Chương trình Mỗi xã một sản phẩm: Sóc Trăng phát triển sản phẩm OCOP theo chuỗi giá trị

Khách chọn mua đặc sản bánh Pía Sóc Trăng. Ảnh: Hồng Đạt - TTXVN
Khách chọn mua đặc sản bánh Pía Sóc Trăng. Ảnh: Hồng Đạt - TTXVN

Sóc Trăng đang triển khai nhiều giải pháp phát triển sản phẩm OCOP (mỗi xã một sản phẩm) theo chuỗi giá trị nhằm khơi dậy tiềm năng, lợi thế khu vực nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân; góp phần tiếp tục cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với phát triển tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề, dịch vụ và du lịch nông thôn, thúc đẩy kinh tế nông thôn phát triển bền vững.

Chương trình Mỗi xã một sản phẩm: Sóc Trăng phát triển sản phẩm OCOP theo chuỗi giá trị ảnh 1Khách chọn mua đặc sản bánh Pía Sóc Trăng. Ảnh: Hồng Đạt - TTXVN

Tỉnh Sóc Trăng phấn đấu đến năm 2025 có ít nhất 200 sản phẩm OCOP được công nhận đạt từ 3 sao trở lên; trong đó có 6 - 7 sản phẩm đạt 5 sao và nâng hạng ít nhất 50% sản phẩm OCOP đã được đánh giá và xếp hạng; có ít nhất 50% làng nghề truyền thống có sản phẩm OCOP; có ít nhất 30% chủ thể OCOP xây dựng được chuỗi giá trị theo hướng kinh tế tuần hoàn, OCOP xanh gắn với vùng nguyên liệu ổn định…

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Vương Quốc Nam, Chủ tịch Hội đồng đánh giá xếp hạng sản phẩm OCOP tỉnh, để đạt được mục tiêu, quan điểm của tỉnh là phát triển sản phẩm OCOP có thương hiệu, theo chuỗi giá trị dựa trên thế mạnh, lợi thế về nguyên liệu địa phương, văn hóa và tri thức bản địa; đặc biệt là các đặc sản, sản vật, sản phẩm làng nghề và dịch vụ du lịch của ấp, xã, cộng đồng theo hướng kinh tế tuần hoàn, đảm bảo hệ sinh thái bền vững.

Theo đó, các sản phẩm mới hình thành dựa trên ứng dụng khoa học công nghệ, nền tảng lợi thế của địa phương, có chất lượng nổi trội, đặc sắc; trong đó, ưu tiên: sản phẩm tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề truyền thống được nghệ nhân, cộng đồng sáng tạo; sản phẩm được chế biến từ sản phẩm đặc sản, nguyên liệu địa phương và tri thức bản địa; sản phẩm có đóng góp vào bảo tồn văn hóa truyền thống theo hướng phát huy nội lực, gia tăng giá trị, gắn với phát triển cộng đồng.

Chủ tịch Hội đồng đánh giá xếp hạng sản phẩm OCOP tỉnh Sóc Trăng khẳng định, địa phương phát huy vai trò của hệ thống chính trị, các ngành, các cấp, đặc biệt là cấp xã trong triển khai Chương trình OCOP; trong đó, Nhà nước giữ vai trò kiến tạo, ban hành cơ chế, chính sách thực hiện định hướng phát triển triển trục sản phẩm đặc sản của địa phương; tạo các vùng nguyên liệu để sản xuất hàng hóa; phát triển dịch vụ, tăng cường quản lý và giám sát tiêu chuẩn, chất lượng sản phẩm, an toàn thực thực phẩm. Nhà nước cũng tạo điệu kiều kiện hỗ trợ các chính sách như tín dụng, đào tạo, tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật, ứng dụng khoa học – công nghệ, xây dựng thương hiệu, bảo hộ sở hữu trí tuệ, xúc tiến thương mại và quảng bá sản phẩm OCOP…

Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Sóc Trăng Hứa Trường Sơn cho biết, hiện, Sóc Trăng có 189 sản phẩm được Hội đồng đánh giá xếp hạng sản phẩm OCOP tỉnh đánh giá từ 3 sao trở lên; trong đó, có 1 sản phẩm 5 sao, 19 sản phẩm 4 sao, 169 sản phẩm 3 sao của 120 chủ thế (20 doanh nghiệp, 20 hợp tác xã, 62 hộ kinh doanh). Nhiều sản phẩm đặc trưng, sản phẩm OCOP của tỉnh đã tạo thương hiệu cho từng địa phương, đem lại giá trị kinh tế cao, được nhiều thị trường trong và ngoài nước ưa chuộng như: bánh pía, bánh phồng tôm, bưởi năm roi, bưởi da xanh, vú sữa tím. Đặc biệt, Gạo ST25 của Sóc Trăng do doanh nghiệp Hồ Quang tại huyện Mỹ Xuyên sản xuất đã được công nhận là “Gạo ngon nhất thế giới năm 2019”…

Việc đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP sẽ góp phần giúp các chủ thể phát triển sản xuất, nâng cấp chất lượng sản phẩm cung ứng rộng rãi trên thị trường, quảng bá hình ảnh đặc trưng của địa phương thông qua sản phẩm đạt được xếp hạng sao, giúp tăng thu nhập cho chủ thể, tạo thêm việc làm cho lao động địa phương.

Thực tế, khi sản phẩm được tỉnh đánh giá, xếp hạng đạt sao OCOP thì nhiều chủ thể OCOP cho biết doanh nghiệp, cơ sở sản xuất sản phẩm OCOP nhận được đơn đặt hàng cung cấp cho các siêu thị, đại lý trong và ngoài tỉnh tăng lên từ 10 - 40%. Qua đó, mở ra hướng phát triển cho các vùng sản xuất nguyên liệu cũng như tạo ra các sản phẩm mang thương hiệu, uy tín, chất lượng và mở rộng thị trường cho các chủ thể OCOP.

Hiện, tỉnh đã và đang thúc đẩy phát triển thị trường, xây dựng cơ sở dữ liệu về thông tin thị trường đối với các sản phẩm OCOP; đồng thời, hỗ trợ điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP tại các khu vực đông dân cư, khu vực phát triển du lịch, các trung tâm thương mại.

Theo ông Hứa Trường Sơn, Sở tập trung chỉ đạo Trung tâm Xúc tiến thương mại tích cực, chủ động đẩy mạnh xúc tiến thương mại đối với các sản phẩm, nhất là các sản phẩm OCOP và sản phẩm OCOP tiềm năng của tỉnh. Ngoài ra, đơn vị cũng thông tin, vận động và tổ chức cho các doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia các kỳ hội chợ, triển lãm, hội nghị kết nối cung cầu, sự kiện xúc tiến thương mại trong và ngoài tỉnh để trưng bày, giới thiệu và quảng bá các sản phẩm hàng hóa đặc sản, chủ lực của tỉnh.

Sở Công Thương còn phối hợp các sở, ngành liên quan tiến hành xây dựng và xuất bản ấn phẩm xúc tiến thương mại, video clip để giới thiệu về từng loại sản phẩm OCOP của tỉnh; thực hiện tốt tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá các sản phẩm OCOP; phối hợp tổ chức các sự kiện OCOP, các chuyến kết nối cung – cầu, tạo lập thị trường cho các sản phẩm OCOP chủ lực của tỉnh. Đặc biệt, Sở còn tham dự các Hội chợ Xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP và sản phẩm đặc sản vùng miền tại các tỉnh, thành trong cả nước nhằm quảng bá, giới thiệu và phát triển sản phẩm OCOP, các sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu. Từ đó đẩy mạnh kết nối cung – cầu hàng hóa giữa các nhà sản xuất và các đầu mối tiêu thụ.

Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Sóc Trăng cho biết, tỉnh thực hiện các cơ chế, chính sách hỗ trợ xúc tiến thương mại, hỗ trợ về khoa học công nghệ để nâng cao năng suất, chất lượng và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, ngăn chặn và tiêu hủy các mặt hàng không đạt tiêu chuẩn… Qua đó nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP, đưa sản phẩm OCOP trở thành hàng hóa có thương hiệu với chất lượng đảm bảo được thị trường đón nhận.

Cùng đó, tỉnh tổ chức quản lý, điều hành hoạt động Trung tâm Thiết kế sáng tạo và Phát triển sản phẩm OCOP cấp tỉnh với chương trình khởi nghiệp, quáng bá, giới thiệu và thương mại sản phẩm OCOP, nhằm thu hút sự tham gia của các chủ thể và kết nối du lịch. Tỉnh cũng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong truyền thông; xây dựng hồ sơ và quản lý dữ liệu sản phẩm OCOP, số hóa quá trình tiếp nhận hồ sơ, chấm điểm, phân hạng sản phẩm; số hóa sản phẩm và xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc theo chuỗi giá trị sản phẩm OCOP, hướng tới hình thành hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia Chương trình OCOP.

Ngoài ra, Sóc Trăng còn từng bước thiết lập hệ thống giới thiệu và bán sản phẩm OCOP riêng, đặc trưng gắn với các sản phẩm quà tặng, quà biếu, sản phẩm đặc trưng địa phương. Tỉnh cũng khuyến khích và hỗ trợ các chủ thể OCOP tăng cường quảng bá thương hiệu, giới thiệu sản phẩm, hàng hóa, mở rộng kênh phân phối tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa thuộc các lĩnh vực đạt tiêu chuẩn chất lượng về an toàn vệ sinh thực phẩm, VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ… trên sàn thương mại điện tử.

Nhật Bình

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm