Chuyện một người Hà Nội về thăm Thủ đô

Chuyện một người Hà Nội về thăm Thủ đô
Trong khi các thành viên đoàn ai nấy đều hết thẩy vui mừng trò chuyện, thì người công nhân này trên nét mặt luôn vương vất nỗi trầm tư.  Đêm đầu tiên được ủ mình trong chăm ấm gối êm, vậy mà ông Tiền không sao chợp mắt được. Ông rón rén ra khỏi phòng ngủ, lắng nghe hồi chuông “Vực sâu” vẳng tới từ một tháp chuông của nhà thờ gần đó. Ông kính cẩn làm dấu thánh. 
Chuyện một người Hà Nội về thăm Thủ đô ảnh 1
Cột cờ Hà Nội.
Đã 22 năm rồi, nay mới được nghe lại tiếng chuông tại nơi đã cất bước ra đi. Nhớ lại cái ngày ấy, tất cả những người ra đi đều đinh ninh một điều mụ mị. Sáng hôm sau, ông Tiền xin trưởng đoàn cho mình được nghỉ tại Hà Nội, đợi đoàn đi tham quan đáp lễ Lào Cai và Lạng Sơn (hai tỉnh tỉnh kết nghĩa và đã có đoàn đại biểu vô thăm Đắk Lắk).  Thời tiết Hà Nội trở đông. Những cơn gió bấc lạnh buốt quất xéo, lá khô chạy ràn rạt trên đường. Ông Tiền vội sắm cho mình đủ những trang phục mùa đông. Ngồi trên tầu điện lượn kín một vòng, lại mua vé đi chiều ngược lại.  Thấy chuyện lạ, người bán vé tầu hỏi thăm. Nghe khách giãi lòng, người bán vé tầu thuật lại chuyện xưa. Vào những năm 64-70 nhiều học sinh, sinh viên Hà Nội lên đường nhập ngũ, họ cũng đi một hành trình như ông hôm nay. Chiều ngược lại được miễn tiền vé. Và hôm nay trường hợp của ông cũng vậy. Phong thái thanh lịch rất đỗi Hà thành này, ông Tiền đã được tiếp đãi nhiều lần từ khi đặt chân đến đây. Hai mươi hai năm rồi! Hà Nội thay đổi nhiều quá! Nghe nhân viên bán vé tầu điện nhắc nhở khách lên xuống các ga mà ông Tiền như nghe tiếng vọng từ ký ức. Phố xá nhộn nhịp, sầm uất đủ sắc màu như một bức tranh thủy mặc vô tận lần lượt trải ra bên ô cửa. Khi tầu quay lại ga gần nhà máy nước thì ông Tiền bắt tay tạm biệt những người dễ gần gũi như thân quen từ lâu. Xuống tầu, ngồi xích lô đến nhà máy nước. Nghe tin có cậu Tiền, công nhân đường ống, con trai bác thợ già khả kính Trần Tiên, từ Buôn Ma Thuột ra thăm thì mọi người ùa tới vây quanh.  - Hơn hai chục năm bặt tin nhau, nay mới được nhắc tên, nắm tay đồng nghiệp xưa. Một bác thợ già lên tiếng trước. Ông Tiền lễ phép hỏi thăm thì được biết đó là ông Lê Công Nhân vào nhà máy làm việc sau cha mình 11 năm, ông sắp nghỉ hưu. Trong tíu tít tiếng cười nói, chào hỏi của những người đã đến gần, thì ông Tiền vẫn nghe rõ một điệp khúc “Dân Bắc 54” của những người ở phía xa. Ông Nhân hỏi lớn, cố để át đi những lời khó nghe: - Sao! Vợ con đâu cả mà chỉ thấy mình anh? - Dạ! Cháu đi theo đoàn đại biểu của tỉnh ra thăm... Ông Tiền chưa bộc bạch hết ý, thì có giọng nói sặc nồng hơi men, ề àng của một người trung tuổi, bước cao bước thấp:  - Ha ha! Cáo… chết... quay... về núi...  Mặt ông Tiền đỏ lựng. Ông Nhân vội nắm tay ông Tiền kéo đi và nói: - Anh ra đây một mình thì là khách riêng của tôi! Mời ra đây uống chén nước, ta nói chuyện.  Hàng nước chè chén vỉa hè chỉ có 6 cái ghế thấp tẹt với cái bàn ọp ẹp bỗng chật ních, nhiều người tháo giầy, dép ra để ngồi chật kín cả vỉa hè. Người đứng tràn xuống cả một phần đường, bịt kín cả đầu con ngõ nhỏ. Một tá (12 cái) cốc rót đầy nước mà chả bàn tay nào nỡ chìa ra nhận trước. Ông Nhân vỗ vai ông tiền, thân mật: - Nào! Anh kể cho anh em nghe chuyện miền Nam đi. - Dạ! Là chuyện gì ạ! - Ờ thì…  Giữa cái mênh mông bể sở đời người, trên một nửa đất nước trải dài tít tắp thì có biết bao nhiêu là chuyện. Chỉ một thời điểm, ở một địa danh, với một con người, một sự kiện thôi mà đã có biết bao người kể. Người kể bằng hàng trăm trang sách; người kể cả bằng hình ảnh hơn tiếng đồng hồ trên sân khấu và màn ảnh… Đột nhiên có người thợ trẻ hơn ông Nhân một chút lên tiếng: - Chú kể cho nghe về thành tích của chú. Chính đó là cơ sở đưa chú ấy trở thành một đại biểu của tỉnh Đắk Lắk ra thăm Thủ đô, có phải không, các vị nhỉ! - Hay! Đúng! Nhiều tiếng tán đồng rộ lên xen tiếng vỗ tay. Nghe mọi người động viên, ông Tiền chân tình bày tỏ: - Dạ! Em không dám khoe thành tích, nhưng có thể xem như một kỷ niệm, một dấu ấn của cuộc đời người thợ của em.  - Thế thì quý quá rồi, là thế nào vậy, kể đi. Ông Nhân khích lệ.  - Dạ! Thưa các cô bác, anh chị... ông Tiền chậm rãi. Đó là những ngày đầu tiên quân giải phóng tấn công vào thị xã Buôn Ma Thuột… Giọng đều đều, ông Tiền lần trải ký ức: …Ấy là vào đêm ngày 10/3/1975. Quân giải phóng mở màn cuộc tấn công vào thị xã Buôn Ma Thuột, nhưng vào giờ nào, vào căn cứ nào thì khi đó tôi không rõ. Chỉ biết cả thị xã ing tai nhức óc bởi đủ loại tiếng nổ.  Dân chúng đóng kín cửa, nhưng vẫn nghe rõ tiếng la hét hoảng loạn, kêu cứu; tiếng hô xung phong chìm nổi qua từng loạt đại bác và tiếng súng đạn các cỡ. Những đường đạn đỏ lừ từ các phía xé rách bầu trời. Những chớp lửa nhoáng nhoàng. Rồi thì tiếng rú của xe tăng, thứ thì càng lúc càng gần, càng lớn, thứ thì tắt lịm. Đến sáng thì cả bầu trời thị xã bị khói đen đặc bao trùm. Ông Tiền nhắm mắt, ngừng dây lát như để tránh cái không khí khốc liệt. Mọi người im lặng dõi theo. - Các chiến đấu cơ của không lực Việt Nam Cộng hòa kéo đến oanh kích. Nhưng chúng bị pháo cao xạ bắn rát nên đã liệng bom bừa bãi. Bom nổ ngay trên phố xá đông người, nổ trong khu gia binh chật chội...  Một trong những chùm bom ác nghiệt ấy đã phá hủy đường ống dẫn nước chính của thị xã. Buôn Ma Thuột trở nên ngột ngạt hơn vì bị mất điện và mất nước trong những ngày đầu mùa khô nắng cháy, khô rang. Người khỏe, người lành lặn đã chịu hết nổi, còn người ốm yếu, bệnh tật, bị thương đang đông nghịt trong nhà thương nữa... Ở vào hoàn cảnh như tôi thì chắc hẳn các cô bác, anh chị đây đều chung tâm trạng của người thợ. Làm thế nào để có nước trở lại là điều day dứt, khổ tâm nhất của tôi đang khi mưa bom bão đạn thế này! Ở trong hầm còn chưa cầm chắc mạng sống nữa là phơi mình trước bom đạn. Rồi thì..! Với lại... nếu cảnh ngộ Mậu Thân lặp lại thì… thì, liệu có tránh khỏi điều làm phúc phải tội không nữa. Đến ngày thứ hai thì công chúng nội thị lan truyền một điều: Ấy là Lời kêu gọi của các cán bộ giải phóng. Lực lượng cán bộ này không bố ráp bắt phải đầu hàng mà kêu gọi, động viên tất cả các thành phần đã từng tham gia, phục vụ cho Chính quyền và quân đội Việt Nam Cộng hòa ra trình diện để được hưởng “khoan hồng”. Tôi nhận ra đây là lối mở cho mọi người. Tôi rủ người em rể là Trần Công Hoàn cũng làm công nhân nhà máy nước và đứa con trai Trần Quốc Định, cùng đến trình diện. May mắn, tại nơi trình diện, tôi được gặp người lãnh đạo cao nhất của lực lượng chính trị giải phóng, vậy là tôi trình bày luôn: “Xin các cán bộ cho lực lượng bảo vệ để chúng tôi khắc phục sự cố đường ống nước.” Tôi thấy rõ sự vui mừng của ông cán bộ giải phóng và sự ngỡ ngàng của hai người thân. Lập tức ông ấy cử một tổ bảo vệ đi làm nhiệm vụ. Khi quay trở lui thì tôi thấy chiếc xe máy của mình bị kẻ xấu nổ máy, phóng đi và không một ai kịp phản ứng gì. Ông cán bộ giải phóng nhân hậu giải tỏa thế bí cho tôi. Ông nói: “Chúng tôi trang cấp cho anh một chiếc xe khác trong số xe chiến lợi phẩm. Ai thắc mắc thì anh cứ chỉ đến gặp chúng tôi. Chúc các anh mau chóng hoàn thiện công việc. Chúng tôi chờ tin vui”.  Vậy là bố con, anh em chúng tôi đến tìm các công nhân người Ê Đê làm việc tại trạm thủy điện buôn Kô Suiê động viên họ vận hành máy phát để có điện bơm nước. Nghe tôi nói về chính sách nhân đạo của các cán bộ giải phóng thì họ nhiệt tình hợp tác liền.  Lần tìm theo sơ đồ, chúng tôi phát hiện chỗ đường ống chính chìm sâu bị bom đánh bể ở vị trí cuối dốc, sát chân cầu trắng. Ba người chúng tôi dốc sức cho việc phát lộ chỗ miệng ống cần phải được gia cố. Các cô bác, anh chị ạ. Tới những nhát cuốc cuối cùng thì con trai tôi phát hiện một trái đạn M79 chưa nổ. Nhìn đầu đạn vàng chóe mà ai nấy kinh hồn, nếu thêm nhát cuốc nữa thì cả mấy bố con, anh em chúng tôi sẽ... sẽ.  Mấy chục người đứng ngồi xung quanh đều thở phào nhẹ nhõm như chính họ vừa thoát khỏi tay tử thần.  BMT tháng 9/2015
Báo Tin Tức

Có thể bạn quan tâm