Chủ trương bố trí Bí thư cấp ủy không là người địa phương đã tạo bước đột phá trong công tác cán bộ

Chủ trương bố trí Bí thư cấp ủy không là người địa phương đã tạo bước đột phá trong công tác cán bộ

Thực hiện chủ trương luân chuyển, bố trí cán bộ chủ chốt không phải là người địa phương, đến nay, toàn huyện Sơn Dương (Tuyên Quang) có 20/31 xã có Bí thư cấp ủy không phải người địa phương. Qua đó, giúp nhiều địa phương có những đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội, được cán bộ, đảng viên và nhân dân ghi nhận đánh giá cao.

Xã Sơn Nam, huyện Sơn Dương có trên 2.500 hộ dân với hơn 10.300 nhân khẩu. Trong 2 năm trở lại đây, xã đã có bước phát triển vượt bậc; hoàn thành 19/19 chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới nâng cao; hạ tầng nông thôn ngày càng được đầu tư đồng bộ (tỷ lệ đường trục thôn, liên thôn đã được bê tông hóa đạt trên 70%, đường trục chính nội đồng được cứng hóa đạt trên 70%); trên 99% hộ dân có nhà ở đạt chuẩn; tỷ lệ hộ nghèo toàn xã giảm còn 2,62%; thu nhập bình quân đầu người toàn xã đạt 45 triệu đồng/người/năm…

Chủ trương bố trí Bí thư cấp ủy không là người địa phương đã tạo bước đột phá trong công tác cán bộ ảnh 1 Bí thư Đảng ủy xã Sơn Nam (Sơn Dương, Tuyên Quang) Dương Chí Thành (ngoài cùng, bên phải) đi cơ sở nắm bắt tâm tư nguyện vọng của người dân thôn Cầu Cháy. Ảnh: Quang Cường - TTXVN

Ông Dương Chí Thành, Bí thư Đảng ủy xã Sơn Nam chia sẻ, tháng 3/2019, ông nhận quyết định luân chuyển về đảm nhận chức vụ Bí thư Đảng ủy xã Sơn Nam. Thời gian đầu khi nhận nhiệm vụ, ông gặp không ít khó khăn bởi Sơn Nam là xã cửa ngõ phía Nam của tỉnh, của huyện, có diện tích tương đối lớn, thành phần dân cư khá đa dạng… Để nhanh chóng làm quen với địa bàn mới, ông tích cực xuống cơ sở gặp gỡ nhân dân, cán bộ, đảng viên, trao đổi, tìm hiểu tâm tư nguyện vọng của người dân... Từ đó cùng Ban Chấp hành Đảng bộ xã, Ban Thường vụ Đảng ủy, tập thể bàn bạc và đưa ra các giải pháp nhằm đưa xã Sơn Nam ngày càng phát triển.

Xác định việc phát triển hệ thống giao thông để tạo đà phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân là nhiệm vụ then chốt trong xây dựng nông thôn mới nâng cao, Bí thư Đảng ủy xã Sơn Nam Dương Chí Thành thường xuyên đi cơ sở gặp gỡ, trao đổi, vận động người dân giải phóng mặt bằng, hiến đất làm đường thực hiện các dự án đang được triển khai trên địa bàn xã.

Chủ trương bố trí Bí thư cấp ủy không là người địa phương đã tạo bước đột phá trong công tác cán bộ ảnh 2Bí thư Đảng ủy xã Sơn Nam (Sơn Dương, Tuyên Quang) Dương Chí Thành điều hành cuộc họp triển khai công việc của xã Sơn Nam. Ảnh: Quang Cường - TTXVN

Ông Đỗ Cao Phong, xã Sơn Nam, huyện Sơn Dương cho biết, từ sự vận động, phân tích của cán bộ xã về lợi ích của việc phát triển, mở rộng các tuyến đường giao thông, gia đình ông đã quyết định hiến hơn 400 m2 đất để làm cầu tràn đi qua thôn Đồng Cháy. Nhờ đó, giao thương hàng hóa thuận tiện, không còn hiện tượng bị thương lái ép giá, điều kiện kinh tế của người dân tốt hơn.

Sau hơn 3 năm đảm nhiệm chức vụ Bí thư Đảng ủy xã Sơn Nam với kinh nghiệm cùng năng lực lãnh đạo, ông Dương Chí Thành đã vượt qua khó khăn, đưa xã Sơn Nam trở thành xã nông thôn mới nâng cao vào năm 2021; phấn đấu trở thành xã nông thôn mới kiểu mẫu trong năm 2022; đặt mục tiêu đến năm 2025 trở thành đô thị loại V.

Theo ông Hoàng Lục Thái, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Sơn Nam, huyện Sơn Dương, chủ trương luân chuyển người đứng đầu cấp ủy không phải người địa phương là đúng đắn, bước đầu tạo nên đột phá trong công tác cán bộ. Đồng thời đã hạn chế được tình trạng nể nang, cục bộ trong dòng họ khi xử lý những sai phạm. Bên cạnh đó, việc luân chuyển cán bộ đã phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu, phương thức lãnh đạo của các cấp ủy Đảng cũng được đổi mới rõ rệt; từ đó nâng cao hiệu quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo.

Chủ trương bố trí Bí thư cấp ủy không là người địa phương đã tạo bước đột phá trong công tác cán bộ ảnh 3Bí thư Đảng ủy xã Sơn Nam (Sơn Dương, Tuyên Quang) Dương Chí Thành (bên phải) đi cơ sở nắm bắt tâm tư nguyện vọng của người dân thôn Cầu Cháy. Ảnh: Quang Cường - TTXVN

Bí thư Huyện ủy Sơn Dương Nguyễn Thị Thanh Huyền cho biết, hiện huyện Sơn Dương đã bố trí, sắp xếp được 20/31 xã thực hiện Bí thư cấp ủy không phải là người địa phương. Trong quá trình thực hiện cho thấy đây là chủ trương có ý nghĩa hết sức quan trọng nhằm đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng cán bộ có hiệu quả. Những cán bộ được luân chuyển giữ chức vụ Bí thư cấp ủy xã thời gian vừa qua đã phát huy được năng lực, sở trường, vai trò và tâm huyết, khắc phục được tình trạng cục bộ tại cơ sở, giải quyết được nhiều vấn đề còn tồn tại của cấp ủy, chính quyền địa phương, được cán bộ đảng viên và nhân dân đánh giá cao. Thời gian tới, Ban Thường vụ Huyện ủy Sơn Dương tiếp tục chỉ đạo quyết liệt và đẩy mạnh hơn nữa việc luân chuyển cán bộ từ nơi khác về giữ vị trí người đứng đầu cấp ủy và tiếp tục củng cố vững chắc niềm tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng, chính quyền.

Với sự chỉ đạo quyết liệt, đẩy nhanh việc luân chuyển cán bộ từ nơi khác về giữ vị trí người đứng đầu cấp ủy, huyện Sơn Dương bước đầu đã tạo nên đột phá trong công tác cán bộ, mang lại những luồng gió mới cho cơ sở, tạo được sự đồng thuận, tăng niềm tin của nhân dân với Đảng, chính quyền.

Quang Cường

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm