Chương trình OCOP khẳng định vị thế nông sản địa phương ở Vĩnh Phúc

Nông dân cung cấp sữa bò tươi làm nguyên liệu chế biến các sản phẩm sữa cho HTX chăn nuôi bò sữa Tam Đảo Ảnh: Hoàng Hùng - TTXVN
Nông dân cung cấp sữa bò tươi làm nguyên liệu chế biến các sản phẩm sữa cho HTX chăn nuôi bò sữa Tam Đảo Ảnh: Hoàng Hùng - TTXVN

Hiện nay, tỉnh Vĩnh Phúc có 61 sản phẩm được chứng nhận Chương trình "Mỗi xã Một sản phẩm" (OCOP) đạt hạng 3 sao; trong đó, 17 sản phẩm đạt chất lượng 4 sao. Các sản phẩm OCOP không chỉ mở ra cơ hội phát triển nông nghiệp địa phương mà còn giúp người dân thay đổi tư duy sản xuất và nâng cao vị thế cạnh tranh trên thị trường.

Chương trình OCOP khẳng định vị thế nông sản địa phương ở Vĩnh Phúc ảnh 1Ông Phạm Văn Chén thôn Cầu Chang, xã Bồ Lý Tam Đảo thu hoạch sữa cung cấp cho HTX chăn nuôi bò sữa Tam Đảo Ảnh: Hoàng Hùng - TTXVN

Khai thác tiềm năng sẵn có

Toàn tỉnh Vĩnh Phúc hiện có 19 làng nghề truyền thống và 478 hợp tác xã; trong đó, 235 hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp… Ngoài ra, còn có một số vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung quy mô lớn phát triển khá toàn diện theo hướng tăng năng suất, nâng cao chất lượng như: chăn nuôi gia cầm ở Tam Dương, chăn nuôi bò sữa tại Vĩnh Tường, Lập Thạch, vùng sản xuất thanh long ruột đỏ ở Lập Thach, vùng sản xuất rau an toàn, rau nguyên liệu phục vụ chế biến ở Tam Dương... Đây là tiềm năng sẵn có để các tổ chức, cá nhân sản xuất những sản phẩm truyền thống, dịch vụ có lợi thế tham gia Chương trình OCOP, góp phần tạo ra những sản phẩm giá trị và có sức cạnh tranh trên thị trường.

Các sản phẩm OCOP của tỉnh Vĩnh Phúc ngày càng được chú trọng nâng cao chất lượng, đa dạng chủng loại, cải thiện đáng kể mẫu mã, bao bì, được nhiều người tiêu dùng biết đến, tin tưởng lựa chọn. Nhiều sản phẩm được các địa phương phát triển dựa trên lợi thế sẵn có, từ đó phát huy tối đa lợi thế, tiềm năng của mỗi địa phương như: Trà hoa vàng Tam Đảo; Tinh nghệ Tam Đảo, Đông Trùng hạ thảo, Thanh long đỏ Lập Thạch, Mật ong Tam Đảo... đều đạt tiêu chuẩn chứng nhận OCOP hạng 3 và 4 sao.

Chương trình OCOP khẳng định vị thế nông sản địa phương ở Vĩnh Phúc ảnh 2Ông Phạm Văn Chén, thành viên HTX chăn nuôi bò sữa Tam Đảo chăm sóc đàn bò sữa tại gia đình. Ảnh: Hoàng Hùng - TTXVN

Là một trong những đơn vị tiêu biểu trong Chương trình OCOP, Công ty cổ phần Ong Tam Đảo có trụ sở tại xã Đạo Đức, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc đi đầu trong Chương trình xây dựng sản phẩm OCOP ở địa phương, với 6 sản phẩm được chứng nhận sản phẩm OCOP đạt chất lượng 4 sao.

Bà Lê Thị Nga, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Ong Tam Đảo cho biết, Chương trình OCOP mang lại những giá trị tích cực và nâng tầm thương hiệu sản phẩm công ty. Hiện nay, công ty đã xây dựng được hơn 30 nhà phân phối, hơn 500 đại lý, cửa hàng bán lẻ trên toàn quốc. Đồng thời, sản phẩm của công ty cũng đã xuất khẩu ra thị trường nước ngoài. Để giữ vững thị trường, thời gian tới công ty tiếp tục đầu tư công nghệ, máy móc trong sơ chế, bảo quản và chế biến các sản phẩm ngành ong; đồng thời, không ngừng cải tiến mẫu mã, đa dạng hóa các sản phẩm, nhất là phát triển những dòng sản phẩm phục vụ du lịch.

Chương trình OCOP khẳng định vị thế nông sản địa phương ở Vĩnh Phúc ảnh 3HTX chăn nuôi bò sữa Tam Đảo là một trong những mô hình thành công với mô hình chuỗi liên kết hỗ trợ “đầu ra” sản phẩm tại Vĩnh Phúc. Ảnh: Hoàng Hùng - TTXVN

Mới đi vào hoạt động được 3 năm nay, nhưng các sản phẩm từ sữa bò của Hợp tác xã chăn nuôi bò sữa Tam Đảo, xã Bồ Lý, huyện Tam Đảo đã chinh phục được người tiêu dùng địa phương và từng bước vươn ra thị trường cả nước. Hiện nay, hơp tác xã có 3 sản phẩm chế biến từ sữa được công nhận là sản phẩm OCOP hạng 3 sao. Kể từ khi được công nhận OCOP, việc tiêu thụ sản phẩm cũng thuận lợi hơn rất nhiều. Đặc biệt, sản phẩm mỳ rau củ đang có mặt tại một số siêu thị, cửa hàng trên địa bàn và các tỉnh, thành phố khác.

Bà Kim Thị Tân, Phó Giám đốc Hợp tác xã chăn nuôi bò sữa Tam Đảo cho biết, các sản phẩm của hợp tác xã sau khi công nhận được sử dụng nhãn hiệu OCOP và thứ hạng sao in trên bao bì đã nâng tầm sản phẩm và tạo niềm tin đối với người tiêu dùng. Hợp tác xã đã tổ chức 3 điểm bán hàng trên địa bàn tỉnh và thúc đẩy hoạt động bán hàng online, mở rộng đối tượng khác hàng.

Chương trình OCOP khẳng định vị thế nông sản địa phương ở Vĩnh Phúc ảnh 4Nông dân cung cấp sữa bò tươi làm nguyên liệu chế biến các sản phẩm sữa cho HTX chăn nuôi bò sữa Tam Đảo Ảnh: Hoàng Hùng - TTXVN

Nâng tầm nông sản địa phương

Để tận dụng tiềm năng và lợi thế các sản phẩm OCOP của địa phương, đưa sản phẩm đến gần hơn với người tiêu dùng, thời gian qua Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Vĩnh Phúc đã đưa vào hoạt động 3 điểm giới thiệu, trưng bày, bán sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp, nông thôn tiêu biểu, nông sản, đặc sản vùng miền.

Cùng với đó, tỉnh hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, chủ thể ứng dụng công nghệ thông tin vào việc quản lý trên cơ sở phát huy hiệu quả chuyển đổi số, đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử, mở rộng thị trường tiêu thụ. Hỗ trợ các chủ thể triển khai các đề tài, dự án nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, ứng dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất kinh doanh các sản phẩm OCOP, nhất là ứng dụng các công nghệ sản xuất sản phẩm thân thiện với môi trường; quy hoạch, bảo tồn, phát triển các vùng sản xuất với các cây, con đặc sản để tạo ra sản phẩm OCOP đặc trưng của địa phương.

Năm 2022, tỉnh Vĩnh Phúc phấn đấu có thêm 30 sản phẩm được chứng nhận sản phẩm OCOP, hình thành 10 - 12 điểm trưng bày, giới thiệu và bán sản phẩm OCOP tại các trung tâm thương mại, khu du lịch, khu đô thị trên địa bàn tỉnh. Để hoàn thành mục tiêu, tỉnh yêu cầu các ngành chức năng chủ động khảo sát để tìm ra sản phẩm, nhóm sản phẩm có lợi thế của địa phương để tư vấn giúp các chủ thể mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao chất lượng, sản lượng, hoàn thiện kiểu dáng công nghiệp bao bì sản phẩm...

Chương trình OCOP khẳng định vị thế nông sản địa phương ở Vĩnh Phúc ảnh 5Đóng gói sản phẩm sữa tại HTX chăn nuôi bò sữa Tam Đảo (xã Bồ Lý, huyện Tam Đảo). Ảnh: Hoàng Hùng - TTXVN

Cùng với đó, hỗ trợ một phần kinh phí đầu tư công nghệ mới phục vụ sản xuất cho các cá nhân, đơn vị có sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP đạt chất lượng từ 3 sao trở lên; hỗ trợ quản lý nhãn hiệu sản phẩm OCOP, bao gồm cả chi phí đăng ký và thiết kế nhãn hiệu sản phẩm. Các đơn vị, cá nhân tham gia Chương trình OCOP cũng được hỗ trợ kinh phí trong quá trình tham gia xúc tiến thương mại tại các hội chợ; chi phí xây dựng Website quảng bá giới thiệu và bán sản phẩm.

Ông Hà Văn Quyết, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, sau 3 năm triển khai Chương trình, các sản phẩm OCOP đã khẳng định được vị thế, thương hiệu trên thị trường. Nhiều sản phẩm có thể vươn ra thị trường nước ngoài, góp phần đem lại thu nhập cho người dân và doanh nghiệp trên địa bàn. Đây là những hoạt động thiết thực để tham gia vào Chương trình xây dựng nông thôn mới của tỉnh Vĩnh Phúc.

Nguyễn Thảo

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm