Chuẩn bị chu đáo Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch đồng bào Khmer Nam Bộ

Chuẩn bị chu đáo Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch đồng bào Khmer Nam Bộ

Chiều 7/10, tỉnh Sóc Trăng họp triển khai công tác tổ chức Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch đồng bào Khmer Nam Bộ lần thứ VIII năm 2022 và Lễ hội Oóc om bóc - Đua ghe ngo Sóc Trăng lần thứ V, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Tại cuộc họp, các đại biểu đã thông qua quyết định về việc thành lập Ban tổ chức của tỉnh đăng cai Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch đồng bào Khmer Nam Bộ lần thứ VIII năm 2022 tại tỉnh Sóc Trăng và các kế hoạch tổ chức. Theo đó, Ngày hội được khai mạc chính thức vào tối 6/11 với chủ đề: “Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa đồng bào Khmer Nam Bộ, bình đẳng, đoàn kết, hội nhập và phát triển”. Các hoạt động của Ngày hội được tổ chức trong 3 ngày, từ 6-8/11, với sự tham gia của 12 tỉnh, thành phố là: Sóc Trăng, Bạc Liêu, Vĩnh Long, Trà Vinh, An Giang, Kiên Giang, Hậu Giang, Cà Mau, Tây Ninh, Bình Phước, Cần Thơ và Thành phố Hồ Chí Minh. Ngày hội sẽ gồm nhiều hoạt động văn hóa, hoạt động thể thao, trưng bày, quảng bá, xúc tiến du lịch, giới thiệu, quảng bá du lịch vùng miền và tỉnh Sóc Trăng.

Chuẩn bị chu đáo Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch đồng bào Khmer Nam Bộ ảnh 1Quang cảnh cuộc họp Ban tổ chức Ngày hội Văn hóa Thể thao du lịch đồng bào Khmer Nam Bộ. Ảnh: Trung Hiếu - TTXVN

Cùng với Ngày hội, Lễ hội Oóc om bóc - Đua ghe ngo Sóc Trăng lần thứ V, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long năm 2022 dự kiến diễn ra trong 5 ngày, từ 4-8/11. Lễ hội sẽ gồm các hoạt động chính như giải đua ghe ngo; phục dựng lễ cúng trăng; trình diễn Lôiprotip và ghe Cà Hâu; triển lãm lưu động ảnh; tư liệu tuyên truyền về dân tộc, tôn giáo ở cơ sở năm 2022; lễ tổng kết trao giải thưởng văn học, nghệ thuật tỉnh Sóc Trăng lần thứ nhất năm 2022; hội chợ xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP và đặc sản vùng miền Sóc Trăng năm 2022; liên hoan ẩm thực đường phố “Hương vị Sóc Trăng”…

Tại cuộc họp, các đại biểu trao đổi ý kiến về chương trình buổi lễ khai mạc, đại biểu khách mời, việc công bố logo du lịch của tỉnh, dự thảo kịch bản, công tác vận động tài trợ và những vấn đề liên quan công tác tổ chức, nhằm đảm bảo ngày hội diễn ra an toàn, tiết kiệm, nhưng vẫn đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc.

Phát buổi tại cuộc họp, ông Trần Văn Lâu, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng đã cơ bản thống nhất các nội dung để xin ý kiến Ban Thường vụ Tỉnh ủy; đồng thời phân công nhiệm vụ các thành viên cần tập trung làm ngay với tinh thần khẩn trương. Nội dung phải thể hiện nét văn hóa đặc trưng truyền thống của đồng bào dân tộc, phần nghi lễ trang trọng, thiêng liêng và trung thực với lịch sử.

Lãnh đạo tỉnh cũng đề nghị sau cuộc họp, Ban Tổ chức thành lập các tổ giúp việc và tăng cường công tác tuyên truyền, quảng bá nhằm chuẩn bị chu đáo, tốt nhất cho 2 sự kiện quan trọng này; tuyệt đối đảm bảo an ninh trật tự, an toàn trong thời gian tổ chức lễ hội.

Trung Hiếu

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm