Chuyện đời những người “cõng chữ” lên non

Chuyện đời những người “cõng chữ” lên non
Phân trường của Trường Tiểu học Pó Thẩu, xã Cần Nông (Thông Nông) phải tổ chức lớp học tại nhà văn hóa xóm Nà Tềnh, xã Cần Nông do không có điểm trường.
Phân trường của Trường Tiểu học Pó Thẩu, xã Cần Nông (Thông Nông) phải tổ chức lớp học tại nhà văn hóa xóm Nà Tềnh, xã Cần Nông do không có điểm trường.
Cô giáo N.T.T sinh ra và lớn lên tại Thành phố với gương mặt khả ái, giọng nói nhỏ nhẹ, dịu dàng, đã công tác tại các điểm trường vùng Lục Khu (Hà Quảng) hơn 20 năm nay. Những năm còn trẻ cứ miệt mài với lịch làm việc hằng tháng đều đặn: Sau khi họp giao ban xong, chỉ kịp tranh thủ chạy ra trung tâm của xã mua sắm một vài thứ làm đồ dùng cho cá nhân, sau đó, lại phải tức tốc chạy ngược lên bản kẻo trời tối. Mỗi lần muốn về nhà đi bộ mất 1 ngày mới ra được đường cái để bắt xe khách về. Chị nghẹn ngào tâm sự: Ngoảnh đi ngoảnh lại thì đã gần 40 tuổi, lúc này, mơ ước được làm vợ với tôi đã muộn màng nhưng tôi khao khát được thực hiện thiên chức làm mẹ. Nuốt nước mắt vào trong, bỏ qua những lời dị nghị tôi đã quyết định làm mẹ đơn thân. Nếu như ở môi trường làm việc khác, xung quanh không chỉ điệp trùng núi đá, bản làng xa xôi thì biết đâu số phận tôi sẽ khác, việc lấy chồng, sinh con như bao phụ nữ có lẽ không bị dang dở và con tôi sẽ có đầy đủ cả cha mẹ.   

Câu chuyện đời của những người “cõng chữ” lên non như cô giáo T. kể trên không phải là duy nhất. Đa số GV cắm bản có độ tuổi thanh niên với nhiều mơ ước, nhưng vì học sinh mà tạm gác lại ước muốn của bản thân để cống hiến cho sự nghiệp giáo dục. Sau 5 - 7 năm công tác tuổi cũng đã xấp xỉ ba mươi, con gái cũng chỉ có một thời..., mà ở những bản heo hút mới chập choạng tối, nhà dân cửa đóng then cài thì cơ hội tiếp xúc, tìm hiểu để tiến đến xây dựng hạnh phúc gia đình đối với GV, đặc biệt là những GV tại các bản lẻ là điều hết sức khó khăn. Ngay như các trai bản cũng ít tiếp xúc với các cô giáo bởi tự ti về trình độ và hầu hết lấy vợ rất sớm, nên dù có muốn lấy trai bản các cô giáo vùng cao cũng khó thực hiện. Các cô giáo trẻ đêm đêm soạn giáo án, soi bóng mình qua những bức tường chỉ biết thở dài để mong sao nhanh hết thời gian. Có những cô, nghe tiếng khèn gọi bạn tình của các thanh niên ở dưới bản lại thổn thức, rồi bật khóc vì cô đơn hoặc nhớ người yêu. Một số cô giáo trẻ đã có người yêu nhưng từ khi lên vùng cao cắm bản dạy học, đường đi lại khó khăn, ít được gặp gỡ bồi đắp tình cảm nên tình cảm phai nhạt đành phải chia tay, thậm chí, có trường hợp vì dạy học xa mà gia đình người yêu ngăn cản nên không thể tiến tới hôn nhân. Nên dù không ai muốn nhưng rất nhiều cô giáo vùng cao đành phải miễn cưỡng chấp nhận lấy một người làm chồng mà họ chưa hề yêu bởi họ hầu hết không có quyền được lựa chọn và không có lựa chọn nào khác trong việc quyết định hạnh phúc của cả đời người.

Hiện nay, chưa có một con số thống kê cụ thể nào của ngành giáo dục tỉnh về số GV nữ lên vùng cao đang đứng trước mối lo không lấy được chồng. Nhưng với hàng nghìn GV các cấp đang công tác tại các trường học trên địa bàn tỉnh, trong đó, hơn 50% là GV nữ đang cắm bản dạy học tại các xã vùng sâu, vùng xa, đặc biệt khó khăn thì thực tế nguy cơ cao “ế” chồng đang chiếm số lượng không nhỏ. Đã xuất hiện tình trạng GV lên vùng cao cắm bản sau một thời gian dài do sức ép chuyện lấy chồng đã bỏ việc dạy học. Một số GV vùng cao khác do tâm lý lo không lấy được chồng đã vội vàng kết hôn khi chưa tìm hiểu kỹ nên gia đình không hạnh phúc, thậm chí, chịu bất hạnh cả đời. Câu chuyện của cô giáo N.T.U dạy học tại một điểm trường tiểu học của xã cách trung tâm huyện Bảo Lâm hơn 20 km là một ví dụ. Trong thời gian trong xã xây dựng trạm y tế, cô U. quen biết người đàn ông ở miền xuôi lên Cao Bằng làm thợ xây tại công trình. Đang cô đơn nên thấy người đàn ông làm việc chăm chỉ, tối ăn mặc chỉnh tề đến tâm sự, chia sẻ những buồn vui do chung cảnh xa gia đình, chỉ trong một thời gian ngắn tìm hiểu đã tiến tới hôn nhân trong sự ngỡ ngàng của gia đình. Nhưng ngay sau kết hôn, người chồng hiện rõ bản chất lười lao động, ham chơi. Những đồng nghiệp trong trường hằng ngày đã quá quen với thời gian biểu của chồng cô giáo U.: Ăn, ngủ, uống rượu, tụ tập đánh bạc... Nhưng cô U. vẫn chưa biết tương lai sẽ ra sao bởi nếu ly hôn thì con không có cha nên đành ngậm ngùi tiếp tục cuộc hôn nhân không hạnh phúc và tự an ủi bản thân so với một số đồng nghiệp còn bất hạnh hơn mình khi lấy phải chồng nghiện hút mà vẫn đang tiếp tục duy trì cuộc sống gia đình vì con cái. 

Số GV khác may mắn hơn khi đã xây dựng gia đình nhưng lại rơi vào cảnh “một chốn bốn quê” như cô giáo Bế Thị Quỳnh, hiện dạy học tại Trường THCS Lương Thông (Thông Nông). Chồng công tác tại một cơ quan nhà nước ở Thành phố, gia đình chồng ở huyện Hòa An. Hai đứa con (1 đang học tiểu học, 1 đứa mới hơn 3 tuổi) của cô, lúc nhỏ thì vào trường thuê người trông, dứt sữa mẹ lại đem về cho ông bà nội trông nom và phó thác luôn cả việc học hành vì không thể cho vào ở cùng với điều kiện nhà công vụ GV thiếu thốn. Cuối tuần cô giáo Quỳnh lại tất tả về Hòa An thăm con, sáng thứ 2 vội vàng trở lại trường kịp tiết dạy. Cũng có những tuần phải ở lại trường dành thời gian đi đến nhà học sinh vận động ra lớp nên tối về chồng gọi điện hỏi, con khóc gọi mẹ, cô giáo Quỳnh chỉ còn biết thở dài, bật khóc trong đêm bởi nhớ con quay quắt và mong ước được chuyển công tác về gần gia đình.

Những năm qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chính sách ưu đãi đối với ngành  giáo dục, trong đó có những chính sách mang lại niềm vui, nguồn cổ vũ cho các GV vùng cao, như: Nghị định số 61/2006/NĐ-CP (Nghị định 61) ngày 20/6/2006 của Chính phủ về chính sách đối với nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục công tác ở trường chuyên biệt, ở vùng điều kiện KT - XH đặc biệt khó khăn được hưởng phụ cấp ưu đãi 70% mức lương hiện hưởng và quy định thời hạn luân chuyển nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục là 3 năm đối với nữ và 5 năm đối với nam. Hết thời hạn công tác nói trên, được cơ quan quản lý giáo dục có thẩm quyền sắp xếp luân chuyển công tác hoặc tạo điều kiện để nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục liên hệ chuyển công tác, giải quyết thuyên chuyển theo nguyện vọng; Nghị định số 19/2013/NĐ-CP ngày 23/2/2013 về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 61/2006/NĐ-CP ngày 20/06/2006 của Chính phủ... Nhưng thực tế sau khi hoàn thành thời gian công tác theo quy định thì việc chuyển công tác lại phụ thuộc rất nhiều yếu tố, do đó GV cắm bản vẫn đang ngày ngày lên lớp lấy tình yêu thương học sinh làm động lực, tận tâm với nghề vượt qua khó khăn, góp sức trong sự nghiệp trồng người dù phải chịu rất nhiều hy sinh, thiệt thòi.

Rời xa gia đình đến vùng sâu, vùng xa, đặc biệt khó khăn để dạy học, các GV cắm bản phải ở nhà tranh vách nứa, trèo đèo lội suối, đi bộ cả ngày đường để vận động học sinh đến lớp. Nhưng điều khó khăn và thử thách nhất với các GV vùng cao không phải sự gian nan trong việc gieo chữ, hay thiếu thốn về vật chất mà những điều chính đáng nhất của người phụ nữ là được yêu, được hạnh phúc lại khó thực hiện. Để hạn chế những câu chuyện buồn của GV cắm bản kể trên, ngành giáo dục nên chăng xây dựng và triển khai ngay dự án có ý nghĩa nhân văn về việc luân chuyển GV giữa các vùng. Sự bất an của đội ngũ GV về hạnh phúc, tương lai chắc hẳn là một trong những nguyên nhân dẫn đến chất lượng dạy và học sút kém và tỷ lệ học sinh bỏ học nhiều, nhất là ở những vùng khó khăn.
                           
Báo Cao Bằng

Có thể bạn quan tâm