Chuyên gia Nhật Bản hỗ trợ tu bổ di tích Chùa Cầu

Chào mừng Năm du lịch quốc gia 2022 tại Quảng Nam, chiều 26/3, Ủy ban nhân dân thành phố Hội An đã ký kết với Tổ chức JICA (Nhật Bản) "Hỗ trợ chuyên gia Nhật Bản về dự án tu bổ Chùa Cầu".

Chuyen gia Nhat Ban ho tro tu bo di tich Chua Cau hinh anh 1Quang cảnh lễ ký kết. Ảnh: Trịnh Bang Nhiệm - TTXVN

Tham dự lễ ký kết có Thứ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch Hoàng Đại Cương; Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam Trần Văn Tân; Trưởng đại diện Văn phòng JICA tại Việt Nam Shimizu Akira.

Phát biểu tại lễ ký kết, ông Trần Văn Tân, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam khẳng định đây là sự kiện có ý nghĩa quan trọng đối với kết quả khoa học tu bổ di tích và đặc biệt gắn kết chặt chẽ thêm mối quan hệ hữu nghị Việt Nam và Nhật Bản. Ông Trần Văn Tân đề nghị sau lễ ký kết, Ủy ban nhân dân thành phố Hội An phối hợp với các cơ quan thẩm quyền và Văn phòng JICA Việt Nam xúc tiến các thủ tục để sớm tiếp nhận chuyên gia từ Nhật Bản hỗ trợ tu bổ di tích Chùa Cầu dự kiến triển khai thi công vào giữa năm 2022 này.

"Tôi tin tưởng rằng, với sự hỗ trợ của các chuyên gia Nhật Bản về chuyên môn kỹ thuật và kinh nghiệm, chắc chắn rằng di tích Chùa Cầu ở phố cổ Hội An sẽ được tu bổ đạt kết quả tốt nhất, những giá trị của di tích sẽ được bảo tồn một cách chân xác, toàn vẹn và đảm bảo bền vững lâu dài trong tương lai", ông Trần Văn Tân khẳng định.

Chuyen gia Nhat Ban ho tro tu bo di tich Chua Cau hinh anh 2Ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hội An trao đổi văn bản ký kết hỗ trợ với ông Shimizu Akira, Trưởng Đại diện Văn phòng JICA Việt Nam. Ảnh: Trịnh Bang Nhiệm - TTXVN

Hội An là nơi đã đặt dấu mốc quan trọng trong mối quan hệ Việt Nam - Nhật Bản từ hơn 400 năm trước. Rất nhiều di chỉ văn hóa, di tích kiến trúc tại Hội An minh chứng sinh động về vai trò khởi nguyên của Hội An trong mối quan hệ này mà hình ảnh nổi bật được rất nhiều người biết đến là di tích Chùa Cầu, được các thương nhân, kiều dân Nhật Bản tại Hội An cách đây 400 năm xây dựng. Di tích đặc biệt này đã trở thành biểu tượng đẹp của sự giao lưu văn hóa và mối quan hệ gắn bó lâu dài giữa đất nước Nhật Bản và thành phố Hội An nói riêng và giữa Việt Nam, Nhật Bản nói chung.

Trải qua thời gian, mặc dù được bao thế hệ người dân Hội An gìn giữ nhưng Chùa Cầu cũng không tránh khỏi sự xuống cấp, vì thế việc tu bổ di tích này đang là một vấn đề cấp thiết. Trước tình hình đó, tổ chức JICA của Nhật Bản cam kết hỗ trợ về mặt chuyên môn kỹ thuật và kinh nghiệm cho chính quyền và nhân dân thành phố Hội An trùng tu, khôi phục Chùa Cầu.

Theo đó, Tổ chức JICA sẽ hỗ trợ cho thành phố Hội An thông qua việc phái cử các chuyên gia đến Hội An trong quá trình thực hiện trùng tu Chùa Cầu. Hoạt động sẽ có khả năng thay đổi tuỳ vào tình hình dịch COVID-19 tại Việt Nam hoặc Hội An. Bất cứ vấn đề phát sinh nào liên quan đến hoạt động này sẽ do cả phía Việt Nam (bao gồm UBND thành phố Hội An) và phía Nhật Bản cùng tham vấn để giải quyết. Qua đó, thúc đẩy năng lực của thành phố Hội An về bảo tồn khu phố cổ Hội An thông qua hỗ trợ về mặt kỹ thuật trong trùng tu Chùa Cầu.

Chiều cùng ngày, Ủy ban nhân dân thành phố Hội An đã tổ chức Lễ đón Bằng Công nhận di tích cấp tỉnh Đình Hội An (Đình ông Voi).

Trịnh Bang Nhiệm


Tin liên quan

Chùa Cầu ở Hội An

Ở Hội An (Quảng Nam) còn một cây cầu cổ duy nhất là cầu “Lai Viễn”. Cầu được người Hội An quen gọi là Chùa Cầu - một di tích đã trở thành biểu tượng của đô thị cổ Hội An.


Độc đáo chùa Cầu tại Hội An

Chùa Cầu nằm trong khu phố cổ Hội An (Quảng Nam) được xây dựng từ đầu thế kỷ 17 có kiến trúc đặc biệt mang đậm nét Việt với mái ngoái âm dương phủ kín cây cầu bằng gỗ có chiều dài khoảng 18m, ở giữa là lối qua lại kiểu cầu vòng, hai bên có hành lang hẹp để làm nơi dừng chân nghỉ mát với bảy gian bằng gỗ.



Đề xuất