Chủ tịch nước Trần Đại Quang dự lễ kỷ niệm 185 năm Ngày thành lập tỉnh Lạng Sơn

Chủ tịch nước Trần Đại Quang dự lễ kỷ niệm 185 năm Ngày thành lập tỉnh Lạng Sơn
Chủ tịch nước Trần Đại Quang phát biểu tại Lễ kỷ niệm 185 năm Ngày thành lập tỉnh Lạng Sơn (4/11/1831 - 4/11/2016). Ảnh: Nhan Sáng-TTXVN
Chủ tịch nước Trần Đại Quang phát biểu tại Lễ kỷ niệm 185 năm Ngày thành lập tỉnh Lạng Sơn (4/11/1831 - 4/11/2016). Ảnh: Nhan Sáng-TTXVN

Lạng Sơn nằm ở cửa ngõ phía Bắc của Tổ quốc, với bề dày truyền thống lịch sử, văn hóa lâu đời, cùng với quá trình đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam. Trải qua các thời kỳ lịch sử dân tộc, các triều đại đã đặt Lạng Sơn với các tên gọi như: Đạo, Lộ, Châu, Trân, Thừa Tuyên. Đến Triều đại nhà Nguyễn, ngày mồng một tháng mười năm Tân Mão 1831 (tức ngày 4/11/1831) năm Minh Mệnh thứ 12 đã ban hành sắc chỉ chia định địa hạt phía Bắc thành 18 tỉnh, trong đó có tỉnh Lạng Sơn. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử, tên gọi “Tỉnh Lạng Sơn” xuất hiện, đánh dấu mốc quan trọng và mở ra một thời kỳ mới trong tiến trình hình thành và phát triển của một mảnh đất anh dũng kiên cường, giàu bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc nơi biên cương của Tổ quốc. Chính sự kiện năm 1831 là cứ liệu lịch sử quan trọng để ngày 15/7/2009, tại kỳ họp thứ 14, Hội đồng nhân dân tỉnh Lạng Sơn khóa XIV đã Quyết nghị thông qua và lấy ngày 04/11/1831 là Ngày thành lập tỉnh Lạng Sơn. Đến nay, tỉnh Lạng Sơn có 10 huyện và 1 thành phố: Huyện Bắc Sơn, huyện Bình Gia, huyện Cao Lộc, huyện Chi Lăng, huyện Đình Lập, huyện Tràng Định, huyện Lộc Bình, huyện Văn Lãng, huyện Văn Quan, huyện Hữu Lũng và thành phố Lạng Sơn.

 

Lạng Sơn - vùng đất biên cương phía Bắc của Tổ quốc, có vị trí chiến lược về kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng và đối ngoại của cả nước. Với vị trí “phên dậu” phía Bắc của Tổ quốc, Lạng Sơn luôn là địa bàn đặc biệt quan trọng trong lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc. Từng tấc đất nơi này đã ghi dấu những chiến công hiển hách trong công cuộc đấu tranh chống giặc ngoại xâm của dân tộc, những địa danh nổi tiếng như Mục Nam Quan, Ải Chi Lăng, Mã Yên Sơn, Bắc Sơn, đèo Bông Lau, Đường số 4… là “cảng nổi” kiên cường trong những năm chống Mỹ cứu nước, ra sức chi viện sức người, sức của cho sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước; bảo vệ vững chắc biên giới thiêng liêng của Tổ quốc.

 

Ngày nay, trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước, vững tin vào đường lối lãnh đạo của Đảng, cán bộ, đảng viên và nhân dân các dân tộc tỉnh Lạng Sơn tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng, nêu cao tinh thần tự chủ, tập trung trí tuệ, vượt qua mọi khó khăn thử thách. Cùng với cả nước, đến nay công cuộc đổi mới của tỉnh đã đạt được nhiều thành tựu to lớn trên các mặt như: Quốc phòng - an ninh được củng cố, kinh tế tăng trưởng nhanh và tương đối ổn định, GDP bình quân được giữ vững, văn hóa - xã hội ngày một phát triển, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được cải thiện rõ rệt. Đồng thời, tiếp tục khẳng định vị trí, tầm quan trọng về kinh tế, văn hóa, chính trị, quân sự và ngoại giao đối với vùng Đông Bắc nói riêng và cả nước nói chung.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang với các đại biểu tại Lễ kỷ niệm. Ảnh: Nhan Sáng-TTXVN
Chủ tịch nước Trần Đại Quang với các đại biểu tại Lễ kỷ niệm.
Ảnh: Nhan Sáng-TTXVN
 

Phát biểu tại Lễ kỷ niệm, Chủ tịch nước Trần Đại Quang nhiệt liệt chúc mừng những thành tựu của tỉnh Lạng Sơn đạt được trong thời gian qua. Chủ tịch nước biểu dương, trong thời kỳ xây dựng, đổi mới, phát triển đất nước, Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Lạng Sơn tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng, tinh thần lao động cần cù, sáng tạo, vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, huy động các nguồn lực, khai thác tiềm năng, lợi thế, xây dựng tỉnh nhà ngày càng phát triển trên các lĩnh vực. Những thành tựu to lớn, toàn diện mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Lạng Sơn đạt được trong thời gian qua là rất đáng tự hào, thể hiện tinh thần đoàn kết, ý chí tự lực, tự cường, không cam chịu đói nghèo, lạc hậu, nỗ lực phấn đấu vươn lên “cùng cả nước và vì cả nước”.

 

Chủ tịch nước Trần Đại Quang cũng lưu ý, đất nước đang đứng trước thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen. Dù đã đạt được những thành tựu to lớn, toàn diện, nhưng tỉnh Lạng Sơn vẫn phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức, như chuyển dịch cơ cấu kinh tế còn chậm, chỉ số hấp dẫn đầu tư còn thấp, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội chưa đáp ứng yêu cầu... Trên tinh thần này, Chủ tịch nước nhấn mạnh, Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Lạng Sơn cần ra sức phát huy truyền thống yêu nước, tinh thần cách mạng tiến công trong việc triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm. Đó là, khai thác có hiệu quả các tiềm năng và lợi thế của tỉnh, tiếp tục đầu tư phát triển kinh tế cửa khẩu, thương mại, dịch vụ du lịch; phát triển toàn diện nông, lâm nghiệp và kinh tế nông thôn theo hướng sản xuất hàng hóa, chú trọng các vùng cây nguyên liệu, cây đặc sản, cây có giá trị kinh tế cao, khai thác và phát huy thế mạnh về kinh tế đồi rừng gắn với phát triển các cơ sở chế biến; tăng cường ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, hướng tới sản xuất hàng hóa; chú trọng bảo vệ môi trường, phòng, chống thiên tai và giảm thiểu những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu.

Biểu diễn nghệ thuật chào mừng tại Lễ kỷ niệm. Ảnh: Nhan Sáng-TTXVN
Biểu diễn nghệ thuật chào mừng tại Lễ kỷ niệm. Ảnh: Nhan Sáng-TTXVN
 

Chủ tịch nước Trần Đại Quang đề nghị tỉnh Lạng Sơn khuyến khích phát triển công nghiệp quy mô vừa và nhỏ, khôi phục và phát triển các ngành nghề, mặt hàng thủ công; chú trọng phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ, phát triển công nghiệp chế biến gắn với các vùng nguyên liệu. Lạng Sơn cần chú trọng tranh thủ tối đa các nguồn lực để phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, tập trung phát triển Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn, phấn đấu đến năm 2020, Lạng Sơn trở thành một trung tâm dịch vụ của tiểu vùng Đông Bắc. Cùng với đó, tỉnh Lạng Sơn cần quan tâm hơn nữa việc xây dựng phát triển văn hóa, thực hiện nếp sống văn minh, xóa bỏ các tập tục lạc hậu; chú trọng đào tạo nguồn nhân lực, đào tạo đội ngũ cán bộ cho hệ thống chính trị các cấp; làm tốt công tác xóa đói, giảm nghèo, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội; bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia, an ninh biên giới, góp phần xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển.

 

Về công tác xây dựng Đảng, Chủ tịch nước đề nghị Đảng bộ tỉnh Lạng Sơn tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa XI, XII) về xây dựng Đảng gắn với triển khai thực hiện sâu rộng Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị (Khóa XII) về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; tập trung đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.

 

Chủ tịch nước Trần Đại Quang tin tưởng, với truyền thống cách mạng vẻ vang, tinh thần đoàn kết, chủ động, sáng tạo, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Lạng Sơn sẽ xây dựng Lạng Sơn thành một tỉnh vững về chính trị, giàu về kinh tế, đẹp về văn hóa, mạnh về quốc phòng, an ninh, xứng đáng với niềm tin yêu, kỳ vọng của đồng bào, chiến sĩ cả nước./.

Có thể bạn quan tâm