Chuyện cô giáo vừa dạy chữ vừa gìn giữ văn hóa vùng cao

Sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Phú Yên, từ năm 2003 đến nay, cô giáo Lê Thị Thu Trang (sinh năm 1982, dân tộc Nùng) giáo viên Ngữ văn ở Trường Tiểu học và Trung học Cơ sở Eatrol (xã Ea Trol) đã gắn bó với việc dạy học cho những học sinh miền núi khó khăn của huyện Sông Hinh, tỉnh Phú Yên. Trong quá trình dạy học cô Trang có nhiều sáng kiến hay giúp học sinh học giỏi tiếng Việt và giữ gìn bản sắc văn hóa địa phương...

Những tiết học lôi cuốn
Dự một tiết học Ngữ văn ở lớp 6B thuộc Trường Tiểu học và Trung học Cơ sở Eatrol, chúng tôi thấy học sinh ở đây phát âm tiếng Việt rất rõ. Các em thích thú với những trò chơi nhỏ, đồ dung dạy học trực quan do cô Lê Thị Thu Trang thiết kế. Những cánh tay học sinh liên tục giơ cao xin cô giáo phát biểu. Trên vở, những con chữ được nhiều em viết nắn nót, sạch đẹp.

Em Niê Hờ Liết vui vẻ nói: Chúng em rất thích học giờ Ngữ văn của cô Trang vì không có nhiều áp lực. Cô dạy rất hấp dẫn, các em vừa được chơi vừa được học. Cô cũng luôn yêu thương, hướng dẫn tận tình cách phát âm đọc, viết tiếng Việt.

Còn em Ksơr Hờ Rim hứng thú với môn học Ngữ văn bởi cách truyền dạy nhẹ nhàng, gần gũi. Cô Lê Thị Thu Trang là người hiểu được tiếng Ê Đê nên những câu hỏi khó em có thể diễn giải bằng tiếng của dân tộc mình.

Trường Tiểu học và Trung học Cơ sở xã Eatrol có 652 học sinh với trên 95% là người đồng bào dân tộc thiểu số, chủ yếu là người Ê Đê. Việc học, đọc, viết tiếng Việt là điều khó khăn với học sinh ở đây. Là giáo viên Ngữ văn tâm huyết, cô giáo Lê Thị Thu Trang đã có nhiều sáng kiến dạy học phù hợp nhằm lôi cuốn học sinh.

Cô Lê Thị Thu Trang chia sẻ: Học sinh ở đây chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số nên thường có tâm lý ngại giao tiếp, các em rụt rè, e sợ khi trao đổi một vấn đề nào đó với giáo viên, khi trình bày một vấn đề thì lúng túng, sai lỗi chính tả nhiều. Vì thế tôi phải cố gắng tạo sự húng thú cho môn học. Tôi thường lồng ghép tiếng Việt trong tổ chức các hoạt động ghi nhật ký môn học; đóng vai các nhân vật trong tác phẩm văn học để kể chuyện dân gian, đọc thơ, ca dao… Nhờ có các thiết bị dạy học bổ trợ, tôi đã xây dựng thêm các trò chơi nhỏ vận dụng theo từng bài học để khơi dậy sự hứng thú, tự tin của học sinh.

Với những nỗ lực trong dạy học, cô Lê Thị Thu Trang đã bồi dưỡng được nhiều học sinh giỏi môn Ngữ văn cấp huyện, cấp tỉnh trong nhiều năm liền. Bản thân cô Trang là giáo viên dạy giỏi và nhiều sáng kiến dạy học được áp dụng dạy học tại Trường Tiểu học và Trung học Cơ sở Eatrol.

Thầy Lê Hoài Lâm, Hiệu trưởng Trường Tiểu học và Trung học Cơ sở Eatrol, cho biết: Cô Trang là người rất ham học hỏi và có nhiều sáng kiến dạy học để lôi cuốn học sinh của mình. Các sáng kiến này đã được áp dụng ở các khối lớp của nhà trường. Nhiều học sinh có sự tiến bộ rất rõ rệt về phát âm tiếng Việt, viết chính tả. Đặc biệt, nhiều em có sự tự tin, năng động đủ kiến thức tham gia thi chọn học sinh giỏi, thi kể chuyện... Đây là những điều mà không hề dễ dàng có được đối với học sinh vùng miền núi khó khăn.

Giữ văn hóa vùng cao

Không chỉ là một giáo viên yêu nghề, dạy giỏi, cô Lê Thị Thu Trang còn có nhiều tâm huyết trong việc giữ gìn, phát huy văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số. Bản thân cô đã tìm đến và mời các nghệ nhân dân gian ở địa phương cùng truyền dạy cho học sinh cách sử dụng nhạc cụ dân tộc, cách thêu hoa văn, đan gùi...

Cô Lê Thị Thu Trang tâm sự: Bản thân là người đồng bào dân tộc thiểu số nên tôi rất muốn văn hóa của dân tộc mình được gìn giữ. Ở một số chủ đề dạy học phù hợp hoặc những tiết dạy văn học địa phương, ngoại khóa tôi thường mời nghệ nhân hát khan (sử thi Ê Đê), nghệ nhân biểu diễn nhạc cụ dân tộc như Đàn T'rưng, Khèn “Đinh Năm”, sáo “Ẽ Tê Ky”, sáo “Đinh Tuốt” đến biểu diễn, giao lưu. Điều này nhằm khắc sâu bài học và lồng ghép giáo dục học sinh giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống. Bản thân cũng tự tìm hiểu và học biểu diễn, sử dụng những nhạc cụ dân tộc này. Thực tế các em học sinh rất thích thú với những buổi học như vậy.

Theo Trưởng ban Ban Dân tộc tỉnh Phú Yên Trương Văn Phương, tỉnh Phú Yên ở khu vực Nam Trung Bộ và có tới 31 dân tộc anh em cùng nhau sinh sống. Giữ gìn, phát huy và lan tỏa những nét đẹp văn hóa, nhất là ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số là điều cần thiết. Cách đưa văn hóa dân gian vào trường học để giới thiệu, giảng dạy như của cô Lê Thị Thu Trang rất đáng biểu dương và nhân rộng. Điều này góp phần để thế hệ trẻ ngày càng hiểu biết hơn, yêu hơn văn hóa của dân tộc mình.

Với những đóng góp tâm huyết của mình cho việc dạy học và giữ gìn văn hóa dân tộc thiểu số, năm học 2020-2021, cô Lê Thị Thu Trang đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo tặng Bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong công tác giáo dục học sinh tại các vùng biên giới và vùng có điều kiện kinh tế, xã hội khó khăn; Ủy ban Trung ương Hội Liên hiệp Thanh Niên Việt Nam tặng Bằng khen đã có thành tích xuất sắc trong sự nghiệp bồi dưỡng, giáo dục thế hệ trẻ; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc tặng Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp phát triển các dân tộc”.

Xuân Triệu

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm