngoài chính sách về thu nhập, thành phố còn có chính sách khuyến khích nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ với tổng mức phụ cấp hỗ trợ khuyến khích là từ 30 triệu đồng đến 1,5 tỷ đồng.

Ngoài ra, các chuyên gia, nhà khoa học cũng được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở, xem xét bố trí nhà công vụ nếu có nhu cầu hoặc hỗ trợ tối đa 50% kinh phí thuê nhà ở (không vượt quá 7 triệu đồng/ tháng).
 
Để thu hút chuyên gia hiệu quả, nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, nguyên Chủ tịch HĐND Thành phố Hồ Chí Minh Phạm Chánh Trực đề nghị: Nên thu hút đội ngũ chuyên gia giúp thành phố xây dựng thành phố thông minh; lĩnh vực khoa học công nghệ phục vụ cho sản xuất; giáo dục đào tạo và nghiên cứu khoa học ở các viện, trường. Còn về cách thu hút nhân tài, phải tạo môi trường hấp dẫn cho chuyên gia, lao động sáng tạo trẻ tìm đến thành phố làm việc.
 
Là một trí thức trẻ, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Thị Hồng Tươi (Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng), đề án phải đảm bảo công khai trong quá trình tuyển chọn nếu không khó tạo được lòng tin và thu hút các chuyên gia, nhà khoa học, nhất là các bạn trẻ cống hiến cho thành phố.

Bên cạnh các chính sách đãi ngộ, người trẻ cần môi trường làm việc công khai, minh bạch, rõ ràng. Bởi tâm lý chung của người trẻ là những đóng góp của mình cần được đánh giá đúng mức và được công nhận.
 
Chia sẻ về vấn đề này, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Hoàng Ngân - Giám đốc Học viện Cán bộ Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Tài chính là vấn đề quan trọng nhưng đối với các nhà khoa học họ cần một môi trường làm việc. Vì vậy, quan trọng là đề án phải tạo ra môi trường để các nhà khoa học tự do cống hiến hơn là chính sách ưu tiên về tài chính. Tuy nhiên, đề án chưa làm rõ được môi trường cho các chuyên gia, nhà khoa học đóng góp, hạn chế sự ràng buộc.
 
Về lâu dài, các chuyên gia cho rằng: Thành phố cần có chính sách nuôi dưỡng, ươm mầm các tài năng từ khi còn trên ghế nhà trường chứ không phải đợi đến khi họ trở thành tiến sĩ, giáo sư mới “hái” thì rất khó. Bên cạnh đó, thành phố cần chú trọng việc xây dựng môi trường làm việc để các nhân tài phát huy năng lực./. 
Anh Tuấn - Thu Hoài
Bài cuối: Tạo sự đồng thuận trong xã hội
Báo ảnh Dân tộc và Miền núi/TTXVN

Có thể bạn quan tâm