Chương trình 135 góp phần thay đổi đời sống đồng bào vùng cao Ninh Thuận

Chương trình 135 góp phần thay đổi đời sống đồng bào vùng cao Ninh Thuận
Đường giao thông liên thôn được bê tông hóa ở xã Công Hải (huyện Thuận Bắc, Ninh Thuận). Ảnh: Nguyễn Thành – TTXVN
Đường giao thông liên thôn được bê tông hóa ở xã Công Hải (huyện Thuận Bắc, Ninh Thuận). Ảnh: Nguyễn Thành – TTXVN

Ninh Thuận hiện có 15 xã, 17 thôn đặc biệt khó khăn được hưởng chính sách đầu tư từ Chương trình 135. Trong giai đoạn 2016 - 2020, toàn tỉnh có trên 19.240 hộ với trên 81.200 khẩu, trong đó có trên 15.450 hộ đồng bào dân tộc thiểu số với 77.260 khẩu được hưởng lợi từ Chương trình 135 với tổng kinh phí thực hiện trên 132,7 tỉ đồng, trong đó ngân sách Trung ương gần 127 tỉ đồng, còn lại là ngân sách địa phương.

Từ nguồn kinh phí này, Ninh Thuận phân bổ cho các địa phương thuộc diện thụ hưởng triển khai các dự án gồm: Hỗ trợ đầu tư xây dựng mới, duy tu bảo dưỡng cơ sở hạ tầng; đa dạng sinh kế và nhân rộng các mô hình giảm nghèo bền vững; nâng cao năng lực cho cộng đồng và cán bộ cơ sở làm công tác giảm nghèo ở địa bàn các xã, thôn đặc biệt khó khăn.

Ông Lê Thanh Hùng, Phó Trưởng ban Dân tộc tỉnh Ninh Thuận cho biết, để phát huy hiệu quả tối đa, nguồn vốn của Chương trình 135 được các địa phương công khai. Đối với mỗi công trình, dự án, chính quyền địa phương đều tổ chức họp lấy ý kiến đóng góp của người dân trước khi thực hiện. Bà con tham gia tất cả các công đoạn từ khâu lựa chọn danh mục công trình đến giám sát thực hiện, vận hành, quản lý duy tu bảo dưỡng công trình thông qua Ban Giám sát cộng đồng.

Năm 2019, tỉnh dành gần 21 tỉ đồng hỗ trợ xây dựng 44 hạng mục công trình, duy tu bảo dưỡng 9 công trình giao thông, trường học, nhà sinh hoạt cộng đồng, trạm y tế... Bên cạnh đó, tỉnh dành trên 5,1 tỉ đồng thực hiện 26 dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, nhân rộng 3 mô hình giảm nghèo bền vững với nhiều mô hình sản xuất đạt hiệu quả cao, trong đó có các mô hình nuôi bò, dê, cừu sinh sản kết hợp trồng mỳ (sắn), bắp (ngô) lai cao sản, trồng các loại cây công nghiệp, ăn quả đặc sản tại các huyện miền núi Bác Ái, Thuận Bắc, Ninh Sơn. Các địa phương thường xuyên mở nhiều lớp tập huấn về kỹ thuật trồng trọt và chăn nuôi, hướng dẫn người dân áp dụng các tiến bộ khoa học, công nghệ vào sản xuất.

Chương trình 135 hỗ trợ bò cái sinh sản giúp đồng bào Raglai ở xã Công Hải (huyện Thuận Bắc, Ninh Thuận) phát triển chăn nuôi. Ảnh: Nguyễn Thành – TTXVN
Chương trình 135 hỗ trợ bò cái sinh sản giúp đồng bào Raglai ở xã Công Hải (huyện Thuận Bắc, Ninh Thuận) phát triển chăn nuôi. Ảnh: Nguyễn Thành – TTXVN

Theo đánh giá của Ban Dân tộc tỉnh Ninh Thuận, các xã, thôn đặc biệt khó khăn được thụ hưởng từ Chương trình 135 đang có những bước chuyển biến tích cực; đời sống nông thôn ngày càng khởi sắc với hệ thống cơ sở hạ tầng được cải thiện rõ rệt, các công trình giao thông, thủy lợi, nước sinh hoạt, trường lớp, y tế phát huy hiệu quả. Nhận thức của người dân, nhất là đồng bào các dân tộc thiểu số về tập quán canh tác, sản xuất dần được thay đổi; đời sống vật chất và tinh thần của bà con từng bước được nâng cao.

Nhờ phát huy hiệu quả nguồn vốn từ Chương trình 135 cùng chương trình xây dựng nông thôn mới, năm 2019 Ninh Thuận có 11 thôn hoàn thành mục tiêu Chương trình 135. Đến nay, 100% xã đặc biệt khó khăn có điện lưới quốc gia; 100% xã có trạm y tế; 98% hộ gia đình được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; 80% xã đặc biệt khó khăn có đường nhựa, bê tông đến trung tâm xã... Dự kiến đến hết năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo ở các xã, thôn đặc biệt khó khăn giảm còn 29,12%, hộ cận nghèo giảm còn 11,55%.

Bên cạnh kết quả đạt được, việc thực hiện Chương trình 135 tại Ninh Thuận cũng gặp nhiều hạn chế, khó khăn. Do xuất phát điểm thấp nên nhu cầu đầu tư về cơ sở hạ tầng rất lớn, trong khi định mức vốn hàng năm phân bổ thấp so với nhu cầu, địa bàn thực hiện chương trình chủ yếu có địa hình đồi núi, khí hậu khô nóng khắc nghiệt, chất lượng nguồn nhân lực thấp đã làm ảnh hưởng rất lớn đến kết quả thực hiện các chỉ tiêu của chương trình...

Khắc phục tình trạng trên, thời gian tới, Ninh Thuận tiếp tục triển khai đồng bộ các dự án thành phần của Chương trình 135; huy động các nguồn lực từ Trung ương và địa phương. Cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước, tỉnh tăng cường công tác tuyên truyền vận động bà con dân tộc thiểu số nâng cao nhận thức, phát huy nội lực, vượt khó vươn lên, tích cực sản xuất, phát triển kinh tế để giảm nghèo bền vững.
Nguyễn Thành

Có thể bạn quan tâm