Thanh Hóa tận dụng tiềm năng, lợi thế phát triển sản phẩm OCOP

Đa dạng chiếu cói Nga Sơn. Nguồn: langvietonline.vn
Đa dạng chiếu cói Nga Sơn. Nguồn: langvietonline.vn

Với diện tích đất rộng, địa hình đa dạng, có cả vùng núi, trung du, đồng bằng và ven biển, từ lâu Thanh Hóa đã nổi tiếng là vùng đất phong phú về sản vật tự nhiên và những sản phẩm hàng hóa đặc trưng. Đó chính là điều kiện lý tưởng để xây dựng, phát triển sản phẩm theo Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) - một bước đi mới trong xây dựng nông thôn mới ở Thanh Hóa.

Hiện nay, Thanh Hóa có 59 sản phẩm OCOP được công nhận đạt chuẩn từ 3 - 4 sao cấp tỉnh; trong đó, có 2 sản phẩm đang được đề xuất công nhận đạt chuẩn 5 sao cấp quốc gia. Thanh Hóa hiện xếp thứ 10 cả nước về số lượng sản phẩm đạt chuẩn OCOP và đặt ra mục tiêu cho giai đoạn 2020 - 2025 có thêm 5 sản phẩm OCOP đạt 5 sao, 100 sản phẩm từ 3 - 4 sao và hoàn thành ứng dụng công nghệ thông tin trong sản xuất, kinh doanh sản phẩm OCOP.

Qua khảo sát, tỉnh Thanh Hóa có 150 sản phẩm truyền thống; trong đó, không ít sản phẩm được bảo hộ chỉ dẫn địa lý như: Mắm tôm Hậu Lộc, chiếu cói Nga Sơn, bưởi Luận Văn, quế Ngọc Châu Thường và 23 sản phẩm được công nhận bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ. Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm đang là lợi thế của xứ Thanh và là động lực thúc đẩy nâng cao năng lực cạnh tranh, góp phần tạo nhiều việc làm cho lao động và tăng thu nhập cho người dân.

Thanh Hóa tận dụng tiềm năng, lợi thế phát triển sản phẩm OCOP  ảnh 1Nước mắm Ba Làng (Tĩnh Gia) được chọn làm sản phẩm OCOP giai đoạn đầu của tỉnh. Ảnh: baothanhhoa.vn

Ông Trần Đức Năng, Phó Chánh văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới tỉnh Thanh Hóa cho biết, tỉnh được đánh giá là một trong những địa phương giàu tiềm năng để phát triển sản phẩm OCOP, với các sản phẩm đa dạng và phong phú ở tất cả các lĩnh vực. Mặt khác, còn có 160 sản phẩm, nhóm sản phẩm khác nhau do các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, làng nghề và hộ gia đình trong tỉnh sản xuất có tiềm năng trở thành sản phẩm OCOP. Đó là chưa kể nhiều sản phẩm làng nghề truyền thống, đặc sản ẩm thực được người dân địa phương, khách hàng thập phương ưa chuộng như: chiếu Nga Sơn, tơ Hồng Đô, trống đồng Thiệu Hóa, nem chua... Đồng thời, Thanh Hóa có tới 155 làng nghề; trong đó, 47 làng nghề truyền thống với 23 nghề truyền thống đã được công nhận.

Thời gian qua, bên cạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân tích cực tham gia Chương trình OCOP, Thanh Hóa đã phân bổ nguồn ngân sách Trung ương hỗ trợ cho các cơ sở sản xuất hoàn thiện tem nhãn, bao bì, xúc tiến thương mại. Cùng với đó, xây dựng 5 điểm trưng bày và bán sản phẩm OCOP tại thành phố Thanh Hóa và huyện Nga Sơn nhằm quảng bá sản phẩm đến gần hơn với người tiêu dùng. Nhiều địa phương trong tỉnh cũng có cơ chế, chính sách hỗ trợ các chủ thể phát triển sản phẩm OCOP với mức từ 50 - 100 triệu đồng/sản phẩm.

Đến thăm Hợp tác xã Ong mật Hưởng Hoa, xã Thành Hưng, huyện Thạch Thành có sản phẩm mật ong được công nhận OCOP 3 sao. Bà Nguyễn Thị Hoa, Giám đốc Hợp tác xã cho biết, hợp tác xã đã đầu tư được công nghệ hạ thủy phần và khử men, nấm mốc, lọc mịn, xử lý mật ong đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. Sau khi được công nhận sản phẩm OCOP, lượng tiêu thụ mật ong tốt hơn, nhãn mác bao bì đẹp và hấp dẫn. Những thông tin cần thiết như: công dụng, thành phần, hướng dẫn cách sử dụng, bảo quản, ngày sản xuất, hạn sử dụng, mã vạch truy xuất nguồn gốc sản phẩm được in rõ ràng nên khách hàng yên tâm. Hợp tác xã đang tạo việc làm cho hàng trăm lao động địa phương có mức thu nhập khá...

Tại cơ sở sản xuất của Công ty TNHH Thực phẩm và Thương mại, Dịch vụ Lê Gia xã Hoằng Phụ, huyện Hoằng Hóa, chứng kiến không khí lao động của công nhân càng thấy thêm niềm tự hào của miền quê đất biển. Họ là những người góp phần không nhỏ trong việc xây dựng và phát triển sản phẩm truyền thống của địa phương. Nơi đây vừa được công nhận 3 sản phẩm OCOP 4 sao là nước mắm, mắm tôm và mắm tép.

Tuy nhiên, khi bắt đầu thực hiện Chương trình OCOP, tỉnh cũng gặp không ít khó khăn. Đó là nhận thức của người dân chưa đầy đủ về Chương trình, sản xuất hàng hóa thiếu tập trung, chưa xác định được mục tiêu của sản phẩm. Các sản phẩm đặc thù của địa phương còn manh mún, nhỏ lẻ, tự cung tự cấp. Người dân chưa chú trọng đến xây dựng, thiết kế mẫu mã bao bì sản phẩm chất lượng và đẹp mắt để thu hút người tiêu dùng. Ngoài ra, việc chỉ đạo, tuyên truyền, vận động tham gia thực hiện Chương trình còn hạn chế, chưa xác định được lợi ích tham gia, nhiều địa phương lúng túng trong việc thực hiện Chương trình.

Để khắc phục những hạn chế, Thanh Hóa rất cần một chiến lược và bước đi phù hợp, nhất là nguồn kinh phí hỗ trợ cho mỗi sản phẩm. Đặc biệt, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong quản lý, điều hành, triển khai thực hiện Chương trình và chú trọng nâng cấp các sản phẩm đăng ký tham gia, giám sát tiêu chuẩn chất lượng. Tỉnh cũng cần tăng cường quảng bá giới thiệu các sản phẩm OCOP, xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại, hỗ trợ kỹ thuật, ứng dụng khoa học công nghệ, tín dụng. Doanh nghiệp và người nông dân chú ý tới việc đẩy mạnh liên kết tiêu thụ, nâng cao giá trị thương hiệu tạo sự phát triển bền vững cho các sản phẩm OCOP.

Trịnh Duy Hưng

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm