Chương trình ca cổ "Sóc Trăng miền đất thân thương"

Chương trình ca cổ "Sóc Trăng miền đất thân thương"
Chương trình ca cổ "Sóc Trăng miền đất thân thương" ảnh 1
Trao hoa cho các tác giả có tác phẩm tham gia chương trình.
Ảnh: Hoài Thu – TTXVN.

Chương trình quy tụ nhiều ca khúc ca ngợi quê hương Sóc Trăng như: Về Sóc Trăng yêu nét duyên trăng, Ngã Năm ngày ấy bây giờ, Nhớ quê, Bâng khuâng đêm Sóc Trăng, Miền đất ân tình… của các tác giả Trương Minh Châu, Trọng Sĩ, Thanh Cao. Ngoài ra, chương trình còn có các ca khúc về mẹ, ca khúc ca ngợi bác Hồ, về ngày 2 tháng 9 lịch sử như: Hát về mẹ, Lối ngã, Đẹp nắng Ba Đình… của các tác giả Nguyễn Tánh, Trọng Sĩ. 

Xuyên suốt chương trình, khán giả được đắm chìm trong những giai điệu lúc thì da diết, ngọt ngào, với những ca khúc về mẹ, khi thì tự hào, thiêng liêng với lòng thương nhớ Bác, xao xuyến, bâng khuâng nhớ về quê hương Sóc Trăng... Một lễ hội Ooc – Om – Bok đua ghe ngo náo nhiệt với những điệu múa Khmer rộn ràng phum sóc hay những ân tình, chiến công của quê hương Sóc Trăng, sự đoàn kết của ba dân tộc anh em Kinh – Hoa – Khmer… đã được tái hiện rõ nét, da diết đi vào lòng người qua tiếng hát của các nghệ sĩ, ca sĩ. 

Theo ông Trương Minh Châu, Phó Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Sóc Trăng: Những tác phẩm được giới thiệu trong chương trình năm nay là những tác phẩm chọn lọc, có đầu tư, được trau chuốt về nội dung và nghệ thuật. Các tác phẩm đã phản ánh những hoạt động trong đời sống của người dân Sóc Trăng, trong công cuộc xây dựng quê hương, qua đó nói lên truyền thống anh hùng, sự phát triển đi lên cũng như nét đẹp của quê hương Sóc Trăng. 
 
Ca khúc Về Sóc Trăng yêu nét duyên quê với sự trình bày của NSƯT Thanh Kim Hiền - nghệ sĩ Linh Tuấn. Ảnh: Hoài Thu – TTXVN
 Ca khúc Về Sóc Trăng yêu nét duyên quê với sự trình bày của NSƯT Thanh Kim Hiền - nghệ sĩ Linh Tuấn. Ảnh: Hoài Thu – TTXVN

Cũng theo ông Châu, ca cổ là nét đặc thù của người dân vùng sông nước Cửu Long nói chung và tỉnh Sóc Trăng nói riêng. Ca cổ gắn liền với đời sống người dân, là món ăn tinh thần bổ ích được người dân ưa chuộng. Phong trào ca cổ ở Sóc Trăng phát triển rất mạnh, từ những vùng sâu vùng xa đến vùng phố thị. Tiếng ca, tiếng đàn đã giúp người lao động giao lưu, học hỏi kinh nghiệm sản xuất, giao lưu văn hóa giữa các vùng miền để từ đó gắn kết cộng đồng trong đời sống xã hội, góp phần đưa phong trào văn nghệ Sóc Trăng ngày càng khởi sắc, đa dạng. 

Những năm qua, với sự quan tâm của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Sóc Trăng, Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Sóc Trăng đã tổ chức nhiều hội thi như: Thi sáng tác ca cổ, hội thi đờn ca tài tử, liên hoan đờn ca tài tử… và tổ chức các chuyến giao lưu, đi thực tế để tạo điều kiện cho văn nghệ sĩ tìm cảm hứng sáng tác. Phân hội sân khấu của Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Sóc Trăng với trên 40 hội viên tổ chức sinh hoạt thường xuyên, là nơi để hội viên giao lưu, trình diễn, sinh hoạt văn nghệ và rèn luyện, phát huy năng khiếu sáng tác để hình thành nhiều tác phẩm phục vụ công chúng. 

Chương trình “Sóc Trăng, miền đất thân thương” được tổ chức hàng năm nhằm góp phần phục vụ công tác tuyên truyền các nhiệm vụ chính trị trọng tâm của địa phương. Chương trình là dịp quảng bá những sáng tác mới của hội viên hội văn học nghệ thuật tỉnh Sóc Trăng và phục vụ công chúng trên địa bàn. 

Hoài Thu
TTXVN

Có thể bạn quan tâm