Chuối mật mốc - tên xấu nhưng hiệu quả kinh tế cao

Chuối mật mốc - tên xấu nhưng hiệu quả kinh tế cao
Trong những ngày giáp tết Đinh Dậu cổ truyền, lượng xe, người chở chuối tập trung về đây đông lên gấp bội, người xe vào ra tấp nập, cười nói, tính toán trả tiền cho nhau vang cả một đoạn đường. Mặc cái rét đầu đông của vùng rẻo cao, trên gương mặt lấm tấm mồ hôi của người bán lẫn người mua, cười nói vui vẻ, bởi giá chuối năm nay đạt bình quân từ 6.000 – 8.000 đồng/kg, cao hơn từ 1.000 – 1.500 đồng/kg so với cùng kỳ năm trước. 

Hơn 20 năm nay, xã Tân Long đã được người dân tỉnh Quảng Trị và một số tỉnh thành lân cận mặc định đây là xứ sở của chuối, đặc biệt là chuối mật mốc (ở miền Bắc còn gọi là chuối ngự), loại chuối có nhiều chất bổ dưỡng, khoáng chất và giàu vitamin rất tốt cho sức khỏe con người và cũng là loại chuối được các gia đình dùng để thờ cúng tổ tiên. 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Theo nhiều người dân lớn tuổi ở xã Tân Long, chuối mật mốc bắt đầu được người dân trồng trên địa bàn xã vào khoảng những năm đầu thập niên 80 của thế kỷ trước, thường để người dân địa phương thờ cúng và sử dụng trong sinh hoạt. Đến thập niên 90 cùng thế kỷ, do nhu cầu sử dụng chuối của người dân tỉnh Quảng Trị và một số tỉnh xung quanh như Thừa Thiên - Huế, Quảng Bình, Hà Tĩnh,… tăng cao, nên người trồng chuối ở Tân Long đã dần mở rộng, chuyển đổi những diện tích trồng hoa màu không hiệu quả sang trồng chuối. 

Đặc biệt, trong 5 - 7 năm trở lại đây, khi thị trường chuối Tân Long được mở rộng từ Hà Nội vào đến Cà Mau và sang một số nước như Trung Quốc, Lào, Camphuchia, Thái Lan,… thì chuối Tân Long dường như trở thành thương hiệu nổi tiếng như bưởi Năm Roi (Tây Nam bộ), cam Xã Đoài (nghệ An), nhãn lồng (Hưng Yên)…trên thị trường tiêu dùng, bởi tại các nhà hàng, khách sạn ở Quảng Trị nói riêng và các tỉnh Bắc Trung bộ nói chung, trong khẩu phần ăn của khách lưu trú đều có món chuối Tân Long để tráng miệng sau bữa ăn. 

Hiện nay, mỗi ngày bình quân trên địa bàn xã Tân Long có khoảng 7 - 8 chiếc xe tải thu mua khoảng 100 tấn chuối để cung cấp cho thị trường xuất khẩu và một số tỉnh thành trong nước. 

Ai đã có dịp đi qua xã Tân Long đều ngợp mắt trước sắc xanh của bạt ngàn nương rẫy trồng chuối. Theo thống kê của Ủy ban nhân dân xã Tân Long, hiện nay trên địa bàn xã có 609 ha đất trồng chuối của 760 hộ dân. Ngoài trồng chuối trên đất của xã, người dân Tân Long còn phối hợp với các hộ dân ở những xã liền kề và các xã của nước bạn Lào tiếp giáp trồng khoảng 1.105 ha. Trồng chuối cho năng suất bình quân khoảng 15 tấn/ha/năm, với giá cả thị trường hiện tại là 7.000 đồng/kg, mỗi ha chuối cho người trồng đạt doanh thu khoảng 105 triệu đồng/năm, cao hơn nhiều so với các loại cây trồng khác. Ngoài bán quả ra, người trồng chuối còn bán được cả lá chuối cho các hộ sản xuất giò chả, gói bánh, còn thân chuối sau khi thu hoạch thì được tận thu làm thức ăn chăn nuôi. 

Theo ông Võ Văn Cương - Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Tân Long, người trồng chuối ở Tân Long chỉ tốn chi phí giống cây trồng, công trồng và chăm sóc ban đầu hết khoảng 20% doanh số thu được, ngoài ra không phải tốn phân bón, thuốc bảo vệ thực vật… như những cây trồng khác. Đặc biệt đây là loại cây trồng được trên tất cả các địa hình của Quảng Trị. Với 609 ha trồng chuối trên địa bàn đã cho xã Tân Long đạt doanh thu gần 64 tỷ đồng, sau khi trừ đi các chi phí còn lãi được trên 50 tỷ đồng/năm mà chưa kể đến doanh thu từ 1.105 ha chuối mà các hộ dân trong xã phối hợp trồng ở các địa phương tiếp giáp với địa giới hành chính xã. 

Nhờ trồng chuối cho thu nhập cao, ổn định mà ít tốn công sức nên người dân xã Tân Long đang tận dụng tất cả diện tích bỏ hoang trên địa bàn xã để trồng chuối như hộ ông Mai Chính Hữu ở thôn Long Hồng trồng 16 ha chuối; hộ anh Lê Phong ở thôn Long Quang trồng 14 ha; hộ ông Vũ Tấn Lực ở thôn Long Dân trồng 14 ha… đều có thu nhập trên 1 tỷ đồng/năm. 

Ông Hồ Vít (87 tuổi) ở thôn Long Quang, xã Tân Long chia sẻ: Ngày xưa chưa trồng chuối, dân mình khổ lắm, thiếu thốn đủ bề. Nay nhờ cây chuối nhà nào cũng có của ăn của để, con cái được học hành đến nơi đến chốn, làm được nhà ở kiên cố không sợ mưa bão, nắng nóng như trước đây nữa. Mọi nhà đều có xe máy, ti vi, tủ lạnh, điện thoại, nhiều nhà còn mua được 2 - 3 chiếc xe máy, ô tô để đi. 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Cũng theo ông Võ Văn Cương, nhờ đưa cây chuối vào thâm canh sản xuất hàng hóa nên đã đưa giá trị sử dụng đất của bà con lên cao và ổn định hơn so với các cây trồng khác. Qua đó, ổn định đời sống sản xuất trong nhân dân. Cây chuối trực tiếp giải quyết việc làm thường xuyên cho khoảng 200 lao động và gián tiếp nhiều lao động trên địa bàn xã, với công nhật bình quân từ 200.000 đồng - 450.000 đồng. 

Hiện xã Tân Long đã phổ cập Mầm non, Trung học cơ sở, đặc biệt là tỷ lệ trẻ bỏ học đang giảm dần, ngày càng có nhiều con em của xã đạt học sinh giỏi các cấp và tỷ lệ học sinh thi đậu đậu đại học, cao đẳng cũng tăng dần hàng năm. 

Tuy là một địa phương miền núi có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống nhưng vừa qua xã Tân Long đã hoàn thành 17 tiêu chí Xây dựng nông thôn mới, còn 2 tiêu chí Giáo dục và Thiết chế văn hóa vừa được xã thực hiện hoàn tất và đang đề nghị Ban chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Quảng Trị công nhận hoàn thành 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới./. 
TTXVN

Có thể bạn quan tâm